Các đại biểu biểu quyết tại phiên họp của Ủy ban Thường trực về Phát triển bền vững,Đạihộiđồlịch chung kết cúp c1 Tài chính và Thương mại ngày 30/3. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 30-3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, tiếp tục diễn ra các phiên họp quan trọng trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132.
Tại phiên họp chung buổi sáng của Đại hội đồng, các đại biểu đã thảo luận về chủ đề khẩn cấp “Hợp tác của các Nghị viện trong việc chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boka Haram."
Đại diện của 14 nước phát biểu, thảo luận, bày tỏ thái độ công phẫn đối với các hành động khủng bố, về việc cần tăng cường cảnh giác với các hình thức, lực lượng khủng bố mới ngày càng gia tăng; cho rằng để giải quyết vấn đề cần xác định rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng bố và đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường vai trò của Nghị viện trong lập pháp và giám sát thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ khủng bố, từ chính trị, kinh tế, tài chính cho tới văn hóa, giáo dục, chính sách cho thanh niên, giúp những người trẻ tuổi tránh bị lôi kéo bởi các tổ chức khủng bố; nhất trí cho rằng chống khủng bố cần sự hợp tác toàn cầu, trong đó có hợp tác phát triển. Các đại biểu khẳng định cần biến những lời nói trong Nghị quyết chống khủng bố thành hành động. Dự thảo Nghị quyết về Chủ đề khẩn cấp đang tiếp tục được hoàn thiện.
Chiều cùng ngày, Đại hội đồng tiếp tục phiên thảo luận chung về chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động." Các ý kiến thảo luận nhất trí với sự cần thiết nâng cao vai trò và trách nhiệm của Nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã phát biểu về tổng quan chính sách đối ngoại của Việt Nam; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, cùng xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng dựa trên chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; coi trọng vai trò của các thể chế đa phương đối với các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Nghị viện có vai trò quan trọng, tạo xung lực cho phát triển bền vững của từng quốc gia và trên thế giới; nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của IPU, là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Nghị viện và nhân dân các quốc gia thành viên IPU, đóng góp ngày càng tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu cao cả mà tất cả các quốc gia thành viên IPU cùng chia sẻ. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng được mời phát biểu về vai trò của ASEAN và hợp tác nghị viện Đông Nam Á (AIPA).
Cũng trong ngày 30-3, Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế đã kết thúc thảo luận về dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới." Các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ vai trò, những đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể trong tương lai gần; thống nhất cao về sự cần thiết trong việc hoàn thiện một công ước quốc tế về mạng Internet, nhằm ngăn chặn các thế lực khủng bố có thể sử dụng Internet để thực hiện tội ác của mình, đặc biệt là việc quyên góp nguồn tiền cho các hoạt động khủng bố, chiêu mộ và đầu độc cộng đồng bằng những ý tưởng bạo lực. Đề xuất của đoàn Việt Nam về việc bổ sung nội dung chống chiến tranh mạng vào cơ chế thảo luận và kiểm soát của Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn.
Cũng trong ngày 30/3 đã diễn ra phiên họp của Ủy ban Thường trực về dân chủ và nhân quyền, hoàn chỉnh và thông qua Dự thảo Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người." Dự thảo đề cập ba nội dung quan trọng là luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người; nhấn mạnh các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và coi luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nguyên tắc chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế tương thích với chủ quyền quốc gia; các quốc gia khẳng định quyền tự quyết và chống lại sự can thiệp của nước ngoài. Dự thảo Nghị quyết khẳng định luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn lấy quyền con người làm trung tâm. Với tư cách là nước chủ nhà của Đại hội đồng IPU-132, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thông qua Dự thảo Nghị quyết quan trọng này. Kết quả là dự thảo Nghị quyết đã được thông qua với 37 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 10 phiếu trắng.
Ủy ban Thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại đã tiến hành thảo luận Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” với nhiều ý kiến đóng góp phong phú. Đã có 15 quốc gia với 78 ý kiến đóng góp cho dự thảo; các ý kiến đều nhấn mạnh đến yếu tố trung tâm của con người trong quản trị, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước; chia sẻ quan ngại về tác động nghiêm trọng của tình trạng khan hiếm nước đối với cuộc sống của người dân và quá trình phát triển; khẳng định sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, các thỏa thuận và công ước về nước đã được ký kết, đặc biệt là Công ước 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Ban soạn thảo đang tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Đại hội đồng IPU-132, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị nữ Nghị sỹ được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội nghị nữ Nghị sỹ, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tham dự Lễ kỷ niệm còn có Chủ tịch IPU132 Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Tổng thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Hội nghị nữ Nghị sỹ và toàn thể các đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU-132.
Hội nghị đã nghe phát biểu chào mừng của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội nữ Nghị sỹ Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban điều phối Hội nghị nữ Nghị sỹ Magaret Williams đã đọc lời kêu gọi hành động, khẳng định “nếu bạn là một nghị sỹ, hãy dùng sức mạnh của mình để tạo nên thế giới mà chúng ta mong muốn. Hãy tham gia cùng các nữ nghị sỹ trên toàn cầu để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các bé gái." Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm đã ký vào “Lời kêu gọi hành động về quyền phụ nữ và bình đẳng giới."
Bên cạnh các phiên họp của Đại hội đồng IPU-132, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra các cuộc tiếp xúc song phương của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam với một số nước./.
Theo TTXVN