- Nhận được học bổng toàn phần của 2 ngôi trường danh giá thuộc hàng “top” thế giới,àngtraituổitốtnghiệpIvynóingoạingữđihàngchụcquốty le ty so 2in1 rời nhà đi du học từ năm 16 tuổi, ít ai nghĩ xuất phát điểm của Trần Tuấn Sơn là một cậu học trò nhập cư tới từ ngôi trường làng và chưa từng mơ giấc mơ Ivy League.
Trần Tuấn Sơn, sinh năm 1993 - cựu học sinh UWC Singapore và cựu sinh viên ĐH Brown (Mỹ). Ảnh: NVCC |
Tự viết câu chuyện cuộc đời mình
Trần Tuấn Sơn sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ bên ngoài thủ đô Prague, Cộng hòa Séc. Đến năm 16 tuổi, cậu nhận được học bổng toàn phần của Trường Thế giới Liên kết Đông Nam Á và sang Singapore học tập.
Chàng trai sinh năm 1993 cho biết, chính trải nghiệm học tập ở UWC đã giúp cậu nhận được học bổng Davis – học bổng lớn nhất dành cho sinh viên quốc tế ở Mỹ và theo học ĐH Brown – một trong tám trường Ivy League.
“Tôi luôn ghen tị với bạn bè khi họ được đi du lịch nhiều quốc gia trong các kỳ nghỉ của gia đình, và tôi mơ ước cũng được đặt chân tới các thành phố, quốc gia khác nhau từ khi biết đọc” – Sơn kể.
Suốt thời phổ thông, cậu nhận ra những kiến thức mình thu nhận được không đủ, “vì chương trình học ở trường không thực sự thách thức và học sinh không quan tâm quá nhiều đến chuyện học tập cho tới năm cuối”.
Vì thế, cậu quyết định cải thiện khả năng tiếng Anh trong suốt những năm học phổ thông để chắc chắn rằng có thể thể hiện tốt trong các cuộc phỏng vấn. Đồng thời, Sơn cũng duy trì điểm số cao cho tới khi nộp hồ sơ, cố gắng đọc nhiều về chính trị, văn hóa và xã hội nước ngoài khi có thời gian rảnh rỗi.
Bắt đầu tìm kiếm học bổng du học từ năm 15 tuổi, cuối cùng Sơn tìm thấy UWC – một ngôi trường lâu đời với hệ thống cơ sở ở gần 20 quốc gia. Khi còn ở Séc, Sơn chỉ học tập ở một ngôi trường bình thường ở địa phương – một yếu tố mà Sơn cho rằng không phải là lợi thế của mình so với các ứng viên khác. “Đến với UWC Singapore là lần đầu tiên tôi theo học một ngôi trường có những sinh viên quốc tế tham vọng và đầy động lực. Trước đó, tôi chỉ học ở một trường địa phương của Séc – nơi tôi là 1 trong 4 người dân tộc thiểu số của trường”.
Hãy làm mình đặc biệt
Sơn và các bạn ở UWC Singapore. Ảnh: NVCC |
“UWC có thể là trải nghiệm quan trọng nhất trong cuộc đời tôi vì nó định hướng tôi đến với Brown. Tôi được nhận vào Brown là nhờ những động lực mà tôi nhận được ở UWC” – Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, cậu cũng thừa nhận nguồn gốc Việt – Séc đã giúp hồ sơ của cậu trở nên khá đặc biệt.
“Bài luận của tôi nói về việc mình lớn lên ở Séc với tư cách là thế hệ đầu tiên được sinh ra ở châu Âu. Tôi nói về sự mâu thuẫn của mình khi vừa muốn hiểu và duy trì những giá trị của bố mẹ nhưng vừa muốn hòa nhập với cộng đồng. Chứng kiến bố mẹ làm việc vất vả trong một cửa hàng nhỏ, tôi nói về ước mơ và tham vọng của bản thân và những tác động tích cực mà giáo dục của Brown với tương lai của gia đình tôi” – Sơn chia sẻ về bài luận gửi tới ĐH Brown.
“Du học là niềm đam mê của tôi, nhưng tôi chưa từng mơ được vào một trường Ivy trước khi tôi vào được UWC. Việc chứng kiến bạn bè được nhận vào các trường như Harvard, Oxford đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi, giúp tôi nhận ra rằng ít nhất cũng nên thử một lần”.
Sơn cho biết, học bổng Davis là một hỗ trợ rất lớn cho việc học tập của cậu ở nước Mỹ đắt đỏ và đó cũng là lựa chọn rẻ nhất cho gia đình cậu. Những người nhận được học bổng này sẽ được hỗ trợ 20-40% học phí bởi gia đình Davis. Phần còn lại được chi trả trực tiếp bởi trường đại học, trong trường hợp của Sơn là ĐH Brown. “Hồ sơ về thu nhập của gia đình sẽ quyết định ngân sách dành cho mỗi sinh viên là bao nhiêu” – Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, các hoạt động vì cộng đồng, kỹ năng lãnh đạo, hoạt động thể thao, văn hóa, mối quan hệ với các vấn đề của thế giới… cũng là những yếu tố mà ban tuyển sinh của trường muốn nhìn thấy ở một ứng viên.
