Tại phiên tọa đàm "Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư" diễn ra chiều 19/12, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, bác sĩ trong lĩnh vực Y sinh đã cùng nhau thảo luận về những giải pháp tiên tiến trong điều trị bệnh ung thư và cơ hội để áp dụng tại Việt Nam.
Đây là phiên đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước do tính cấp thiết mà nó mang lại trong việc chẩn đoán, điều trị ung thư, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Sự kiện nằm trong chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống", khuôn khổ Giải thưởng VinFuture.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y Tế), ung thư vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Ở nước ta, ung thư được coi là một trong các nhóm bệnh ưu tiên thuộc Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Theo thống kê của GLOBOCANnăm 2020, tại Việt Nam, có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Lý do căn bệnh này nguy hiểm là bởi tới nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ung thư dành cho từng trường hợp cá biệt.
Liệu pháp sử dụng tế bào mở ra "cánh cửa" cho bệnh nhân ung thư
Tại buổi tọa đàm, GS. Je-Jung Lee, CEO Vaxcell Bio, Hàn Quốc, đã trình bày về giải pháp tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killer - NK) được ông cùng nhóm nghiên cứu từ 2010.
Theo liệu pháp này, người bệnh được truyền tế bào NK và HAIC nhằm kích hoạt và phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư.
Theo GS. Lee, tỉ lệ phản hồi sau khi sử dụng liệu pháp NK đạt hơn 81%, ổn định trong 3 năm. Sau khi triển khai lâm sàng với 11 bệnh nhân, nhóm nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ phản hồi tích cực lên 66,7% và tỉ lệ thích nghi tới 100%. Cá biệt với bệnh nhân ung thư phổi, khi được áp dụng liệu pháp truyền tế bào NK, tỉ lệ phản hồi tích cực lên tới 90%.
Kết quả điều trị nói chung cũng cho thấy tín hiệu rất tích cực. Cụ thể, sau 4 tuần, dấu hiệu tế bào ung thư ác tính gần như biến mất, và kết quả ổn định trong 3 năm.
GS. Bruce Levine đến từ Đại học Pennsylvania, Mỹ cũng giới thiệu liệu pháp mới sử dụng tế bào hiếm, có tên gọi là CAR T để chống lại ung thư. Đây thực ra là một tế bào của cơ thể, nhưng sở hữu cơ chế miễn dịch đặc hiệu với ung thư.
Theo GS. Levine, tế bào CAR T giống như "thuốc sống", sẽ truy tìm và tiêu diệt tế bào ung thư, từ đó giúp bệnh nhân chiến thắng căn bệnh quái ác này mà không cần sử dụng các biện pháp truyền thống như hóa trị hay sử dụng thuốc.
Điều đặc biệt của CAR T là tế bào này được phát hiện và lấy từ chính cơ thể của bệnh nhân, sau đó nuôi cấy, rồi đưa trở lại vào cơ thể để thực hiện "nhiệm vụ".
GS. Levine cho biết liệu pháp này đang mang đến những phản hồi tích cực, với 100% tỉ lệ đáp ứng và 57% đáp ứng hoàn toàn sau khi thử nghiệm lâm sàng trên 8 bệnh nhân.
Việt Nam có đủ điều kiện thử nghiệm liệu pháp điều trị ung thư mới
Khoa học đã và đang mang đến những đột phá tích cực từ liệu pháp mới giúp nhân loại chống lại căn bệnh ung thư, nhưng việc triển khai chúng thế nào và kịp thời tới đâu vẫn là một câu hỏi lớn.
Theo ông Phương Lễ Trí, Giám đốc điều hành y khoa - pháp quy - đảm bảo chất lượng tại AstraZeneca Việt Nam, nếu bệnh nhận ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, thì hoàn toàn có thể hy vọng có thể kiểm soát như bệnh mãn tính, hoặc thậm chí có thể chữa khỏi.
"Nhiều công trình thử nghiệm lâm sàng và nhiều tiến bộ mới trong y học đã hiện thực hóa vào cuộc sống, giúp tăng cường chẩn đoán và điều trị chính xác nhiều loại bệnh", ông Trí cho hay.
Ở góc độ Việt Nam, ông Trí cho rằng chúng ta sẵn có nhiều bệnh nhân ung thư, nên có thể lập tức áp dụng trên quy mô lớn các giải pháp điều trị mới, do mẫu thử nghiệm đủ lớn. Nói cách khác, Việt Nam có đủ điều kiện thử nghiệm liệu pháp điều trị ung thư mới.
Dẫu vậy, các thử nghiệm lâm sàng cũng như giải pháp giúp phát hiện ung thư sớm cần sớm xây dụng mô hình kết hợp phương pháp khác nhau nhằm tìm hiểu cơ chế về tác động phụ trong điều trị.
Ngoài ra, cần xây dựng bộ quy chế quy định về quản trị dữ liệu, cũng như đạt chuẩn mực về đạo đức ngành y toàn cầu tại Việt Nam, ông Trí cho biết.
Để bệnh nhân dễ tiếp cận phương pháp mới này, GS. Bruce Levine cũng đề xuất rằng Việt Nam cần có chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng, chấp nhận tế bào cũng là một trong các phương pháp điều trị, cũng như tổ chức đào tạo các cán bộ y tế hiểu và biết cách sử dụng tế bào như một liệu pháp điều trị hiệu quả.
GS Je-Jung Lee đồng ý với quan điểm nêu trên, khi gợi ý rằng Việt Nam nên đầu tư, đặc biệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ y tế, đồng thời khích lệ sử dụng phương pháp điều trị này trong tương lai.