Bà giáo của những trẻ em nghèo_tỷ số hôm nay
Trọn đời gắn bó với nghề giáo viên
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông,àgiáocủanhữngtrẻemnghètỷ số hôm nay ngay từ ngày còn cắp sách đến trường bà Nguyễn Thị Ba đã ấp ủ trong mình niềm mơ ước lớn lên sẽ đi theo nghề bác sĩ để chữa bệnh cứu người hoặc làm nghề giáo viên để đem những gì mình hiểu biết, học được để dạy lại cho các em nhỏ, đặc biệt là những em nhỏ do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường học. Bà Ba chia sẻ năm 1967, tốt nghiệp tú tài 2 (tương đương với cấp 3 ngày nay), bà theo học ngành sư phạm ở trường Sư phạm Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, bà về dạy học tại trường Tiểu học Chánh Lưu (nay là trường Tiểu học Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát); rồi bà đi tu nghiệp môn toán tại trường Sư phạm Sài Gòn, rồi về làm công tác quản lý. Sau Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, bà về dạy học ở trường Tiểu học Tương Bình Hiệp cho đến khi về hưu năm 2003.
Các em học sinh của lớp học tình thương chăm chú lắng nghe cô Ba giảng bài
Bà Ba cho biết gần 50 năm gắn bó với nghề, bà vẫn còn nhớ những thế hệ học sinh đầu tiên bà chủ nhiệm lớp. Cho đến nay, những học trò ngày ấy giờ đã hơn 60 tuổi vẫn thường đến thăm bà vào những dịp lễ, tết trong năm. Trọn cả đời gắn bó với nghề giáo viên, toàn tâm, toàn ý đặt vào công việc dạy học nên tuổi xuân qua đi lúc nào không biết, đến khi nhìn lại thì đã bước vào tuổi trung niên nên bà ở vậy không lập gia đình. Bà Ba tâm sự: “Thời con gái cũng có nhiều người đến tìm hiểu nhưng do thấy không hợp tính nên thôi, rồi bị hút vào công việc nên tuổi xuân qua lúc nào không hay, đến khi nhận ra thì đã lớn tuổi mất rồi”.
Lúc về hưu, cha mẹ cũng lần lượt qua đời cả, bà sống với các em cùng cha khác mẹ (sau khi mẹ bà mất, lúc đó ba của bà còn trẻ nên đã đi thêm bước nữa) một thời gian... Ngoài lương hưu ra, để tăng thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, bà nhận dạy kèm học sinh tại nơi bà đang ở đi bán vé số dạo. “Hàng ngày đi bán vé số, thường gặp rất nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn phải đi bán vé số dạo phụ giúp cha mẹ thay vì đến trường học. Trăn trở trước hoàn cảnh của các em, tôi tìm cách giúp đỡ các em khi ở phường Phú Cường có mở lớp học tình thương cho các em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường, tôi xin vào dạy miễn phí cho lớp học”, bà Ba chia sẻ.
Mang chữ đến với trẻ em nghèo
“Vì không lập gia đình nên có lúc tôi tính vào viện dưỡng lão, nhưng lại nghĩ nếu vào đó thì không biết làm gì. Từ khi gặp những hoàn cảnh khó khăn không được đến trường như các em, bản thân từng công tác trong ngành giáo dục nên việc dạy cho các em biết đọc, biết viết không phải là khó đối với tôi. Do vậy, tôi đã từ bỏ ý định vào viện dưỡng lão sống”, bà Ba tâm sự. Năm nay bà 73 tuổi, tuy tuổi cao nhưng 5 năm qua, dù trời nắng hay mưa bà vẫn đều đặn đến lớp học tình thương để dạy các trẻ em nghèo lễ nghĩa, học chữ không nghỉ buổi nào. Lớp học tình thương ở Trung tâm Văn hóa, Thể thao phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một có 23 em theo học từ lớp 1 - lớp 5, đủ mọi lứa tuổi. Lớp học vào các ngày thứ hai đến thứ sáu trong tuần bắt đầu từ 17 giờ 30 phút. Các em theo học ở đây đều có hoàn cảnh khác nhau, em đi bán vé số dạo, em phụ làm ở quán ăn... Tuy nhiên, ở các em đều có điểm chung mong ước được đến lớp để học chữ như các bạn bè đồng trang lứa.
