Liên quan đến vụ hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc gửi tặng hiện bị “mắc kẹt” 1 tháng chưa thể lấy ra do vướng mắc một số thủ tục hành chính,ữaÚcchậmtiếpnhậnCụcAntoànthựcphẩmlêntiếkết quả cúp ý ông Nguyễn Thanh Phong, trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, về phía Cục đã làm đúng quy định.
Ông Phong cho hay, vào ngày 1/11, Cục An toàn thực phẩm nhận được công văn của Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đề nghị xem xét tạo điều kiện miễn thủ tục đăng ký công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu với lô hàng gồm 22.000 lon sữa từ Úc do đây là hàng hoá phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm, có một số thực phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, song mặt hàng sữa nhập khẩu không nằm trong nhóm này.
Để được miễn kiểm tra, các sản phẩm này phải được Chính Phủ, Thủ tướng cho phép trong trường hợp nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp.
Do không có thẩm quyền quyết định, ngay ngày 1/11, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, hướng dẫn đơn vị này gửi công văn đề nghị Thủ tướng, Chính phủ cho ý kiến trước khi làm thủ tục nhập khẩu.
Trước khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM gửi công văn, Cục cũng đã nhận được văn bản của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM và cũng đã hướng dẫn gửi công văn đề nghị Chính phủ/Thủ tướng chính phủ cho ý kiến.
Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết thêm, hiện nay việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đều đã có quy định và không mất nhiều thời gian như kiểm tra hạn sử dụng, kiểm nghiệm độc tố…
Hàng loạt hàng hoá phục vụ công tác phòng chống dịch đang thực hiện thủ tục thông quan tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ảnh: Quảng Định. |
Theo ông Phong, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, có thể có thêm nhiều đơn vị ủng hộ hàng hoá, thực phẩm, Cục sẽ tham mưu Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng giao cho các đơn vị phối hợp với Tổng cục hải quan xem xét hồ sơ, thông quan sớm nhất cho các lô hàng viện trợ.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 9/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu, TP.HCM nêu thực trạng hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM về nước đã một tháng nhưng không lấy ra được do vướng mắc thủ tục hành chính giữa các bộ ngành, địa phương.
Bà Châu cho biết Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Trong khi Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ, Thủ tướng.
“Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?”, bà Châu đặt câu hỏi.
Đại biểu TP.HCM nhìn nhận, cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Do đó bà Châu kiến nghị Chính phủ cần tạo cơ chế hành chính thật sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành, của từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cấp thiết.
Minh Tú