Làng đón Tết sớm nhất và ăn Tết sau cùng_ty le chap chau a
Làng Thanh Khúc,àngđónTếtsớmnhấtvàănTếtsaucùty le chap chau a còn gọi là Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội những năm gần đây nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Đây là một trong những nơi không khí Tết đến sớm nhất ở Hà thành.
Giàu nhờ gói bánh chưng
Làng Tranh Khúc những ngày cuối năm thật bận rộn. Mặc dù Tết vẫn còn hơn nửa tháng nữa nhưng khắp làng trên xóm dưới đã thấy tíu tít người đi rửa lá dong để gói bánh chưng. Nhà nhà, người người, già trẻ lớn bé... đều có việc để làm, tạo nên không khí nhộn nhịp, mang đầy phong vị Tết cổ truyền - điều rất khó tìm thấy ở nơi phố phường chật hẹp. Tết ở đây luôn đến sớm hơn các địa phương khác cả tháng là vì thế.
Một thợ gói bánh chuyên nghiệp mỗi ngày gói được hàng trăm chiếc bánh.
Ngay triền đê đầu làng, lá dong được ô tô chở về từ nhiều miền quê khắp cả nước tập kết thành một bãi lớn. Chị Nguyễn Thị Thủy, người làng Tranh Khúc đang chọn lá, cho biết: “Một ngày mới bắt đầu bằng việc cho bánh ra lò rồi xuất bánh, ra đê nhận lá dong, trưa về đãi nếp, đỗ và rửa lá, đầu giờ chiều bắt đầu gói. Cuối giờ chiều đem bánh vào nồi và nấu cho đến sáng, mùa vụ đến phải “lăn ra mà làm”. Vòng quay làm việc của người dân làm bánh chưng dường như không một phút ngơi nghỉ”.
Thời điểm chúng tôi đến, mỗi gia đình làm bánh chưng ở Tranh Khúc huy động từ 10-25 người phục vụ cho 5-10 lò luộc luôn đỏ lửa. Người nhà không đủ, đa số những gia đình làm bánh số lượng lớn phải thuê lao động từ nơi khác đến. Trước đây, người làng Tranh Khúc phải tự bao tiêu sản phẩm, nhiều khi phải bán rong trên phố. Giờ thì lái thương đánh xe về tận làng lấy hàng mà còn làm không kịp luộc để giao.
Tranh Khúc trước đây đã có nghề gói bánh chưng nhưng cơ bản vẫn là làng thuần nông nên kinh tế khá khó khăn. Tốc độ đô thị hóa khiến đất đai ngày càng ít dần đi, nghề nông cũng không đủ nuôi người. Nhưng cũng chính nhờ đô thị phát triển nên nghề gói bánh chưng truyền thống của làng mới ngày càng “phất”. Hiện nay không ít người đã giàu lên, làng cũng "thay da đổi thịt" nhờ chính cái nghề truyền thống của ông cha để lại.
Về Tranh Khúc hỏi những gia đình khá lên nhờ nghề bánh, nhiều người chỉ đến gặp vợ chồng Bảo - Ngân. Ngôi nhà bề thế của anh chị ngồn ngộn lá dong, xanh biếc cả khoảng sân. Chị Ngân cười khiêm tốn: “Từ bánh mà nên, nhưng cũng phải từ thời các cụ để lại, vợ chồng tôi lấy đó mà phấn đấu thôi”.
Nhưng người được “bầu” là “vua bánh chưng” lại là ông Nguyễn Minh Tần. Ông Tần năm nay mới ngoài 50 tuổi nhưng đã có đến 30 năm làm bánh. Người nhà ông huy động từ cháu mới 14 tuổi đến người già tham gia làm bánh. Huy động người nhà không đủ, ông phải thuê cả thợ ngoài. Có lúc nhà ông có đến 20 nhân công.
Quanh nhà “vua bánh chưng” ngập những lá dong, lạt, gạo nếp. Đến nỗi, khách đến phải tìm mãi mới có một khoảng trống khoanh chân trên chiếc chiếu hoa. Ngoài sân chất hàng bó lá, trong nhà mọi khoảng trống cũng đều được tận dụng để tập kết lá. Cứ mỗi ngày qua đi khối lượng lá khổng lồ đó lại được gói bánh, rồi lá mới được chất vào.
Ông Tần vừa cho hay: Số lượng bánh chưng ông xuất đi tính đến đơn vị hàng nghìn. Không chỉ xuất đi các tỉnh, năm 1994 lần đầu tiên ông cho bánh chưng xuất ngoại. Có năm, ông xuất một lúc 4.000 chiếc bánh chưng sang Đức. Hiện nay, ông vẫn đều đặn đưa bánh sang cả Australia, Đức và Nga. Hầu như các gia đình trong làng Tranh Khúc không bán bánh lẻ mà chỉ nhận hợp đồng, như nhà ông Tần, phải đặt ít nhất 200 chiếc trở lên ông mới nhận làm.
