(BDO) Tại kỳ họp thứ 13,étchoýkiếnnhiềuquyếtsáchquantrọkết quả bđ hôm nay HĐND tỉnh khóa X đã xem xét, cho ý kiến đối với nhiều quyết sách quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh và liên quan mật thiết đến đời sống của người dân.
Kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển
Một nội dung quan trọng được HĐND xem xét, thảo luận để thông qua là Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, trục cao tốc Bắc - Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước, nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Tuyến cao tốc này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên. Do vậy, địa phương cần tập trung nguồn lực, sớm đầu tư để tạo động lực phát triển.
Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành đoạn đi qua tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài gần 46km, vận tốc thiết kế là 100km/giờ, đi qua 5 huyện và thành phố của tỉnh, gồm: TP.Thuận An, TP.Tân Uyên và các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo. Thời gian thi công được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đoạn từ Vành đai 3 (km0+00) đến cầu Khánh Vân (km6+500) có chiều dài khoảng 6,5km, hiện trạng là tuyến ĐT743A và ĐT747B với quy mô mặt cắt ngang rộng từ 36 - 38m, với 6 làn xe; đoạn từ cầu Khánh Vân (km6+500) đến cuối tuyến với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m... Giai đoạn 2, đoạn từ Vành đai 3 (km0+00) đến cầu Khánh Vân (km6+500), đặc biệt trong giai đoạn 2 sẽ đầu tư đường trên cao (cầu cạn) với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bởi dự án khác...
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Phương thức đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 17.408,39 tỷ đồng; trong đó vốn tham gia của Nhà nước dự kiến khoảng 8.530,11 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại được huy động từ nhà đầu tư...
Hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng
HĐND tỉnh xem xét, ban hành một số chế độ, chính sách đặc thù, như hỗ trợ các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), hỗ trợ đối với người làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp; hỗ trợ đối với sinh viên hệ chính quy theo học các ngành điều dưỡng, hộ sinh và cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; hỗ trợ đối với cấp ủy viên Đảng bộ bộ phận, cấp ủy viên chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, Đảng bộ bộ phận trên địa bàn tỉnh.
Qua hơn 1 năm triển khai, hiện trên địa bàn tỉnh có 586 tổ CNSCĐ với tổng số 3.329 thành viên. Các thành viên có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” để giúp người dân biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.
Với sự hỗ trợ của mạng lưới tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã được cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu trong chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân, như nền tảng VNeID, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của tỉnh...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, hoạt động của các tổ CNSCĐ chưa có công cụ hỗ trợ và chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ. Do đó, để tạo điều kiện cho các tổ CNSCĐ hoạt động hiệu quả, việc xem xét ban hành nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ cho các tổ CNSCĐ là cần thiết. Tờ trình dự thảo nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ đối với các thành viên trong các tổ CNSCĐ và các đối tượng được điều động, hỗ trợ làm nhiệm vụ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh, như sau: Về mức hỗ trợ thường xuyên, hỗ trợ mức khoán chi phí hoạt động chung (chi xăng, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm) cho tổ với định mức khoán là 60.000 đồng/thành viên của tổ/tháng. Về việc chi trả theo thực tế theo ngày công làm việc là 150.000 đồng/ngày/người (8 giờ làm việc) theo các chiến dịch, kế hoạch triển khai cụ thể của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; thực hiện huy động không quá 10 ngày/đợt; mỗi năm thực hiện không quá 6 đợt huy động. Trường hợp đột xuất theo chiến dịch, kế hoạch, cần huy động liên tục thành viên vượt hơn 10 ngày, có thể huy động nhưng phải bảo đảm không vượt quá 60 ngày/năm. Nếu làm ban đêm thì hỗ trợ thêm 30% mức chi 150.000 đồng/ngày/người theo quy định của pháp luật. Không áp dụng mức hỗ trợ này đối với những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, đơn vị, địa phương nơi làm việc phân công thực hiện nhiệm vụ của tổ CNSCĐ.
Tờ trình dự thảo nghị quyết cũng quy định cụ thể số thành viên tổ CNSCĐ được phân bổ theo mật độ dân số; 1 thành viên phụ trách hỗ trợ, hướng dẫn về công tác chuyển đổi số cho 220 hộ gia đình. Đối với các khu vực mật độ dân số thưa, không đáp ứng điều kiện tối thiểu phân bổ thành viên sẽ duy trì số tổ với thành viên tối thiểu là 3 thành viên/tổ.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét để thông qua một số nghị quyết quan trọng, như quyết định dự toán thu - chi ngân sách, kế hoạch đầu tư công năm 2024 và chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành (đoạn đi qua tỉnh Bình Dương); danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2024; quy định nội dung, định mức hỗ trợ thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2024-2025; phê duyệt số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã năm 2024; giao biên chế công chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù năm 2024...