Sơn cùng nhóm cựu học sinh UWC ở ĐH Brown. Ảnh: NVCC |
Với những bạn trẻ muốn nộp hồ sơ xin học bổng, Sơn khuyên các bạn nên chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, đam mê của mình để bạn trở thành một ứng viên đặc biệt. “Trong trường hợp của tôi, tôi biết kỹ năng Toán học của mình không phải là thế mạnh và nó ảnh hưởng tới điểm SAT của tôi. Vì thế tôi học tập chăm chỉ hơn, trao đổi với giáo viên toán thường xuyên hơn để đảm bảo rằng sẽ đạt kết quả tốt ở các kỳ thi, đồng thời hiểu về kiểu tính cách và “profile” học tập mà các trường đang tìm kiếm. Ví dụ như ĐH Brown tìm kiếm sự cởi mở với những ý tưởng mới, khả năng viết tốt và sự quan tâm với các vấn đề xã hội”.
Tận dụng cơ hội để được đi
Trong quá trình theo học Brown, Sơn có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống và môi trường học tập ở nhiều quốc gia khác nhau. Năm thứ 3, Sơn dành một học kỳ ở ĐH Yonsei, Hàn Quốc. ĐH Brown có chính sách khuyến khích các sinh viên ngành Quan hệ quốc tế có những trải nghiệm khác bên ngoài nước Mỹ. Và Sơn đã chọn Hàn Quốc vì quan tâm tới các chính sách kinh tế của nước này và sự phát triển của các tập đoàn như Samsung, Hyundai.
Sơn trong ngày tốt nghiệp ĐH Brown. Ảnh: NVCC |
Kỳ học tiếp theo, Sơn chọn Paris vì muốn cải thiện khả năng tiếng Pháp và muốn được tiếp cận việc nghiên cứu chính sách. Cậu dành mùa xuân năm đó để học về chính trị Pháp và thực tập ở một công ty cố vấn của Pháp. Cũng nhờ một học kỳ ở đây mà trình độ tiếng Pháp của Sơn tiến bộ khá nhanh.
Với tiếng Hàn, Sơn chưa ở mức thành thạo nhưng đủ để giao tiếp hội thoại đơn giản. Ngoài 2 ngoại ngữ này, cựu sinh viên Brown cũng thành thạo tiếng Séc, tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, với tiếng Việt, Sơn thừa nhận không được học bài bản nên chỉ giao tiếp tốt về các chủ đề thường ngày trong gia đình, chứ không tự tin khi đọc và viết. “Tôi rất muốn được học tiếng Việt một cách bài bản”.
Trong quá trình học tập ở UWC hay Brown, Sơn cũng tận dụng mọi cơ hội để khám phá các quốc gia, những nền văn hóa mới. Khi còn ở UWC, cậu có cơ hội được đi nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Timor Leste, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan. Khi ở châu Âu, Sơn cũng đi thăm thú một số nơi vì đi lại ở đây rất thuận tiện.
“Nhận học bổng ở trường quốc tế là một bắt đầu hoàn hảo. Thậm chí, bây giờ tôi quyết định tìm kiếm việc làm trong ngành tư vấn quản lý vì muốn có một công việc có nhiều cơ hội được đi và khám phá những vùng đất mới” – Sơn nói.
Hãy cởi mở và mạo hiểm
Sơn và gia đình chụp ảnh kỷ niệm trước Nhà Trắng. Ảnh: NVCC |
Sơn chia sẻ, gia đình cậu sống một cuộc sống điển hình của người Việt nhập cư Séc. Bố mẹ cậu có một cửa hàng tạp hóa và một cửa hàng đồ gia dụng ở đây. Họ phải làm việc rất vất vả, kể cả những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, họ luôn nói với con cái về tầm quan trọng của giáo dục đại học và khuyến khích con theo đuổi. “Bố mẹ tôi chưa từng mơ đến một ngày tôi có thể học tập ở Mỹ. Ngày tốt nghiệp là khoảnh khắc tự hào của gia đình tôi. Bố mẹ tôi không chỉ mơ ước được đặt chân tới New York hay Washington DC, mà đó còn là lần đầu tiên gia đình tôi thực sự có một kỳ nghỉ cùng nhau”.
“Mặc dù cả bố mẹ tôi đều không đủ may mắn để được học đại học và không thực sự hiểu về những gì tôi đã trải qua, nhưng họ luôn ủng hộ những quyết định của tôi. Họ tin vào khả năng đối mặt với những thách thức mới của tôi và giúp tôi cảm thấy vững tin. Tôi cực kỳ biết ơn bố mẹ”.
Được đi nhiều nước, học ở nhiều nơi, nói nhiều ngoại ngữ, Sơn cho rằng để trở thành công dân toàn cầu, “quan trọng là phải cởi mở và mạo hiểm”. Không những thế, bạn còn phải trở thành đại sứ cho đất nước mình.
“Tôi tin rằng những bài học mà chúng ta học được ở nước ngoài nên được sử dụng không chỉ để cải thiện bản thân, mà còn để đất nước phát triển. Đừng mắc kẹt trong quá khứ, mà hãy nhìn về phía trước và nghĩ đến những cách mà bạn có thể tạo ra sự khác biệt. Bằng cách này, bạn có thể tìm được những cơ hội học tập hay làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Và khi bạn ở nước ngoài, hãy là chính mình và làm tốt nhất có thể trong mọi khoảnh khắc mà bạn được gặp gỡ một người mới”.