Kiếm tiền không dễ
Ông Nguyễn Quốc Triệu ở đội 1, Tranh Khúc khẳng định: “Cái nghề này nghe thì đơn giản vì trước đây nhà nào chả gói bánh chưng dịp Tết. Nhưng gói bánh chưng đi bán cho thiên hạ thì cũng phải có kinh nghiệm. Chúng tôi làm nghề phải giữ chữ tín để đảm bảo hàng bán được làm cả năm, cả đời, đời mình, đời con, đời cháu”.
Để có một chiếc bánh chưng ngon, cần lựa chọn nguyên liệu kỹ. Muốn vậy phải đặt mua từ nhiều vùng miền của đất nước. Lá dong thì phải chọn lá nếp cho dẻo (lá tẻ giòn nên dễ gãy). Nhà ông Triệu thường chọn loại lá đưa ra từ Thanh Hóa, Nghệ An hoặc ở vùng cao Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang. Lá ở những nơi này có màu xanh thẫm, khó gãy, khi luộc bánh ngả màu xanh rất đẹp. Lạt buộc cũng tương tự, cần dẻo, mềm. Riêng loại giang để chẻ lạt buộc bánh được ưa thích là ở vùng núi Lương Sơn (Hoà Bình). Theo ông Triệu, nếp cái hoa vàng ở Hải Hậu, Nam Định luôn được các nhà làm bánh chưng ở Triều Khúc lựa chọn.
Đỗ làm nhân là loại đậu xanh đã tách vỏ, vàng óng lấy từ Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, khi nấu sẽ giữ màu và thơm, bùi. “Đừng tưởng thịt thăn là ngon. Khi nấu, nhân bánh sẽ khô, vì thế phải chọn loại ba chỉ tức là pha nạc và mỡ. khi chín, mỡ sẽ quyện với các lớp nhân khác khiến bánh ngầy ngậy...” - ông Triệu cho biết. Tuỳ theo loại bánh khách đặt to hay nhỏ mà thời gian luộc bánh kéo dài từ 7-11 tiếng đồng hồ. Muốn bánh ngon luôn phải để bánh chín âm, tức là lâu lâu lại tiếp thêm một ít nước lạnh.
Gói bánh chưng trong tâm trí mọi người là chuyện vui, chẳng mấy khi gợn lên sự khó nhọc. Nhưng với những người làm hàng ngàn bánh để bán thì công việc không hề đơn giản, nhàn nhã. Ban ngày quần quật với việc rửa lá, lau lá, ngâm nếp, đãi đỗ, gói bánh.. chưa tối đã lo nhóm lò. Bắc xong nồi bánh lên bếp mà giấc ngủ không tròn, lo bánh thiếu nước, lo than không đủ, gà chưa gáy sáng đã phải vớt bánh, ép bánh cho kịp giờ... Mọi việc cứ như những vòng quay được nối liền nhau từ ngày này qua ngày khác.
Ông Triệu cho biết: “Làng tôi gói bánh cả năm. Vất vả là thế, chủ yếu lấy công làm lãi. Một chiếc bánh được khoảng 10.000 - 15.000 đồng tuỳ loại. Ngày thường, nhà làm ít được dăm chục chiếc, nhà nhiều thì hơn trăm chiếc. Chỉ có dịp Tết Nguyên đán căng sức ra làm, trừ chi phí, mỗi nhà cũng lãi được khoảng mươi triệu”.
Dân làng Tranh Khúc chuẩn bị Tết từ đầu tháng Chạp nhưng chỉ thực sự được ăn Tết vào sáng mồng một của năm mới sau khi mẻ bánh cuối cùng đêm 30 Tết được xuất đi.
Lịch sử làng gói bánh chưng
Làng Tranh Khúc chia thành 2 thôn - Thượng và Hạ. Đến 90% dân làng theo nghề gói bánh chưng. Theo người dân ở đây cho biết, nghề nấu bánh chưng ở Tranh Khúc mới "có tiếng" khoảng 40 - 50 năm nay. Xưa kia đây là làng nghề bánh gai và bánh tẻ.
Người làng Tranh Khúc gói bánh chưng không cần khuôn. Các nghệ nhân của làng đều có thể gói bánh bằng tay nhưng vẫn vuông thành sắc cạnh. Nhiều "cao thủ" trong một giờ có thể gói cả trăm chiếc bánh đều như một.
(Theo Gia đình & Xã hội)