- Một trong những câu hỏi đặt ra khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới là có thực sự giảm tải cho học sinh so với hiện hành?áoviêntrườngốccóchịutảiđượcchươngtrìnhphổthôngmớkeonhacai bongdatv Mặt khác, nhiều ý kiến cũng băn khoăn liệu đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện tại có thể "tải" nổi chương trình mới?
Đông đảo báo chí quan tâm tới chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng |
"Giảm tải so với chương trình hiện hành"
Tại buổi họp báo công bố chương trình chiều 27/12, các nhà báo tập trung vào 2 vấn đề lớn. Điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình và tập huấn đội ngũ giáo viên; giảm tải và bố trí cho học sinh lựa chọn môn học.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình tổng thể cho hay ở chương trình mới, học sinh sẽ được giảm thời lượng học so với chương trình hiện hành.
Ở cấp THCS giảm được 54 tiết nhờ việc dạy học tích hợp. Ở cấp THPT giảm được từ 262 đến 315 tiết tùy từng ban (nhờ phân hóa, học sinh không phải học tất cả 17 môn và hoạt động giáo dục mà được lựa chọn các môn học).
Tuy nhiên, về cơ bản chương trình giáo dục phổ thông mới hay hiện hành đều dạy cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cơ bản, không phải là những cái gì đó quá thay đổi.
"Thay đổi ở đây chủ yếu là sàng lọc, chọn lọc những kiến thức thiết thực, đổi mới cách tổ chức dạy học để phát huy năng lực của học sinh và tăng cường khả năng thực hành".
Hiện Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục đổi mới nội dung, cách dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
"Do đó tôi tin chắc học sinh khi bắt nhịp vào chương trình mới sẽ đáp ứng được. Khi làm chương trình, chúng tôi cũng đã tính đến việc phù hợp với thực tiễn dạy học Việt Nam, kế thừa chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm thế giới. Như vậy chương trình mới không phải là một cái gì đó cắt đứt khỏi giáo dục hiện tại".
GS Thuyết cũng nói thêm, để so sánh về giảm tải thì nên xem chi tiết giải thích TẠI ĐÂY.
Có giải được bài toán giáo viên?
Một băn khoăn thường trực: Việc tập huấn giáo viên thường theo cách qua các giáo viên cốt cán sau đó về đến giáo viên ở các địa phương, theo nhiều nấc khiến chất lượng khó đảm bảo; khi đến giáo viên lại không tiếp thu được tinh thần đổi mới. Chưa kể là điều kiện vùng miền có sự chênh lệch lớn.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Nhà giáo Hoàng Đức Minh cho biết, kể từ khi có Nghị quyết 29, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo phối hợp với các sở để bồi dưỡng cho giáo viên những năng lực cốt lõi như: xây dựng kế hoạch nhà trường định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh, cách tổ chức hoạt động trải nghiệm, vấn để kiểm tra đánh giá theo năng lực, xây dựng chủ đề tích hợp liên môn…
Ông Hoàng Đức Minh. Ảnh: Thanh Hùng |
"Đó đều là những năng lực để tiếp cận chương trình phổ thông mới và đã bắt đầu cách đây 5 năm. Bản thân chương trình phổ thông hiện hành cũng đã được các giáo viên áp dụng đổi mới để thích ứng dần.
Khi chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị ban hành, kế hoạch 791 vào tháng 9/2018 đã nói rất kỹ về đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình. Với tinh thần ấy, bắt đầu từ quý III năm 2019 sẽ bồi dưỡng cho giáo viên lớp 1. Sau đó sẽ tiếp tục với các khối lớp khác cho đến hết lộ trình.
Ông Minh nhấn mạnh tới việc bồi dưỡng theo "chuẩn nghề nghiệp", ứng dụng bài giảng đã được "số hoá" và thông qua mạng. Giáo viên chủ yếu sẽ tự học.
