Từ là nỗi lo làm đau đầu chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện,ếntroxỉnhiệtđiệnthànhvậtliệuxâydựbang xh bd y tro xỉ nhiệt điện ở Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) lại trở thành vật liệu xây dựng có ích.
Tranh nhau mua tro xỉ nhiệt điện
“Chúng tôi từng rất đau đầu về vấn đề xử lý tro xỉ của nhà máy nhiệt điện”, ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng nhớ lại khoảng thời gian xử lý tro xỉ nhiệt điện khi nhà máy này vận hành thương mại vào cuối năm 2011.
Ông Trần Hữu Nam kể, ban đầu khi dự án mới đưa vào vận hành chưa có hướng tro xỉ nên đó là vấn đề nóng bỏng. Mỗi năm phải thải ra 1 triệu tấn tro xỉ và hồ để xỉ thiết kế chưa trong 10 năm, nếu không xử lí kịp sẽ đầy lên nhanh chóng.
Cách nhà máy nhiệt điện 3km, hồ để xỉ được đặt trên một khu đất rộng. Xung quanh là hàng phi lao bao bọc. Quả thực, nếu không có biện pháp thì chả mấy hồ để xỉ sẽ đầy ắp, ẩn chứa nguy cơ ô nhiễm.
Theo ông Trần Hữu Nam, từ năm 2014 hướng đi xử lý tro xỉ đã mở ra là biến thành 1 sản phẩm có ích cho xã hội chứ không gây ô nhiễm nữa. Quan điểm này được Bộ Công Thương, Chính phủ cụ thể hóa bằng quyết định công nhận tro xỉ là vật liệu xây dựng. Đó cũng chính là bước ngoặt trong việc xử lý tro xỉ của nhiệt điện Hải Phòng.
Giờ đây, nhiệt điện Hải Phòng dồn dập đón những hàng xe bồn vào lấy tro xỉ. 100% tro xỉ được tiêu thụ hết. Thậm chí, thời gian đầu còn xuất hiện tình trạng tranh nhau mua tro xỉ, tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực.
Lãnh đạo Nhiệt điện Hải Phòng bộc bạch, “Trước đây cứ bán tự do, ai vào mua là bán nên xuất hiện việc tranh giành nhau. Người không mua được thì lại đứng ngoài cản trở. Sau đó chúng tôi đưa ra chính sách bao tiêu, chỉ chấp nhận nhà thầu có năng lực. Họ sẽ bao tiêu rồi tự phân phối cho các “đại lý”. Trách nhiệm của họ là làm sao tiêu thụ hết tro xỉ. Khi đó trật tự được vãn hồi ngay, không còn tranh mua tranh bán”.
Hiện nay, nhiệt điện Hải Phòng có 4 tổ máy, nên công ty đã ký hợp đồng với 4 đơn vị, mỗi đơn vị phụ trách tro xỉ của 1 tổ máy.
Ngay cả hồ để tro xỉ tồn từ những năm trước, nhiệt điện Hải Phòng cũng đã ký với 2 đơn vị khai thác theo đúng tiêu chuẩn môi trường. Dự kiến đến năm 2020 các đơn vị này sẽ khai thác hết.
“Chất thải rắn được tiêu thụ hết và không thành mối đau đầu như trước đây”, ông Trần Hữu Nam thở phào khi đã biến tro xỉ thành sản phẩm có ích cho xã hội, không phải là chất thải nguy hại.
Hiện giá thu mua tro xỉ của nhà máy này dao động từ 10.000-18.000 đồng/tấn, một mức giá rất thấp. Bửi theo lãnh đạo Nhiệt điện Hải Phòng, “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề doanh thu từ tro xỉ này mà chủ yếu để làm sao có đơn vị họ thu mua, tiêu thụ tro xỉ”.
Tận dụng tro xỉ nhiệt điện
Câu chuyện tiêu thụ tro xỉ ở nhiệt điện Hải Phòng cho thấy việc xử lý tro xỉ đã thành công bước đầu. Đến nay, tro bụi của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được sử dụng để làm bê tông đầm lăn của đập Thủy điện Sơn La, được bán với giá 750.000 đồng/tấn. Trước đó, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình cũng bán được tro bụi làm vật liệu xây dựng và ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh Nhà máy.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều nhà máy nhiệt điện vẫn chưa tiêu thụ được tro xỉ như ở Nhiệt điện Hải Phòng, nhất là ở các tỉnh phía Nam.
Điều này được lý giải là do thị trường những khu vực đó chưa quen và chưa có nhiều nhu cầu với tro xỉ nhiệt điện.
PGS. TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng: Trên thế giới, tro bụi của các nhà máy điện hầu như đều được sử dụng một cách hiệu quả. Thậm chí có những nước còn rơi vào tình trạng báo động phải nhập khẩu tro bụi. Đối với họ, tro bụi là rất quý, chứ không phải chất thải nguy hại.
“Trong khi số lượng các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam khá lớn, nhưng lượng tro bụi lại chưa được sử dụng hiệu quả. Cái “dở” là các cấp, các ngành chưa vào cuộc đồng bộ để xử lý tro bụi thành nguyên liệu. Thậm chí, Việt Nam còn tính đến chuyện thải bỏ và chôn lấp. Đây là một lãng phí rất lớn”, chuyên gia Trương Duy Nghĩa chia sẻ.
Ông Trương Duy Nghĩa lưu ý, khi các đơn vị sử dụng tro xỉ để làm vật liệu xây dựng cần nghiên cứu kỹ phương án xử lý, đảm bảo việc sử dụng tro xỉ hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng.
H.Nam