Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế nằm ở trung tâm thị trấn Phồn Xương (Yên Thế,ệuquảtừmôhìnhởTrườngTrungcấpnghềmiềnnúiYênThếđức hôm nay Bắc Giang). Khuôn viên trường khá rộng với hệ thống các phòng học văn hóa, xưởng thực hành…
Đây là một trong những cơ sở đào tạo nghề thành công trong việc triển khai mô hình 9+. Mô hình này đào tạo song hành học nghề và văn hóa, sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể tiếp tục học liên thông lên bậc cao đẳng, đại học và rút ngắn được thời gian đào tạo.
Học sinh khoa Hàn trong giờ thực hành. |
Đến từng nhà, xuống từng địa bàn tuyển sinh
Năm 2017, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Dạy nghề Yên Thế sáp nhập, chuyển nguyên trạng tổ chức bộ máy, biên chế, học viên, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc về Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế. Từ đó, quy mô trường được mở rộng hơn. Đặc biệt, trường hoạt động theo phương thức tự chủ về tài chính.
Từ năm 2016 đến nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo hơn 2.000 học sinh. Các lĩnh vực trường đào tạo gồm: Điện tử công nghiệp, điện tử dân dụng, hàn, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc - gia cầm, thú y, may thời trang.
Mô hình đào tạo nghề 9+ đã và đang thu hút học sinh. |
Trong đó, một số nghề được nhiều học sinh theo học nhằm đón đầu nhu cầu của thị trường lao động như: Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô.
Vài năm trở lại đây, kết quả tốt nghiệp nghề hệ Trung cấp của trường đạt từ 98% - 100%. Trong đó năm 2020 là 100%. Kết quả tốt nghiệp THPT Quốc gia đạt 98-100%. Tuyển sinh hàng năm đều vượt chỉ tiêu, năm 2020 là 111,1%.
Hiện, trường có tổng số 1.500 học sinh theo học. Để đạt được số lượng này, Ban giám hiệu nhà trường cùng các cán bộ giảng dạy đưa ra các phương án tuyển sinh hấp dẫn nhằm thu hút học sinh đăng ký.
Bà Nguyễn Thị Hồng, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi đưa cán bộ xuống từng trường THCS, qua từng cụm dân cư tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh, để thông tin về nhà trường cũng như những ưu thế của chương trình 9+ đến được từng phụ huynh học sinh”.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế |
Thông qua tư vấn tuyển sinh trực tiếp như vậy tại các trường THCS, các bậc phụ huynh học sinh rất yên tâm tin tưởng nhà trường, ủng hộ sự lựa chọn của con em mình.
Lý do khiến chương trình đào tạo 9+ thu hút được học sinh là học phí thấp, có nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương. Mười tám tuổi ra trường, học viên có trong tay bằng nghề và có thể tham gia lao động với kỹ năng nghề thành thạo.
Sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh đi làm chiếm khoảng 80%, còn lại 20% các em có nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng với thời gian học khoảng 15 tháng là có bằng cao đẳng.
Theo bà Hồng, chương trình này có nhiều tính ưu việt, thể hiện rõ chính sách phân luồng đào tạo sau THCS của Nhà nước, định hình rõ cho học sinh con đường đi ngay từ khi tốt nghiệp THCS.
Chương trình đào tạo nghề kết hợp học văn hóa được xem là giải pháp hữu hiệu, mở ra một “cánh cửa” mới cho rất nhiều học sinh có cơ hội học tập và đào tạo nghề ngay từ khi còn rất trẻ.
Nữ hiệu trưởng đánh giá, mô hình này là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số 4.0. Nhiều bạn trẻ sau khi kết thúc chương trình THCS đã chủ động đăng kí theo học mô hình đào tạo 9+ ở các trường trung cấp và cao đẳng. Hiệu quả của mô hình 9+ được thể hiện rõ hơn qua số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp tăng từ 5% vào cuối năm 2014, lên 15% vào cuối năm 2019.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thì cơ hội lựa chọn học nghề theo mô hình 9+ rộng mở hơn, theo đó người học có thể đăng ký học ở nhiều trình độ: Trung cấp, cao đẳng, đại học để có bằng kỹ sư thực hành, cử nhân thực hành.
Hiệu quả tích cực
Theo thông tin từ nhà trường, với mô hình 9+, sau khi tốt nghiệp, nhiều học viên của Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế đã có việc làm ổn định. Một số có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Như trường hợp anh Nguyễn Đức Hiếu (Đông Sơn, Yên Thế, Bắc Giang). Hiếu tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô K7 và được doanh nghiệp lớn về ô tô tuyển dụng vào làm với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng. Anh Hiếu cho biết, anh không còn làm tại doanh nghiệp vì có kế hoạch phát triển một gara ô tô và tiếp tục học, nâng cao tay nghề hơn nữa.
Nghề công nghệ ô tô được xem là đón đầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. |
Một học sinh khác của trường cũng khá thành đạt là Dương Văn Thắng (Xuân Lương, Yên Thế, Bắc Giang). Anh Thắng học nghề hàn tại trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế. Ra trường với bằng nghề, anh không xin vào làm tại các doanh nghiệp mà tự mở một xưởng cơ khí tại nhà. Thu nhập trung bình mỗi năm của anh là 200 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Nhiều giáo viên của Trường đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và dạy giỏi các cấp. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên của Trường có trình độ đại học, trong đó hơn 20% cán bộ, giáo viên là thạc sĩ.
Hàng năm, trường tổ chức các Hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm phát động phòng trào cũng như khuyến khích ý thức tự bồi dưỡng nghiệp vụ của giáo viên.
Học sinh Ninh Thị Phượng (SN 2004) đang theo học nghề điện tại trường chia sẻ, sau khi học hết lớp 9, cô quyết định đi học nghề điện tử dân dụng vì thấy phù hợp với bản thân và thị trường lao động.
Học sinh Ninh Thị Phượng - khoa Điện tử dân dụng. |
“Gia đình em thuộc hộ nghèo của xã. Mẹ em bị bệnh, phải điều trị thuốc hàng tháng. Em thấy học theo mô hình 9+ là con đường ngắn nhất để đi làm. Khi bạn bè cùng tuổi còn đi học hoặc chưa tìm được việc, em đã có thể có bằng nghề, việc làm và thu nhập để nuôi mẹ", Phượng chia sẻ.
Phượng cũng cho biết, chương trình học văn hóa tại đây không bị áp lực nhiều bài vở. Các thầy cô dạy rất dễ hiểu, kiến thức và kỹ thuật không quá khó, chương trình học cũng vừa sức.
Quang Sơn