Cho rằng giáo viên là yếu tố quan trọng và quyết định sự thất bại của chương trình giáo dục phổ thông mới, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đặt vấn đề về chất lượng việc tập huấn qua mạng.
Về điều này, Cục trưởng Minh cho biết, cách đây 4 - 5 năm trên toàn quốc đã triển khai đào tạo giáo viên qua hệ thống "trường học kết nối".
Lo ngại khác được đặt ra, đó là ở cấp THPT, với việc học sinh học có 5 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn, Bộ GD-ĐT đã tính đến bất cập thừa thiếu giáo viên do việc lựa chọn môn học lệch, nhà trường không đáp ứng được theo lựa chọn của học sinh hay chưa.
Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ:
"Luôn luôn có mâu thuẫn giữa mong muốn và hiện thực. Chúng ta mong muốn phân hóa triệt để, cao nhất theo nguyện vọng của học sinh nhưng trên thực tế không phải nước nào cũng làm được tuyệt đối như vậy. Do đó chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng quy định việc nhà trường xây dựng tổ hợp các môn học đáp ứng nguyện vọng của học sinh đồng thời phù hợp với khả năng thực hiện của nhà trường".
Ông Hoàng Đức Minh cho hay Bộ cũng đã tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên. Bộ đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm. Đồng thời các tỉnh cũng đã rà soát số lượng, cơ cấu chất lượng để có phương án cùng với Bộ Nội vụ đề xuất, bổ sung kịp thời.
"Đồng thời, đối với những môn tự chọn cho THPT, Bộ cũng đã tính đến việc tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo phát huy tất cả hoạt động trao đổi, thảo luận, định hướng nhóm chọn cho học sinh; làm sao cho số lượng giáo viên kiểm soát được và các địa phương cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giáo viên. Những việc này Bộ cũng đã tính và đồng thời cũng giao cho các đơn vị nghiên cứu lại định mức làm việc của giáo viên để có cơ cấu giáo viên hợp lý nhất giúp các địa phương không bị động”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh cũng cho rằng, về cơ bản, đội ngũ giáo viên không thiếu khi số giáo viên cần đáp ứng chương trình cũ và mới không quá chênh lệch. Do đó không lo về nguồn tuyển.
Hiện, Bộ đang rà soát lại chuẩn nghề nghiệp giáo viên, gắn các với chuẩn để nâng cao năng lực giáo viên và vị trí việc làm. Cùng đó, hằng năm, sẽ có bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng chuẩn chương trình.
| ||
"Tuy nhiên, tôi tin đội ngũ giáo viên và các cơ sở đào tạo đồng hành cùng các giải pháp của Bộ thì có thể nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu. Và cũng không phải học sinh được giảm tải đi thì giáo viên phải làm việc nhiều hơn. Ở đây học sinh được hoạt động trải nghiệm nhiều hơn, không có nghĩa là giáo viên phải làm thay , mà là tổ chức cho học sinh. Do đó không phải là tăng tải đối với giáo viên".
Theo ông Minh, Bộ cũng đã giao cho một viện nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân tính lại căn cơ toàn bộ chế độ làm việc của giáo viên qua đó xác định lại định mức cho giáo viên một cách khách quan.
"Việc này sẽ tính lại toàn bộ định mức giáo viên theo đúng lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Năm tới đề tài này sẽ được nghiệm thu và quy đổi số giờ đối với giáo viên. Như vậy, giáo viên dạy lớp 1 từ năm 2020 thì việc tính lại định mức một cách khách quan".
Cơ sở vật chất: Không đáng lo!
Ngoài đội ngũ giáo viên, nhiều ý kiến cũng đặt ra băn khoăn về cơ sở vật chất hiện tại liệu có thể "chịu tải" nổi chương trình mới.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho hay Bộ không đặt vấn đề áp dụng chương trình mới thì phải thay đổi cơ sở vật chất mà đó yếu tố cần thiết bất kể đối với chương trình nào.
"Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể về cơ sở vật chất của các trường phổ thông thì hiện nay cấp THCS và THPT tương đối yên tâm đáp ứng được yêu cầu. Cấp tiểu học thì khó khăn hơn một chút".
