Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Minh Triết,ĐồngchíLêKhảPhiêuluônđặtlợiíchnhândânlênhàngđầty so laliga nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, khi giữ cương vị cao nhất của Đảng hay khi về hưu, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn giữ phong cách giản dị, gần gũi, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân và luôn đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu... Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần đi tham quan. Ảnh: XUÂN THI Mọi công việc, lợi ích đều vìdân Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, đồng chí Lê Khả Phiêu là một lãnh đạo cấp cao của Đảng nhưng lúc nào cũng gần gũi với nhân dân, với mọi người. Từ phong cách, lời ăn tiếng nói cho đến mọi giao tiếp của đồng chí Lê Khả Phiêu đều thể hiện tình cảm quý mến, trân trọng đối với người dân. Trong những chỉ đạo, đồng chí luôn luôn đặt nhân dân lên hàng đầu, vì lợi ích của nhân dân. Mọi công việc, lợi ích đều vì dân. Đồng chí Nguyễn Minh Triết cho hay: “Trong thời gian công tác, đồng chí Lê Khả Phiêu thường nhắc nhở chúng tôi về điều này. Đây là một dấu ấn rất đáng nhớ của tôi với đồng chí Lê khả Phiêu. Lúc đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, tôi giữ nhiệm vụ là Trưởng ban Dân vận Trung ương, sau đó là Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh. Lúc nhận nhiệm vụ Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhiều nơi trong nước có khiếu kiện đông người, đặc biệt tại một số địa bàn tình hình khá gay gắt, phức tạp. Về vấn đề này, đồng chí Lê Khả Phiêu chỉ đạo cho chúng tôi phải giải quyết những điểm “nóng” này bằng công tác dân vận. Lúc đó, chúng tôi phải xuống với Đảng bộ, chính quyền tại các địa phương, lắng nghe người dân. Những vấn đề nào người dân đúng thì mình phải bảo vệ cho dân. Cái nào mình sai thì mình phải nhận để sửa chữa. Những vấn đề dân chưa hiểu đúng thì mình phải giải thích, phải kiên trì, nhẫn nại thông qua công tác dân vận. Thi hành theo chỉ đạo của đồng chí Lê Khả Phiêu, các điểm “nóng” dần dần đã giảm bớt và xử lý thành công. Tôi cho rằng, một vị Tổng Bí thư, người đứng đầu Đảng mà quan tâm đến công tác dân vận và chỉ đạo sâu sát trong điều kiện như trên là rất thích hợp và rất đúng đắn” . Chia sẻ thêm về điều này, đồng chí Nguyễn Minh Triết cho biết khi đồng chí về giữ chức Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh vào cuối năm 2000, TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Lúc này, xuất hiện tình hình tụ tập đông người tại số 7, đường Lê Duẩn trong thời gian dài, gây ra nhiều bất tiện và gây mất an ninh trật tự. “Khi có chương trình Tổng thống Bill Clinton sẽ vào thăm TP.Hồ Chí Minh, tôi bàn với các ngành, các cấp để đưa bà con trở về với địa phương. Khi chúng tôi đang còn bàn bạc, chưa triển khai, nghe thông tin này, đồng chí Lê Khả Phiêu điện trực tiếp cho tôi và nói: Tôi nghe các đồng chí chuẩn bị giải tỏa tụ tập đông người tại số 7 Lê Duẩn phải không? Tôi nói dạ có. Đồng chí lại hỏi là chúng tôi có lường hết các khó khăn, trở ngại ở đó không? Việc giải tỏa này là phức tạp, làm không đúng sẽ không có lợi, thậm chí có nguy cơ. Tôi lắng nghe ý kiến của đồng chí và báo cáo với đồng chí rằng sẽ giải tỏa bằng phương pháp dân vận như lâu nay đồng chí đã hướng dẫn. Khi nghe nói vậy đồng chí Lê Khả Phiêu yên lòng. Kết quả sau đó, thông qua công tác dân vận, chúng tôi giải tỏa điểm “nóng” số 7, đường Lê Duẩn một cách êm thấm. Bà con trở về các địa phương. Các địa phương cũng được chỉ đạo phải tiếp tục lắng nghe các bức xúc của người dân”, đồng chí Nguyễn Minh Triết nhớ lại. “Người anh rất thân thiết...” Đồng chí Nguyễn Minh Triết cho biết đồng chí có khá nhiều kỷ niệm với đồng chí Lê Khả Phiêu. Lúc đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Minh Triết là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé. Trong quá trình công