TS Đặng Hoàng Giang là nhà hoạt động xã hội quan tâm đến các chủ đề văn hóa và xã hội đương đại như môi trường, bất bình đẳng, chủ nghĩa tiêu dùng... Ông cũng tiên phong trong các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần, phá bỏ định kiến và kỳ thị.
Trong cuộc phỏng vấn với Tri thức - ZNews, ông chia sẻ về cuốn sách mới nhất - một sự rẽ hướng trong chủ đề sáng tác sau 5 cuốn sách về sức khỏe tinh thần.
Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thườnglà cuộc trò chuyện trong những chuyến đi của đôi bạn trẻ hư cấu là Tò Mò và Suy Ngẫm - đại diện cho những người trẻ ham học hỏi, có cá tính riêng và cùng yêu thiên nhiên. Qua đó, tác giả chỉ ra hệ lụy từ cách mà chúng ta đang thưởng thức vẻ đẹp của phong cảnh và sinh vật; đồng thời mở ra những con đường mới để mỗi người có thể phát triển khả năng rung động và kết nối sâu sắc với mọi hình thái của thiên nhiên.
Hành trình từ Tò Mò trở thành Suy Ngẫm
- Ông ấp ủ dự định viết cuốn sách này từ khi nào? Từ lúc đó đến lúc hoàn thiện bản thảo là bao lâu?
- Tôi đã luôn quan tâm đến chủ đề thiên nhiên và từ 6, 7 năm trước đã muốn khai thác chủ đề này. Tuy nhiên lúc ấy tôi chưa tìm được cách tiếp cận phù hợp.
Sau tác phẩm Đại dương đen, tôi muốn cho mình một khoảng tạm nghỉ sau thời gian dài làm việc với chủ đề sức khỏe tinh thần. Tôi quyết định quay lại với mối quan tâm dành cho chủ đề thiên nhiên. Từ khi khởi thảo đến lúc hoàn thiện cuốn sách là khoảng gần 2 năm.
- Cuốn sách tổng hợp và cô đọng rất nhiều kiến thức thuộc nhiều khía cạnh của một chủ đề chính xuyên suốt, với danh mục tài liệu tham khảo tương đối dài. Ông đã xây dựng cấu trúc của cuốn sách như thế nào?
- Bắt tay vào dự án này, đối với tôi giống như bước vào một khu rừng hoàn toàn mới mẻ, xa lạ mà không có bản đồ. Tôi vừa đi vừa khám phá, tìm hiểu những ngã rẽ tiếp theo của chủ đề, đặt các câu hỏi và tìm câu trả lời.
Tôi đã bắt đầu bằng những câu hỏi căn bản nhất: Các triết gia nói gì về vẻ đẹp thiên nhiên? Các nền văn hóa lớn có hình dung, quan điểm gì về thiên nhiên, các quan điểm này đã thay đổi như thế nào trong lịch sử? Có những ngã rẽ bế tắc, tôi phải quay đầu; có những ngã rẽ mở ra những khung cảnh hoàn toàn bất ngờ và quan trọng với tôi.
- Vì sao ông lựa chọn truyền đạt kiến thức khoa học, thông điệp cuốn sách qua hình thức cuộc trò chuyện giữa 2 nhân vật?
- Tôi đã có quyết định về cách truyền tải này từ rất sớm, khi nhận thấy chủ đề mà mình đang theo đuổi có nhiều nội dung triết học, mỹ học, xã hội học, lịch sử văn hóa khá khô khan. Qua lời đối thoại của 2 người bạn Tò Mò và Suy Ngẫm, tôi mong cuốn sách sẽ trở nên sinh động hơn, dễ tiếp cận hơn.
Tò Mò cũng chính là bản thân tôi khi bắt đầu hành trình, “vô tri”, trong đầu chỉ có các câu hỏi và sự quan tâm, mong muốn tìm hiểu. Suy Ngẫm chính là tôi ở cuối hành trình, khi đã vỡ vạc và trải nghiệm nhiều điều. Bản thân tôi đã từ Tò Mò trở thành Suy Ngẫm. Hội thoại giữa hai nhân vật này cũng thể hiện quá trình tư duy, tìm tòi của chính tác giả.
