Lần đầu tiên được ăn món vịt úp thau là khi tôi 6 tuổi. Kí ức của một đứa trẻ tuổi ấy sẽ không còn nhiều,Ănvịtúkeo nha cai de nhưng dư vị của món ăn quê hương độc đáo này thì chẳng khi nào tôi có thể quên được.
Có thể không quá lời khi nói rằng, trong cuộc sống xô bồ hiện tại, nhiều khi chỉ cần một món ăn ngon cũng khiến người ta dậy lên cảm xúc muốn hưởng thụ cuộc sống này trọn vẹn và đủ đầy hơn. Giống như tôi ngày còn bé, cảm giác thật hạnh phúc biết bao khi chờ tới được thời khắc cắn ngập răng miếng vịt úp thau ngọt mềm, thơm phức mùi lá móc mật.
Thịt vịt không phải là thực phẩm xa lạ với người Việt. Từ vịt, người ta có thể chế biến ra vô số món ăn ngon và biến tấu gia giảm cho phù hợp với khẩu vị của từng vùng miền. Thế nhưng, vịt úp thau chắc hẳn sẽ gây tò mò với không ít người, đặc biệt là người thành thị.
Vịt úp thau, tên món ăn đã cảm giác “rõ như ban ngày” cả về nguyên liệu chính lẫn cách làm. Tuy nhiên để chế biến được món vịt tưởng chừng như đơn giản này lại là cả quá trình công phu và khéo léo của người đầu bếp.
Vịt muốn ngon cần chọn con chắc thịt, đã sạch lông măng. Sau đó được mổ moi nội tạng, xát muối hay rượu để khử mùi hôi. Tiếp đó, vịt được tẩm ướp gia vị gồm chút muối, hạt nêm, lá móc mật và để ngấm trong vòng 15-20 phút. Trước khi đem đi úp thau, chúng lại được quết thêm một lớp mật ong vàng óng lên lớp da bên ngoài.
Xong những bước cơ bản trên, mới là lúc bọn trẻ thích thú nhất khi được tha lôi liểng kiểng từ thau tới mâm đã được rửa sạch sẽ cho người lớn chế biến món vịt. Lúc này, những con vịt đã ngấm gia vị được đặt trên mâm, sau đó dùng thau nhôm úp lại, trám một lớp đất sét sạch vòng quanh mép mâm và thau.
Điểm đặc biệt là món vịt úp thau chế biến không cần dùng đến bếp. Chỉ cần 2, 3 hòn gạch kê cao, đặt mâm lên sau đó dùng rơm đốt xung quanh, mâm và thau nhôm hấp thu độ nóng, tạo nhiệt làm chín vịt.
Nhiều người sẽ tò mò không biết làm thế nào để biết vịt chín hay chưa? Điều này, có lẽ, chỉ người làm ra món ăn mới đủ khả năng để biết. Bởi việc điều chỉnh rơm đốt trong khoảng 20 phút ở mức độ vừa phải, đủ tạo ra nhiệt để làm chín vịt ở bên trong không hề dễ dàng. Quá lửa thì vịt dễ bị cháy, còn thiếu lửa vịt sẽ không đủ chín. Trong cả quá trình này, cũng không thể mở thau ra để kiểm tra hay lật vịt, vì dễ làm cho món ăn bị ám khói.
Chế biến công phu là thế nên càng làm tăng cảm giác háo hức của bọn trẻ con mỗi lần người lớn làm xong. Từng tiếng “Ồ”, “À” reo lên hớn hở khi gạt bỏ lớp tro rơm, bóc sạch lớp đất sét, lật thau làm lộ ra con vịt đượm màu nâu cánh gián và thơm nức mũi trên mâm. Loại nước vịt tiết ra trong quá trình úp thau cũng được tận dụng để làm nước chấm.
Muốn thưởng thức vịt úp thau đúng kiểu nhà quê, phải bốc bằng tay chứ không nên dùng đũa gắp. Chẳng gì đáng chờ đợi hơn thời khắc được cắn ngập răng miếng thịt vịt với lớp da nâu giòn quyến rũ, quyện với vị thịt vịt mềm thơm mùi lá móc mật. Đặc biệt mùi vị miếng thịt càng thêm hấp dẫn hơn khi được chấm chút nước vịt đậm đà, đánh thức mọi giác quan để thưởng thức được tròn trịa hơn hương vị của món quê dân dã.
(Theo Tri thức trẻ)