tác, hai người cũng có quan hệ, bàn công việc với nhau, đặc biệt có một lần, Sông Bé gặp khó khăn trong việc thực hiện chính sách và bố trí cán bộ ở lực lượng vũ trang. Lúc này, đồng chí Nguyễn Minh Triết liên hệ trực tiếp với với đồng chí Lê Khả Phiêu. “Tôi cũng bất ngờ khi đồng chí vui vẻ nhận lời ngay, hẹn ngày để gặp tôi. Sau đó, khi gặp đồng chí Lê Khả Phiêu, tôi trao đổi những vấn đề mà tỉnh đang gặp khó khăn, đang vướng so với các quy định lâu nay của cấp trên. Sau khi nghe tôi trình bày, đồng chí Lê Khả Phiêu suy nghĩ một hồi lâu và quyết định sẽ giúp giải quyết khó khăn này cho Sông Bé. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì với tỉnh đây là vấn đề khó, có những nội dung mới mẻ nhưng đồng chí quyết định rất nhanh và quyết đoán. Điều này cho thấy rằng, đồng chí Lê Khả Phiêu là một người rất nhạy bén với công việc, rất quyết đoán. Khi thấy việc cần thiết, đúng đắn thì giải quyết ngay...”, đồng chí Nguyễn Minh Triết nói. Cũng theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, trong thời gian khoảng 10 năm sau khi về hưu, mối quan hệ giữa đồng chí Nguyễn Minh Triết và đồng chí Lê Khả Phiêu càng thêm gắn bó. Đối với đồng chí Nguyễn Minh Triết, đồng chí Lê Khả Phiêu như “người anh rất thân thiết”. Thỉnh thoảng, đồng chí Lê Khả Phiêu vào TP.Hồ Chí Minh và gọi điện đến nhà, có lần khi đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ còn sống, cũng mời thêm và cùng các đồng chí khác để trao đổi một số công việc còn trăn trở. Khi ra Hà Nội, đồng chí Nguyễn Minh Triết cũng thường xuyên đến thăm hỏi gia đình, sức khỏe đồng chí Lê Khả Phiêu. Có những lúc đồng chí Lê Khả Phiêu lên thăm nhà đồng chí Nguyễn Minh Triết hoặc cùng gặp nhau tại nhà đồng chí Phan Văn Khải... “Trong những lần gặp gỡ như vậy, tôi cũng có những kỷ niệm và nhớ mãi với đồng chí Lê Khả Phiêu. Đồng chí Lê Khả Phiêu khi lên nhà tôi thường thích ăn các món ăn dân dã. Những bữa cơm đón tiếp đồng chí Lê Khả Phiêu đơn giản, mộc mạc nhưng hợp tình, hợp ý và vui vẻ. Có những lần đồng chí Lê Khả Phiêu vào miền Nam, nhân những ngày gần sinh nhật của đồng chí, tôi mời đồng chí về Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh để đi tham quan và kết hợp tổ chức sinh nhật cho đồng chí. Đặc biệt, có lần tôi mời đồng chí Lê Khả Phiêu và đồng chí Phan Văn Khải cùng đến nhà tôi để tôi tổ chức sinh nhật cho hai đồng chí vì sinh nhật của đồng chí Phan Văn Khải chỉ sau đồng chí Lê Khả Phiêu 2 ngày. Trong lần đó, chúng tôi cùng lên tàu dọc theo sông lên địa đạo Củ Chi, thắp nhang tại đền Bến Dược. Trong suốt hành trình trên sông, tôi làm hướng dẫn viên cho cả đoàn. Chuyến đi có những câu chuyện vui vẻ nhưng có những câu chuyện trầm hùng khi tôi nói về con sông chảy về Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trên dòng sông này, đã bao lần quân dân ta đánh chìm tàu giặc; cũng có những hy sinh của các đồng chí, đồng đội và nhân dân làm nên câu chuyện oanh liệt của dòng sông. Bên đây sông là Tam giác sắt oai hùng từ thời chống Pháp đến chống Mỹ. Bên kia sông là Củ Chi đất thép thành đồng, cũng tam giác sắt anh hùng. Đây là những địa phương từng trải qua chiến tranh máu lửa, giúp đỡ nhau trong chiến tranh gian khó. Tình nghĩa từ ngày xưa đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Trong bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ, đầm ấm, cả đồng chí Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khai khi đó đều nói rất vui và mừng khi được làm chung sinh nhật, là sự kiện rất ý nghĩa...”, đồng chí Nguyễn Minh Triết hồi tưởng và xúc động nói: “Khi nghe đồng chí Lê Khả Phiêu trở nặng, tôi lo lắng và có ra Hà Nội vào bệnh viện thăm đồng chí vài lần. Có khi đồng chí tỉnh lại và nói chuyện được với tôi... Giờ đây, đồng chí Lê Khả Phiêu không còn nữa nhưng hình ảnh của đồng chí vẫn còn mãi với những lời nói, lời dặn dò, kỷ niệm vẫn in mãi trong tâm khảm của tôi...” CAO SƠN |