Tác giả Đặng Hoàng Giang. Ảnh:NVCC. |
- Lựa chọn này có mang đến cho ông một số khó khăn trong quá trình sáng tác?
- Thách thức lớn nhất là làm sao để cuộc đối thoại giữa Tò Mò và Suy Ngẫm diễn ra với sự tự nhiên nhất định mà vẫn truyền tải được các nội dung mà tác giả mong muốn. Tuy nhiên, tôi nghĩ độc giả cũng hiểu rằng cuộc trò chuyện giữa 2 nhân vật là giả tưởng. Bạn đọc sẽ không kỳ vọng nó mang màu sắc hiện thực hay tự nhiên như trong tiểu thuyết.
- Có lẽ vì vậy mà phần lớn nội dung đều do Suy Ngẫm nói ra, Tò Mò dường như chỉ đóng vai người lắng nghe, cảm thán; còn Suy Ngẫm chỉ đáp lại các câu hỏi, chứ hiếm khi tiếp lời những nhận định của bạn?
- Hiển nhiên, khi bắt đầu hành trình, Tò Mò là một kẻ “không biết gì”, nhưng được truyền cảm hứng, được dần nuôi dưỡng khả năng rung động và thay đổi mỹ cảm thông qua Suy Ngẫm.
Nhưng vai trò của Tò Mò quan trọng, bởi hỏi chính là định hướng câu chuyện. Cách thức đặt câu hỏi quyết định cách chúng ta khám phá thế giới. Suy Ngẫm thì như một tour guide (hướng dẫn viên - PV), dẫn Tò Mò vào các thế giới xa lạ, nhưng đầy bí ẩn của rừng mưa nguyên sinh, của thơ ca cổ, của nhện, chuồn chuồn và chim di cư.
Không ngạc nhiên khi Tò Mò ít nói mà chỉ gật gù, đào sâu vấn đề thông qua các câu hỏi mới, phản biện và thường cố gắng tóm tắt, tổng kết những gì mình đã học được từ cô bạn.
Qua cuốn sách, ta thấy sự trưởng thành của Tò Mò, cậu trở nên sâu sắc hơn, tinh tế hơn. Lúc này, hai người bạn đã nói về sự kỳ diệu một cách ngang hàng, không như học trò và cô giáo nữa. Họ đã có thể đổi vai, Suy Ngẫm mong muốn được lắng nghe các trải nghiệm của cậu bạn.
- Với chi tiết Suy Ngẫm nói rằng tình bạn giữa hai người là "platonic", liệu ông có ẩn ý gì muốn độc giả lưu tâm?
- Tình bạn platonic là tình bạn không mang màu sắc luyến ái. Đây chính là cách mà Suy Ngẫm nhìn mối quan hệ của hai người. Tôi đồ rằng về phía Tò Mò, cậu muốn tình bạn của hai người đi xa hơn thế. Và biết đâu điều đó sẽ xảy ra, nhưng nếu có, điều này sẽ nằm đằng sau cái kết của cuốn sách.
Để cảm nhận thiên nhiên sâu sắc hơn vẻ ngoài
- Có thể nhận thấy, các vấn đề về mỹ cảm thiên nhiên mà Suy Ngẫm đã trình bày trong cuốn sách dường như đều đến từ nguyên do chung: ấn tượng thị giác ban đầu, bề ngoài đã “đánh lừa” con người?
- Trong sách, tôi đã nêu lên hiện trạng thưởng thức thiên nhiên của số đông hiện nay. Đó là trào lưu săn view, tìm tới những thắng cảnh để check-in; là việc đến với thiên nhiên để tự sướng, để ngắm bản thân và được người khác ngắm mình thông qua ảnh.
Sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường. Ảnh: O.P. |
Thắng cảnh trở thành hàng hóa để ta shopping, thành chiến tích để ta sưu tầm, thu lượm, trở thành phông màn để ta trình diễn, khoe bản thân. Chúng ta cũng có xu hướng thưởng thức thiên nhiên chỉ như xem tranh, biến thiên nhiên thành 2D, thiên nhiên giống tranh thì mới đẹp, mới quý.