Tuy nhiên, ngay từ năm 2014, Bộ đã tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của các trường và tham mưu với Chính phủ và Quốc hội để hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là vùng khó khăn.
Tại đợt đánh giá cơ sở vật chất năm 2014, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước mới đạt 71%, trong đó tiểu học chỉ đạt 61,5%. Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ này đã đạt mức 85%, trong đó tiểu học đạt 72,2%. Tỷ lệ phòng học trên lớp đến thời điểm này đã đạt 0,93 phòng/lớp ở cấp tiểu học.
Ông Phạm Hùng Anh. Ảnh: Thanh Hùng |
Nhiều người nghĩ rằng Tây Bắc là vùng khó khăn nhưng chính ra Tây Bắc hiện nay có tỷ lệ phòng học/lớp cao nhất cả nước. Con số thấp nhất rơi vào vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Như vậy, cả nước hiện nay có khoảng 10% số cơ sở đào tạo chưa đủ số phòng học/lớp để dạy học 2 buổi/ngày tính cho toàn cấp tiểu học. Đến năm 2020 thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày với lớp 1 thì hầu hết các cơ sở giáo dục đủ điều kiện".
Về sĩ số trên lớp, ông Hùng Anh cho hay, hiện nay, theo báo cáo của các địa phương thì tỷ lệ trung bình trên cả nước là 28,5 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học. Trong đó vùng Tây Bắc là 23 học sinh/lớp, Tây Nguyên là 26 học sinh/lớp và Tây Nam Bộ là 27.
Như vậy nếu xét mặt bằng chung thì tỷ lệ học sinh trên lớp là đáp ứng yêu cầu (theo quy định sĩ số là 35). Tuy nhiên một số thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM thì lại vượt quá.
Hiện nay Bộ đang chỉ đạo các địa phương tháo gỡ bằng việc rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp; cho phép ở các thành phố lớn được nâng tầng đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện, nhằm bố trí thêm lớp học.
"Ngoài ra, trong thời gian tới Bộ sẽ điều chỉnh lại quy chuẩn về cơ sở vật chất. Cục Cơ sở vật chất sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ quy định diện tich, không gian học tập cho mỗi học sinh; chẳng hạn sẽ không tính theo chuẩn là số học sinh/lớp mà sẽ là số diện tích dành cho học sinh/lớp.
Thành bại của chương trình: Ai chịu trách nhiệm?
So sánh sâu hơn về những điểm mới của chương trình như thêm môn học bắt buộc ở cấp tiểu học, dạy học theo tích hợp, phân hoá ở cấp cao hơn, chương trình được thiết kế cho 2 buổi/ngày và những điều kiện đảm bảo chất lượng, các phóng viên nêu vấn đề: Trong trường hợp chương trình thất bại thì trách nhiệm sẽ thuộc về ban phát triển chương trình hay cơ sở triển khai chương trình?
Quang cảnh buổi họp báo chiều 27/12. Ảnh: Thanh Hùng |
Nói về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ ban soạn thảo đã làm hết trách nhiệm, hết sức cố gắng.
"Chương trình này đã được quán triệt nghiêm túc toàn bộ các quan điểm chỉ đạo trong các Nghị quyết, kế thừa chương trình hiện hành, tiếp thu kinh nghiệm thế giới và tính toán đến điều kiện thực tế của Việt Nam. Chúng tôi đầy tự tin chương trình này sẽ có một sức sống lâu dài. Tuy nhiên, chương trình khi vận hành để phù hợp với sự phát triển của cuộc sống cũng có thể sẽ có những thay đổi, cập nhật, song chỉ mang tính chi tiết mà thôi", Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới khẳng định.
CLIP: Buổi họp báo công bố chương trình ngày 27/12:
Thanh Hùng - Thúy Nga - Hạ Anh
Công bố 27 chương trình môn học phổ thông mới
Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD-ĐT công bố tối 27/12.