Sáng 26-12,átbiểucủaTổngBíthưNguyễnPhúTrọngtạiĐạihộiđạibiểuHộiNôngdânViệcancun vs Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 đã Khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với sự tham gia của 995 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại Hội.
Trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII: “Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam quyết tâm phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ vẻ vang của dân tộc trong thời kỳ mới”:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội.
“Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,
Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng và vinh dự được cùng với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 - một sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam. Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gửi tới các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể cán bộ, hội viên Hội nông dân cả nước lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp, và chắc chắn phải thành công tốt đẹp!
Thưa toàn thể các đồng chí,
Chúng ta đều đã biết, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nông dân nước ta có một vai trò rất quan trọng trong quá trình khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, lập nên non sông đất nước Việt Nam, luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc của nước nhà.
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước, nông dân Việt Nam luôn luôn là lực lượng đông đảo nhất và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn; đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực, vươn lên đáp ứng được nhu cầu trong nước và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thuỷ sản và một số nông sản khác, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, nông dân Việt Nam ta đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước xoá đói, giảm nghèo và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho xã hội. Trình độ, học vấn của nông dân cũng từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng được đổi mới, dần dần thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong xã hội và phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, là trung tâm, nòng cốt trong công cuộc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tôi đã có không ít lần phát biểu: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Trong những kết quả và thành tích đó, có sự đóng góp rất quan trọng của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam qua các thời kỳ. Và hôm nay, tôi lại rất vui mừng nhận thấy, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, chịu nhiều tác động tiêu cực, nhất là khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, xung đột cục bộ giữa các nước, khủng hoảng kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19 xảy ra đã tác động lớn đến chuỗi sản xuất và phân phối trên phạm vi toàn cầu. Song, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, của giai cấp nông dân, sự đồng thuận của cả xã hội, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều cố gắng nỗ lực, cùng các cấp, các ngành góp phần đưa ngành Nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức khá cao, khá toàn diện với những kết quả rất ấn tượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều hoạt động sáng tạo, chủ động đổi mới phương thức hoạt động, làm tốt công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện 2 mục tiêu của Chính phủ đề ra là kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và khôi phục, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Các cấp Hội đã có nhiều cố gắng, tập trung củng cố tổ chức, đổi mới công tác vận động nông dân, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội thiết thực, như: Chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình", hoạt động kết nối hỗ trợ nông dân các vùng, miền giúp nhau thu hoạch, tiêu thụ nông sản; vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phục vụ xuất khẩu và hỗ trợ các ngành kinh tế khác, góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch COVID-19. Các phong trào thi đua yêu nước do Hội Nông dân Việt Nam phát động đã có sức lan tỏa sâu, rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Vai trò của Hội là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường ngày càng được thể hiện rõ nét. Việc Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức các hoạt động nông dân đối thoại với Thủ tướng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp cũng mang nhiều ý nghĩa chính trị và xã hội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn; thôi thúc, cổ vũ các tầng lớp nông dân hăng hái đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Nhân dịp này, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của giai cấp nông dân và của các cấp hội nông dân trong cả nước. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ đầy thiện chí, hợp tác có hiệu quả của các tổ chức nông dân trên thế giới và bạn bè quốc tế đối với Hội Nông dân Việt Nam và sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta.
Bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, hoạt động của Hội và phong trào nông dân cũng vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đạt hiệu quả tốt hơn nữa. Tôi đồng tình với những nhận định rất thẳng thắn, trách nhiệm mà trong dự thảo các Văn kiện Đại hội đã chỉ ra đối với những vấn đề còn hạn chế trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ qua. Đó là:
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhưng công tác Hội và phong trào nông dân vẫn chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn tình hình đất nước, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hoạt động của các cấp Hội ở một số nơi còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy được thật mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc phổ biến, thông tin cho hội viên, nông dân về chính sách nhập khẩu của các nước, của thị trường quốc tế, vận động, thu hút các nguồn lực quốc tế hỗ trợ nông dân, nông thôn còn hạn chế; việc tham gia giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ Hội còn chậm đổi mới tư duy; trình độ, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Phong trào nông dân phát triển cũng chưa đồng đều; sự hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh còn thiếu bền vững, hiệu quả chưa cao; phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp chưa sâu, rộng. Một bộ phận nông dân trình độ, năng lực còn thấp, đời sống khó khăn; an ninh nông thôn một số nơi cũng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kính thưa Đại hội,
Thưa các đồng chí,
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp; bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản, cũng còn có nhiều yếu tố khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tranh chấp thương mại tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các quốc gia. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu,… ngày càng bất định và khó dự báo, tác động với phạm vi rộng khắp ở hầu hết các nước.
Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; song, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tác động lớn tới nền nông nghiệp và đời sống nông dân nước ta. Đó là: Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu phải tăng nhanh năng suất lao động, giá trị và sức cạnh tranh hàng hoá nông sản. Sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, kinh tế số là động lực dẫn dắt xu thế phát triển nông nghiệp, tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người nông dân. Xu thế biến đổi xã hội nông thôn truyền thống, mặt trái của toàn cầu hóa và không gian mạng cũng là thách thức lớn đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, niềm tin của nông dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thưa các đồng chí, các vị đại biểu,
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", đồng thời, Người khẳng định: "Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công… ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân...". Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước ta.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: "Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn"; "cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh"; và xác định "nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới"."
“Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay, thì phát triển nền nông nghiệp sinh thái có những thuận lợi và khó khăn gì? Người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của qúa trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới? Trong xu thế số lượng nông dân làm nông nghiệp ngày càng giảm và già hóa, lao động dư thừa ở các đô thị, khu công nghiệp sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp thì các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động ra sao để ngang tầm với nhiệm vụ; đủ sức đồng hành, giúp sức, hỗ trợ nông dân trong 5 năm tới, và xa hơn nữa trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, cùng cả nước hướng tới mục tiêu trở thành một nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045?
Vì vậy, tôi tha thiết kêu gọi và đề nghị các cấp Hội Nông dân nước ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam chúng ta ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân - nông dân - trí thức"; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cùng với sự phát triển của đất nước; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII trình Đại hội VIII lần này đã quán triệt nghiêm túc những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận để đánh giá thật đúng tình hình, tổng kết sâu sắc thực tiễn, thống nhất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện một cách thiết thực, có hiệu quả cao cho hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ tới. Tôi xin nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định; có 7 vấn đề:
Một là, các cấp Hội nên chăng cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáng tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở cơ sở. Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực về hội nhập, hợp tác quốc tế, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp; gắn đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với nghiệp vụ công tác hội nông dân; quan tâm đến đối tượng chi hội trưởng chi hội nông dân, nâng cao chất lượng hội viên, củng cố cơ sở Hội vững mạnh.
Hai là, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí, khát vọng của nông dân gắn với các hoạt động thiết thực của Hội. Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn gắn với tuyên tuyền, vận động để đổi mới phương thức hoạt động; gắn công tác vận động với giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân. Nâng cao hơn nữa sự nhận thức về chính trị, lòng tự hào dân tộc, phát huy giá trị cốt lõi và những phẩm chất cao đẹp của người nông dân Việt Nam, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội nông thôn văn minh. Phát triển mạnh chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp để đổi mới phương thức tập hợp. Phát huy vai trò của các mô hình "câu lạc bộ" để tập hợp, đoàn kết nông dân, làm nòng cốt phát triển các phong trào nông dân
Ba là, tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân và lao động nông thôn; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Làm tốt vai trò là đầu mối, phối hợp tổ chức truyền thông và tham gia tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng, chăn nuôi; tham gia cung cấp một số dịch vụ công, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Nâng cao hiệu quả cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn; kết nối thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu hàng hóa cho nông dân. Các cấp Hội cần tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị.
Bốn là, các cấp Hội Nông dân phải tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao nhận thức, vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện chuẩn mực nếp sống văn minh; khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm thực hiện tốt hơn nữa an sinh xã hội.
Năm là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia giám sát và phản biện xã hội của hội nông dân các cấp, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, thực hiện công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức. Phát huy quyền làm chủ của nông dân ở cơ sở, tham gia giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn, giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân, giữ gìn sự đoàn kết; tích cực tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động nông dân, ngư dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước.
Sáu là, chủ động, tích cực tham gia hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, những thành tựu trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, những giá trị văn hoá của con người và đất nước Việt Nam đến các tổ chức, đối tác, bạn bè quốc tế; phát huy vai trò Hội Nông dân Việt Nam là thành viên của các tổ chức nông dân trong khu vực và quốc tế hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá nông sản cho nông dân; thu hút các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của nông dân tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, trao đổi, giới thiệu hàng hoá nông sản giữa nông dân nước ta với nông dân các nước, góp phần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân.
Bảy là, các cấp Hội Nông dân cần tăng cường phối hợp và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chương trình phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Tiếp tục đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp, lấy sự gương mẫu của mỗi đồng chí ủy viên làm nền tảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc, vận động, thuyết phục là phương thức hoạt động; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu Hội Nông dân các cấp. Đây là việc làm có ý nghĩa quyết định đến chất lượng hoạt động của tổ chức Hội.
Tại Đại hội này, các đại biểu cũng sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa mới. Đại hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận thật dân chủ và sáng suốt lựa chọn những người thật xứng đáng để bầu vào Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt thật sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động hiệu quả, thực hiện thật tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí,
Đảng ta đã xác định "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Chúng ta phải làm thế nào để thực hiện cho thật tốt điều đó.
Nhưng để làm sao phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa cả ở thị trường trong nước và ngoài nước và tiếp tục là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế? Làm sao để nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước, được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ của đô thị? Làm sao để nông thôn phát triển hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm và thực sự trở thành những miền quê đáng sống, để mỗi người dân đi xa quê hương đều khát khao, mong muốn được trở về quê?
Bức tranh "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" đó có thực sự hoàn mỹ hay không và giải đáp câu hỏi làm sao để trở thành hiện thực, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, song Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò trực tiếp và nòng cốt.
Tôi tin tưởng và kỳ vọng, sau Đại hội này, công tác Hội và phong trào nông dân của nước ta sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đóng góp thật xứng đáng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giữ vững và phát huy các thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, hùng cường; tất cả vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Chúc Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, mãi mãi xứng đáng là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta!
Chúc giai cấp nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới!
Chúc Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII thành công tốt đẹp. Chúc các đồng chí đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Tôi xin trân trọng cảm ơn!”.
Theo TTXVN
(责任编辑:Nhận Định Bóng Đá)