Những xu hướng này khiến cảm thụ thiên nhiên của chúng ta hời hợt, nông. Chúng ta đánh mất khả năng rung động trước nhiều điều trong thiên nhiên, ta coi chúng là bình thường, thậm chí tầm thường, xấu xí. Và do đó, ta thờ ơ khi chúng bị phá hủy.
Mặt khác, cũng vì chạy theo con mắt nên ta có thể tung hô những thứ độc địa, nguy hại mà ẩn dưới vẻ ngoài mỹ miều. Một ví dụ là những thảm cỏ sân golf xanh mướt nhưng đầy hóa chất và là những sa mạc sinh thái. Đó là những cái “đẹp” không tốt, bởi chúng phá hủy môi trường và đời sống con người.
Hãy cảnh giác với con mắt và thận trọng với quan điểm về đẹp và xấu của chúng ta, đó là một thông điệp của cuốn sách.
- Như phần I và phần II trong sách đã trình bày, quan điểm về mỹ cảm thiên nhiên đã luôn thay đổi theo thời gian, và cũng khác nhau theo từng vùng địa lý, bối cảnh văn hóa. Với kiến thức khoa học hiện đại ngày nay, theo ông có một cách thưởng thức thiên nhiên đúng đắn (duy) nhất hay không? Nếu có, theo ông đó là cách như thế nào?
- Trong bối cảnh chúng ta đang thưởng thức thiên nhiên một cách hời hợt, nông và thậm chí gây hại như đã nói bên trên, câu hỏi ở đây làm sao để ta có thể chạm vào những kỳ diệu, có những rung động tinh tế hơn, những gắn kết sâu sắc hơn với thiên nhiên. Trong cuốn sách, Suy Ngẫm đã giới thiệu một số cách cơ bản để làm được điều này.
Chúng ta đánh mất khả năng rung động trước nhiều điều trong thiên nhiên, ta coi chúng là bình thường, thậm chí tầm thường, xấu xí. Và do đó, ta thờ ơ khi chúng bị phá hủy.
TS Đặng Hoàng Giang
Trước nhất, đó là thông qua kiến thức: khi hiểu biết thiên nhiên, ta sẽ “đọc” được thiên nhiên như đọc những câu chuyện kỳ thú, sẽ thấy thế giới quanh mình thật là thú vị, bí ẩn.
Kế đến là cách tiếp xúc với thiên nhiên bằng toàn bộ cơ thể, ta đắm mình và dùng mọi giác quan để cảm nhận, thay vì chỉ phụ thuộc vào thị giác như xem tranh trong phòng triển lãm.
Cách khác nữa là dùng trí tưởng tượng, hình dung những gì đã xảy ra hàng triệu năm trước, hay hàng triệu năm sau. Rồi ta lắng nghe những cảm xúc của mình.
Tóm lại, ta đến với thiên nhiên bằng cái đầu, bằng cả cơ thể của mình, và bằng con tim, thay vì như hiện nay ta đến với thiên nhiên cơ bản là với mục đích để có nhiều like.
- Trong sách có nhắc đến khái niệm "âm cảnh" - cảnh quan âm thanh của một nơi chốn, và tương tự, "hương cảnh" - những mùi vị của một không gian. Ông có thể kể tên một vài âm cảnh và hương cảnh mà ông yêu thích nhất?
- Tôi sẽ không quên được âm cảnh của những cánh đồng cỏ ngập nước mênh mông ở Đồng Tháp Mười, có tiếng của hàng triệu nhánh cỏ chạm vào nhau trong gió, âm thanh của rừng tràm, tiếng kêu vang vang rất lạ của những con chim nước di cư.
Hay âm cảnh của rừng già ban đêm, sương rơi trên những chiếc lá khổng lồ như đánh trống, tiếng cú trầm trầm, tiếng côn trùng như làn sương lẩn quất, tiếng suối róc rách xa gần.
