"Pháp và Anh đã quyết định giúp Ukraine sử dụng tên lửa có độ chính xác cao và họ sẽ phải trả giá cho điều đó. Moscow sẽ đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Nga", ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Mayadeenhôm 23/11.
"Những gì Nhà Trắng đã làm là rất nguy hiểm và người đưa ra quyết định này hoàn toàn nhận thức được hậu quả tiêu cực của nó", ông Ulyanov nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng chỉ trích tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Pháp để tấn công lãnh thổ Nga. Bà Zakharova chỉ trích sự hỗ trợ này "không phải là giải cứu mà là kết liễu".
Theo bà Zakharova, lập trường như vậy của Pháp chẳng những không giúp ích cho Ukraine mà còn làm xấu đi vị thế của nước này trong cuộc xung đột hiện tại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng việc cung cấp vũ khí tầm xa góp phần làm leo thang hơn nữa, cuối cùng sẽ dẫn đến hậu quả tàn khốc cho chính Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn do đài BBCphát sóng, Ngoại trưởng Barrot cho biết Pháp "không đặt ra và thể hiện lằn ranh đỏ" về sự ủng hộ đối với Kiev, và các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga có thể được Ukraine thực hiện "theo logic tự vệ".
Pháp đã cung cấp cho Ukraine các tên lửa hành trình SCALP-EG và Kiev đã sử dụng các tên lửa này để tấn công các mục tiêu ở Crimea và 4 khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2022.
SCALP-EG, được gọi là Storm Shadow ở Anh, là tên lửa hành trình phóng từ trên không của Anh - Pháp có tầm bắn tối đa 550km.
Bình luận của Ngoại trưởng Barrot được đưa ra một ngày sau khi quân đội Ukraine xác nhận tên lửa Storm Shadow đã được sử dụng lần đầu tiên trong một cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga, nơi quân đội Ukraine đã tiến hành chiến dịch đột kích từ đầu tháng 8. Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 2 tên lửa của Anh.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã "bật đèn xanh" để Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất trong các cuộc tấn công tầm xa vào Kursk.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 5 tuyên bố ông sẽ cân nhắc cho phép sử dụng tên lửa SCALP-EG tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Đầu tuần này, Ngoại trưởng Barrot nói rằng Tổng thống Macron vẫn để ngỏ ý tưởng này.
Nga đã đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS và Storm Shadow bằng cách phóng tên lửa siêu vượt âm mới vào cơ sở công nghiệp quân sự tại thành phố Dnepropetrovsk của Ukraine.
Tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã bắn nhiều đầu đạn vào cơ sở ở Ukraine với tốc độ cực nhanh. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa mới và đưa vào kho vũ khí của Nga trong những tháng tới.
Các chuyên gia cho rằng tên lửa Oreshnik mới của Nga có tầm bắn khoảng 3.000-5.000km. Với tầm bắn như vậy, Oreshnik có thể vươn đến hầu hết châu Âu.
Ông Putin cáo buộc Mỹ và NATO cố tình leo thang xung đột, đồng thời tuyên bố Nga sẽ đạt được tất cả các mục tiêu quân sự bất kể Kiev sử dụng hệ thống vũ khí nào.