Tuy tuổi cao nhưng 5 năm qua, dù trời nắng hay mưa bà Ba vẫn đều đặn đến lớp học tình thương để dạy các trẻ em nghèo lễ nghĩa, học chữ
Em Huỳnh Hoàng Phương Anh (15 tuổi) do hoàn cảnh gia đình nghèo, cha làm bảo vệ, mẹ làm thuê phụ quán ăn. Chiều tối em đi học nhưng buổi sáng, trưa, tối (ngay sau tan học) phải đi làm cùng mẹ phụ quán cơm. Phương Anh nói: “Nhờ theo lớp học tình thương đến nay em đã biết đọc, biết viết và biết làm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia. Em vui lắm!”. Còn em Trần Văn Sang (8 tuổi), ba làm nghề thợ hồ, mẹ làm giúp việc gia đình, công việc và thu nhập cũng thất thường nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Nhà có 4 anh em, các anh của em đã sớm phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Em Sang cho biết: “Nhờ có bạn gần phòng trọ học ở đây nên cha mẹ đã gửi em tới lớp học để học chữ. Sau 2 năm theo học em đã đọc thông, viết thạo và còn biết làm các phép tính cộng, trừ đơn giản nữa. Em vui lắm, vì từ nay em có thể đọc những quyển truyện tranh mà em yêu thích!”. Để kịp thời khích lệ tinh thần học tập của các em, với những em nỗ lực cố gắng đạt thành tích trong học tập, bà Ba còn trích một ít tiền từ lương hưu của mình để mua sách vở, bút viết làm quà thưởng cho các em.
Không chỉ dạy học miễn phí, bà còn chia sẻ khó khăn cùng các em bằng việc làm thiết thực hỗ trợ mỗi em học sinh 5 kg gạo/tháng. Tiền mua gạo hỗ trợ các em được bà trích ra từ tiền lời bán vé số dạo. Đồng thời, những gia đình khó khăn đưa con đến học cũng được hỗ trợ bằng số gạo mà mấy em lãnh được. Anh Phạm Minh Cường, Phó Bí thư Phường đoàn Phú Cường, chia sẻ: “Từ ngày có cô Ba đến dạy lớp học tình thương, với bề dày kinh nghiệm trong công tác dạy học, cô Ba đã truyền đạt kiến thức bằng phương pháp dễ hiểu, dễ tiếp thu giúp các em học sinh của lớp học tiến bộ hơn hẳn nên có thêm nhiều em là con người lao động nghèo đến theo học. Để giúp đỡ các em có thêm điều kiện học tập, Phường đoàn tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ sách vở, cũng như dụng cụ học tập cho các em”.
Chia tay lớp học, trên đường đi về nhà trong tâm trí tôi vẫn hiện lên hình ảnh những khuôn mặt rạng ngời niềm vui của các em trong lớp học tình thương. Và, tôi càng khâm phục hơn về việc làm ý nghĩa này của bà giáo tuổi đã cao, ở cái tuổi cần phải được nghỉ dưỡng nhưng bà vẫn cần mẫn với công việc, bởi theo bà hạnh phúc là hành trình mình đi chứ không phải là cái đích mình đến.
Với nghĩa cử cao đẹp này, bà Ba đã nhận được khen thưởng về gương điển hình tiên tiến người tốt việc tốt của Trung ương Đoàn, UBND tỉnh Bình Dương. Và mới đây, bà Ba là một trong những gương tiêu biểu người tốt việc tốt được Thành đoàn Thủ Dầu Một biểu dương khen thưởng.