Ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng đã có buổi gặp mặt báo chí sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW.
Bà cũng đồng thời thông tin về 2 sự kiện lớn do Ủy ban Nhà nước về NVNONN chủ trì, phối hợp với các bộ ban ngành hữu quan tổ chức vào tháng 8 tới đây tại Hà Nội: đó là Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Cách đây 20 năm, vào năm 2004, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài với kỳ vọng sẽ giúp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng lòng để người Việt cùng chung tay xây dựng quê hương đất nước.
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Nghị quyết 36 đã tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác NVNONN được xây dựng trên nền tảng chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là NVNONN là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Bà cho rằng, trải qua 20 năm triển khai, đến nay Nghị quyết số 36-NQ/TW vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác NVNONN, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương và xã hội trong triển khai công tác đối với NVNONN.
Thứ trưởng nhận định, công tác NVNONN trong 20 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu lớn.
Thứ nhất,Nghị quyết 36 đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc triển khai công tác đối với NVNONN từ cả trong nước lẫn ở cộng đồng kiều bào. Nghị quyết đã được đón nhận, thực thi các chủ trương, chính sách hiệu quả.
Thứ hai,công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến NVNONN được chú trọng, triển khai toàn diện, trên cả phương diện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Thứ ba, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đã đạt được những kết quả quan trọng. Kiều bào được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn…
Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức (như "Xuân Quê hương", Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào…) thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào.
Thứ tư,công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại ngày càng được chú trọng. Trong trao đổi với Lãnh đạo các nước, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao luôn đề nghị chính quyền sở tại có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội sở tại.
Thứ năm,công tác phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước được đẩy mạnh. Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân NVNONN, thành lập các cơ chế để NVNONN tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước, tháo gỡ vướng mắc, tạo cầu nối giúp NVNONN phát triển đất nước.
Trong 20 năm qua, sự trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân NVNONN ngày càng nổi bật hơn. Tổng lượng kiều hối từ 1993 - 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Về dự án đầu tư trực tiếp (FDI), tới tháng 11/2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó, có hàng ngàn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của NVNONN tham gia đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thứ sáu, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm, nhằm giúp lan tỏa tình yêu tiếng Việt, rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước tới kiều bào.
Thứ bảy,công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN được đổi mới về tư duy, nội dung và hình thức. Đa số các cơ quan thông tấn, báo chí lớn đều có chương trình, chuyên trang, chuyên mục dành cho NVNONN với nội dung ngày càng phong phú.
"Hội nghị Diên hồng" của NVNONN
Cũng trong sự kiện, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chia sẻ về kế hoạch tổ chức Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, dự kiến diễn ra vào 21-24/8. Bà kỳ vọng đây sẽ là "Hội nghị Diên hồng" của cộng đồng NVNONN.
Hội nghị NVNONN toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự của các kiều bào tiêu biểu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện các cơ quan chức năng.
Các hội nghị nêu trên là diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và phát triển đất nước và các nội dung về cộng đồng NVNONN.
Sự kiện năm nay có chủ đề: "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước". Mục đích của sự kiện là tiếp tục đẩy mạnh triển khai các văn bản Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN; đánh giá kết quả triển khai 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 phục vụ việc tổng kết Nghị quyết cũng như xây dựng đường lối của Đảng về NVNONN cho Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Sự kiện cũng nhằm tăng cường thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NVNONN; tạo diễn đàn để các cơ quan trong nước nắm được tình hình, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của NVNONN, từ đó đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào.
Sự kiện cũng tạo diễn đàn để kiều bào, nhất là đội ngũ trí thức và doanh nhân kiều bào, đóng góp ý kiến, hiến kế cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đây cũng được xem là cơ hội để tăng cường kết nối doanh nhân, chuyên gia trí thức NVNONN với trong nước, nhất là các địa phương, doanh nghiệp và viện, cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng; thúc đẩy đầu tư của kiều bào cũng như kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.