Black Friday và khắp nơi giảm "sập sàn": Mẹo để tránh mua hớ và cháy túi_dan mach vs
Black Friday và khắp nơi giảm "sập sàn": Mẹo để tránh mua hớ và cháy túi
Minh Huyền(Dân trí) - Trước Black Friday năm nay, nhiều cửa hàng đã ồ ạt tung khuyến mại lên đến 80% từ sớm. Nhưng cần lưu ý một số mẹo để mua sắm tỉnh táo, tránh mắc sai lầm và "cháy túi".
Black Friday (ngày thứ 6 đen tối) năm nay diễn ra vào ngày 29/11. Thay vì khuyến mại vào đúng ngày, nhiều cửa hàng đã triển khai rầm rộ chương trình Black Friday giảm "sập sàn, siêu khủng" để thu hút người mua.
Mua sắm trong dịp giảm giá lớn như Black Friday được cho là sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản tiền. Nhưng để mua sắm sao cho thông minh, tránh mắc sai lầm và "cháy túi" thì người tiêu dùng có thể tham khảo những lời khuyên sau đây.
Lập danh sách những món đồ cần mua
Sai lầm của nhiều người tiêu dùng là mua sắm "vô tội vạ", không có kế hoạch từ trước và thường mua sắm theo cảm xúc. Đặc biệt khi hàng hóa giảm giá khắp nơi có thể khiến người mua xuất hiện tâm lý phấn khích, muốn mua sản phẩm.
Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên trước khi mua sắm dịp Black Friday năm nay là cần lên được một danh sách cần mua trước khi đi mua đồ và cân nhắc thật kỹ liệu món hàng đó có thật sự cần thiết hay không, nếu không bạn sẽ bị "thủng ví" trong dịp mua sắm khuyến mại lớn này.
Tìm hiểu kỹ và so sánh giá sản phẩm
Nếu đã xác định được các món đồ cần mua, tiếp theo, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm từ chất liệu, kiểu dáng, kích cỡ đến màu sắc, thông qua các hình ảnh được đăng tải trên mạng hoặc từ việc sử dụng thực tế của những người quen biết để không mua nhầm hàng giả và hàng nhái, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử dịp Black Friday này.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên tham khảo phần đánh giá của những người mua hàng trước để có thêm thông tin về chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra, để mua được hàng khuyến mại "giá hời", người tiêu dùng cần tìm hiểu giá sản phẩm được giảm trong các đợt khuyến mại trước như ngày 11/11 vừa qua để so sánh. Hơn nữa, bạn cũng có thể truy cập một số website cung cấp biểu đồ giá các mặt hàng trong quá khứ đến hiện tại để có thể xem mức khuyến mại có thực sự giảm đúng như cửa hàng quảng cáo.
Việc khảo giá có ý nghĩa kinh tế rất lớn, tránh tình trạng người tiêu dùng bị mua hớ sản phẩm. Bởi trong các dịp khuyến mại, đặc biệt là Black Friday, nhiều cửa hàng sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao rồi quảng cáo mức giảm sâu khiến người dùng lầm tưởng mua được giá hời.
Mua hàng theo nhóm
Tại nhiều thương hiệu trong dịp Black Friday thường có chương trình ưu đãi khi mua nhiều, tức là giảm giá hoặc cộng thêm giảm giá dành cho những người có thẻ thành viên. Do đó, người tiêu dùng có thể rủ bạn bè hoặc người thân có nhu cầu mua sản phẩm đi mua cùng để tiết kiệm.
Ngoài ra, trên mạng xã hội nhiều ngày nay, các hội nhóm săn sale (giảm giá) cũng xuất hiện dày đặc, liên tục chia sẻ các bài viết, các mã giảm giá, kinh nghiệm săn sale. Do đó, người tiêu dùng có thể tham khảo thông tin giảm giá trên các hội nhóm để cập nhật nhanh nhất.
Đừng chờ đợi đến ngày Black Friday
Thay vì giảm giá vào đúng ngày Black Friday như gần chục năm trước, để tăng doanh thu, tránh tình trạng xếp hàng, chen lấn, đa số cửa hàng hiện nay đều triển khai khuyến mại sớm. Theo khảo sát, các cửa hàng truyền thống và trên sàn thương mại điện tử đều đã rầm rộ tung khuyến mại cho hầu hết mặt hàng từ cuối tuần trước.
Các cửa hàng, thương hiệu sẽ thường xuyên cập nhật những chương trình khuyến mại qua các trang mạng xã hội, bạn nên theo dõi các chương trình khuyến mại sớm.
Chị Khánh Linh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị đã mua sắm dịp Black Friday năm nay từ cuối tuần trước trên sàn thương mại điện tử Lazada, TikTok Shop.
"Tôi mua sắm chủ yếu là mỹ phẩm và quần áo. Nhiều mẫu có giá hời trên livestream nên tôi quyết định mua và thanh toán luôn bằng các ứng dụng như Viettel Money, MoMo... rất tiện lợi", chị nói và cho biết mua sắm trên các sàn cũng có ưu điểm dễ dàng trả hàng nếu không ưng ý.
Bỏ ngoài tai những lời mời "sale sập sàn, giá tốt nhất"
Để tạo cảm giác phấn khích, FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) cho khách hàng, nhiều người bán thường nhấn mạnh vào các con số giảm giá và số lượng hàng tồn. "Mặt hàng này chỉ còn đúng 5 sản phẩm", "đây là mức giá rẻ nhất của sản phẩm", là câu nói người tiêu dùng sẽ được nghe rất nhiều trong các dịp khuyến mại như Black Friday.
Tuy nhiên, đó chỉ là chiêu trò của người bán để thúc đẩy người mua đưa ra quyết định nhanh hơn. Chị Thu Trang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết trong dịp 11/11 vừa qua, chị săn sale sản phẩm kem dưỡng trên livestream của một thương hiệu Hàn Quốc. Giá gốc sản phẩm là 650.000 đồng, trong livestream buổi trưa chị mua được giá 305.000 đồng.
"Nhưng đến livestream tối, giá sản phẩm được giảm về 345.000 đồng nhưng nhân viên liên tục quảng cáo "đây là mức giá chưa từng có của sản phẩm này, mọi người nhanh tay chốt đơn". Do đó, không thể tin tưởng vào những lời quảng cáo sale sốc, sale khủng của người bán mà cần tỉnh táo khi mua hàng giảm giá", chị khuyên.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên tham gia vào các hội nhóm trên một số trang mạng xã hội để cập nhật nhiều thông tin về mã giảm giá từ những người có kinh nghiệm săn sale trước đó.
Hơn nữa, người tiêu dùng hãy mua sắm thông minh, đừng vì ham giảm giá mà mua những món đồ không cần thiết hoặc không phù hợp với bản thân. Nhiều người có tâm lý sợ hết khuyến mại nên mua vội, dẫn đến mua sai.
iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.
iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...