Thủ tướng Australia Tony Abbott và Phu nhân cùng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân chụp ảnh chung. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Tối 20-3,ếnthămAustraliaNewZealandcủaThủtướngthànhcôngtốtđẹkeo bóng đá Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả và triển vọng hợp tác trong chuyến thăm Australia và New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những kết quả đạt được trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Australia và New Zealand?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng New Zealand John Key, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Australia từ ngày 17 và 18-3 và New Zealand từ ngày 19-20/3.
Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Australia và chuyến thăm chính thức đầu tiên đến New Zealand. Cả hai nước đều rất coi trọng chuyến thăm, tổ chức những nghi thức lễ tân trọng thị ở mức cao nhất.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới Australia và New Zealand, hai nước có quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI, tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu vì lợi ích của Việt Nam và các nước bạn, vì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và phát huy những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện ở Việt Nam.
Mặc dù chuyến thăm diễn ra trong thời gian ngắn (thời gian thực tế ở Australia hai ngày và ở New Zealand một ngày) nhưng các hoạt động rất sôi động, phong phú.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với các vị Thủ tướng hai nước, gặp các lãnh đạo chính giới cấp cao nhất của bạn như Toàn quyền, Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc bang, lãnh tụ các đảng đối lập.
Thủ tướng cũng tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu, dự đối thoại với các doanh nghiệp, gặp gỡ các tổ chức chính trị, xã hội, hữu nghị, sinh viên và cộng đồng người Việt.
Tại Australia, Thủ tướng đã trao đổi với các học giả tại Viện Lowy, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới và cũng là trung tâm tư vấn chính sách cho Chính phủ Australia.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Lãnh đạo hai nước bạn đều nhất trí cho rằng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Australia và Việt Nam-New Zealand đã phát triển tốt đẹp trong tất cả các lĩnh vực.
Để mở rộng, nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của sự hợp tác nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của ta và bạn, Australia và New Zealand đã nhất trí nâng quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới, hướng tới Đối tác chiến lược.
Đây là dấu mốc mới quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước, tạo khuôn khổ chính trị và pháp lý cho việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược.
Về chính trị, Việt Nam và Australia, New Zealand đã nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, đẩy mạnh hợp tác trên cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân để thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.
Cả Toàn quyền và Thủ tướng Australia đều khẳng định sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng New Zealand dự kiến thăm Việt Nam ngay trong tháng 9-2015.
Lãnh đạo Quốc hội hai nước sẽ sang tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức ở Hà Nội từ ngày 28-3 đến 1-4.
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như Ủy ban hỗn hợp, Tham khảo chính trị, Đối thoại chiến lược an ninh-quốc phòng.
Về kinh tế, Australia và New Zealand đánh giá cao những thành tựu của công cuộc đổi mới, vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.
Bạn nhìn nhận rất tích cực việc Việt Nam giữ được mức tăng trưởng kinh tế gần 6%/năm, đạt những tiến bộ mới về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trong những năm qua vào lúc thế giới phải trải qua khủng hoảng kinh tế, tài chính và nhiều diễn biễn phức tạp về an ninh, chính trị.
Bạn cũng hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Vì những lý do đó, lãnh đạo chính phủ, nghị sỹ, giới nghiên cứu và doanh nghiệp ở cả Australia và New Zealand đều bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch với Việt Nam.
Trong chuyến thăm, Việt Nam và Australia, New Zealand đã đạt nhiều thỏa thuận cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực bạn có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, khoa học kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ hai nước tiếp cận thị trường của nhau, trong đó có việc bạn nhất trí sẽ trao đổi để tạo điều kiện cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam vào thị trường hai nước.
Ngay trong năm nay, Bộ trưởng Thương mại Australia sẽ sớm cùng đoàn doanh nghiệp, các Bộ trưởng giao thông và năng lượng, Bộ trưởng giáo dục đào tạo, dạy nghề và xã hội New Zealand sẽ thăm Việt Nam để triển khai kết quả chuyến thăm trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể.