Tôi thích thưởng thức hương cảnh của mảnh vườn nhà tôi sau cơn mưa mùa hạ, có mùi của đất, của bùn, mùi của các luống rau, của lá mục, của hoa quả rụng lên men. Đó là bản nhạc của các mùi vị, rất đặc trưng cho xứ nhiệt đới mà nếu có lúc nào đi xa thì tôi chắc chắn sẽ rất nhớ.
- Hành trình với cuốn sách này có ý nghĩa thế nào đối với cá nhân ông?
- Thế giới của tôi đã thay đổi rất nhiều. Trước kia, giống Tò Mò, tôi chỉ nhăm nhăm săn view này, “chinh phục” đỉnh núi kia, tìm tới cây cổ thụ trăm tuổi nọ để chụp ảnh. Tôi thờ ơ, tôi “mù” trước những điều đẹp đẽ quanh mình.
Giờ đây, tôi ra vườn và lắng nghe âm thanh của gió, tiếng chim và dế, tôi cảm nhận mùi của đất và của cỏ dại, tôi chạm vào rêu và lớp lá khô. Tôi và một con thằn lằn có thể nhìn nhau cả phút đồng hồ, rồi tôi tìm hiểu về nó như tìm hiểu một kỳ quan của tiến hóa.
Theo tác giả Đặng Hoàng Giang, ai cũng có thể trở thành người “sành” thiên nhiên hơn, có thể “lên level”, mà hành trình này lại không quá khó khăn, không quá tốn kém. Ảnh: FB Giang Dang. |
- Ông có kỳ vọng Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thườngsẽ tạo được tác động xã hội như những cuốn sách trước của ông?
- Qua cuốn sách này, tôi muốn truyền cảm hứng để độc giả khám phá những vẻ đẹp bình dị xung quanh mình, những thứ trước kia được coi là tầm thường, vớ vẩn, để đời sống tinh thần giàu có, sâu sắc hơn.
Tôi cũng muốn gửi gắm thông điệp rằng ai cũng có thể đi được hành trình như tôi (tức Tò Mò) đã đi. Ai cũng có thể trở thành người “sành” thiên nhiên hơn, có thể “lên level”, mà hành trình này lại không quá khó khăn, không quá tốn kém.
Dĩ nhiên, khi chúng ta kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên, cảm nhận những điều đẹp đẽ quanh mình, ta sẽ tâm huyết hơn để bảo vệ thiên nhiên, kể cả những thứ không đem lại lợi ích kinh tế cho ta. Ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường được nâng cao là một “tác dụng phụ” rất quan trọng của việc ta xây dựng mỹ cảm với thiên nhiên.
Khi chúng ta kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên, cảm nhận những điều đẹp đẽ quanh mình, ta sẽ tâm huyết hơn để bảo vệ thiên nhiên, kể cả những thứ không đem lại lợi ích kinh tế cho ta.
Tác giả Đặng Hoàng Giang
- Đến cuối, Suy Ngẫm đã ngỏ ý đổi vai với Tò Mò, muốn làm người lắng nghe nhiều hơn. Phải chăng đây là một lời hứa hẹn cho tập sách tiếp theo, mà trong đó Tò Mò, nay đã trở thành một người biết cảm thụ thiên nhiên sâu sắc hơn, sẽ vào vai người nói nhiều hơn?
Đó cũng là một khả năng, đây là một chủ đề vô cùng rộng lớn, một cuốn sách sẽ không tài nào truyền tải được hết. Có thể chuyến phiêu lưu này sẽ còn tiếp tục.
Tôi mong muốn mình có thể đi sâu vào được thế giới của đầm lầy, của những vùng liên triều (những ghềnh đá khi triều lên thì ngập dưới sóng, khi triều rút thì phơi dưới ánh nắng Mặt trời), vào thế giới của rêu hay địa y, về dơi hay về rắn. Mỗi thế giới đều vô cùng hấp dẫn và đẹp đẽ.
(*) Hình ảnh đầu bài: Hoa lan và bướm đêm. Nguồn: Nesnad/Wikimedia Commons/CC BY 4.0 và Motohiro Sunouchi/Flickr.com/CC BY 2.0.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.