Cả hai nước đều mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh với Việt Nam, thỏa thuận với Việt Nam trên nhiều vấn đề cụ thể như tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam về đào tạo tiếng Anh và chuyên ngành, nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, năng lực thực thi pháp luật trên biển, cứu nạn tàu ngầm, rà phá bom mìn do chiến tranh để lại, mở rộng hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, chống khủng bố, bảo đảm an ninh mạng. Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand sẽ sớm thăm Việt Nam trong năm nay.
Một lĩnh vực hợp tác chiến lược khác là giáo dục-đào tạo và giao lưu nhân dân. Trong tổng số hơn 100.000 sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài có trên 30.000 sinh viên đang học tại Australia và hơn 2.000 sinh viên tại New Zealand, chiếm gần 1/3.
Hai nước cam kết duy trì học bổng cho Việt Nam và tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao qua nhiều hình thức như giáo dục đại học, phổ thông, dạy nghề. Hiện có gần 300.000 Việt kiều sinh sống tại Australia và khoảng 6.000 người tại New Zealand (trên tổng số hơn 4 triệu dân New Zealand).
Trong các cuộc hội đàm, trao đổi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều đề nghị Lãnh đạo cấp cao hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ta làm ăn, sinh sống, đóng góp cho sự phát triển ở nước bạn, làm cầu nối cho quan hệ giữa Việt Nam và hai nước này.
Chính phủ hai nước trên đều đánh giá cao vai trò tích cực, năng động của kiều bào Việt Nam trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội sở tại và khẳng định luôn ủng hộ, hỗ trợ để kiều bào ta hòa nhập, đóng góp tích cực hơn nữa trong quá trình phát triển của mỗi nước.
New Zealand cam kết tiếp tục phối hợp với Việt Nam triển khai tốt Chương trình lao động kỳ nghỉ, một phương thức để người lao động có tay nghề của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand. Hai bên phấn đấu mở đường bay thẳng vào năm 2017.
Nhân dịp này, Australia đồng ý ký kết Thỏa thuận về lao động kỳ nghỉ, tạo điều kiện cho hợp tác lao động giữa Việt Nam và Australia có bước phát triển mới.
Nhân chuyến thăm, bên cạnh Tuyên bố chung và Tuyên bố về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam-Australia, hai nước đã ký kết bốn văn kiện hợp tác cụ thể khác gồm: 1) Bản ghi nhớ hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; 2) Bản ghi nhớ về hợp tác nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; 3) Thỏa thuận Chương trình Lao động Kỳ nghỉ; 4) Thỏa thuận về phòng chống buôn bán người.
Tại New Zealand, ngoài Tuyên bố chung, hai nước đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không và Thỏa thuận về Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động/thực vật.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng, các thành viên chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo các cơ quan liên quan của Australia và New Zealand.
Doanh nghiệp Việt Nam có dịp tìm hiểu thị trường, cơ hội kinh doanh và ký kết một số hợp đồng với doanh nghiệp của hai nước bạn.
Bên cạnh các vấn đề song phương, hai nước cũng nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác và phối hợp tốt đẹp với Việt Nam trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế; ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong đàm phán và thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Lãnh đạo hai nước nhất trí với Việt Nam về yêu cầu thiết yếu của việc gìn giữ hòa bình, an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, theo đó khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Australia nhấn mạnh các bên cần thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong đó có việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng; cần cấp thiết xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Với những kết quả quan trọng đạt được, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Australia và New Zealand đã thành công tốt đẹp, tăng cường hiểu biết và mở ra chương mới cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ hữu nghị và đối tác toàn diện giữa Việt Nam với hai nước trên trong thời gian tới.
- Với kết quả tốt đẹp của chuyến thăm như vậy, Thứ trưởng nhận định như thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia, Việt Nam và New Zealand trong thời gian tới?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Các Tuyên bố chung về nâng quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand lên tầm cao mới, những thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước bạn như đã nêu ở trên cùng với sự nhất trí của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Australia và New Zealand là cơ sở chính trị, khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội với các Đảng chính trị, Chính phủ, Quốc hội của Australia và New Zealand, và cả quan hệ giữa nhiều giới như kinh doanh, học giả và người dân Việt Nam với hai nước.
Cùng với đó là nhiều yếu tố quan trọng khác tạo cơ sở lạc quan về triển vọng quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand. Trước hết là giữa Việt Nam và hai nước có sự tương đồng về quan điểm trên nhiều vấn đề quan trọng.
Việt Nam và bạn có thể hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác hiệu quả trên nhiều mặt. Cụ thể, Australia và New Zealand là hai nền kinh tế tiên tiến, thành viên của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), trong đó Australia là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới.
Cả hai nước đều có trình độ công nghệ cao, nền giáo dục tiên tiến và mong muốn đóng vai trò tích cực hơn nữa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên trường quốc tế.
Về phần mình, Việt Nam là đất nước đổi mới thành công, đang chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, vì vậy không chỉ có nhu cầu mà cả tiềm lực đáng kể.
Có thể nêu những ví dụ cụ thể hơn nữa như khả năng Việt Nam mở rộng hợp tác về giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, một trong những khâu đột phá cho phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển, kinh nghiệm của hai nước bạn về phát triển khu vực dịch vụ trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp khai khoáng, viễn thông, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xuất khẩu những mặt hàng nông, thủy sản mà nước bạn không có hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Việt Nam cũng có thể xuất khẩu được nhiều hơn nữa những sản phẩm chế biến có lợi thế so sánh, đồng thời có thêm điều kiện đảm bảo đầu vào cho sản xuất như nguồn than, khí hóa lỏng từ Australia cho sản xuất điện.
Hai nước bạn có điều kiện đầu tư, kinh doanh ở nền kinh tế năng động, đang phát triển nhanh, tiếp cận thị trường trên 90 triệu dân của Việt Nam.
Các trường đại học, dạy nghề của bạn cũng có nhu cầu đón nhận sinh viên nước ngoài.
Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, nhóm G-77, cùng với hai nước là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Australia và New Zealand là hai nước đối tác và đều mong muốn tăng cường quan hệ thông qua các thể chế trong khuôn khổ của ASEAN như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF).
Trên cơ sở những điểm tương đồng và bổ sung lẫn nhau đó, ta và bạn đã thỏa thuận sẽ xây dựng Chương trình hành động cho giai đoạn hợp tác mới.
Bên cạnh đó, Australia và New Zealand đã có quá trình hợp tác nhiều mặt trong nhiều năm ở Việt Nam, đạt kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như đánh giá của cả ta và bạn, thể hiện ở việc thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, các ngành, địa phương.
Tốc độ tăng trưởng thương mại ở mức gần 20% mỗi năm trong 5 năm trở lại đây và tổng cộng hai nước đã đầu tư trực tiếp vào hàng trăm dự án ở Việt Nam.
Cũng qua hợp tác, chính giới, doanh nghiệp, người dân của Việt Nam và Australia, New Zealand đã có nhiều hiểu biết về cách làm việc, văn hóa của nhau. Cộng đồng người Việt Nam và sinh viên Việt Nam du học ở hai nước cũng là những cầu nối cho quan hệ giữa Việt Nam với hai nước.
Đặc biệt là, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trong trao đổi với lãnh đạo và nhân dân Australia và New Zealand và được Lãnh đạo Cấp cao hai nước này nhất trí cao, việc đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và hai nước bạn lên tầm cao mới phù hợp với lợi ích của nhân dân Việt Nam, Australia và New Zealand, phù hợp với xu thế phát triển và cũng là lợi ích chung của khu vực và thế giới là hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển thịnh vượng.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.
Theo TTXVN