Nhiều người lao động nghèo,ánbuffetgiáđồngtrămngườixúcđộty so 7m cn vô gia cư đến quán buffet để thưởng thức món ngon với giá 1.000 đồng.
“Quán buffet rẻ nhất Việt Nam”
9h sáng, bà Lê Thị Kim Hoa (67 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) tạm dừng việc bán vé số để đến trước số 69 Nguyễn Xí (phường 26, quận Bình Thạnh) chờ ăn buffet với giá 1.000 đồng. Bên cạnh bà, những người bán vé số, nhặt ve chai, khuyết tật, vô gia cư… cũng đang ngồi chờ.
Đúng 10h, nhân viên của quán cầm ô che nắng, sang bên đường đón, mời bà Hoa cùng những người lao động nghèo vào quán. Tại đây, mọi người được tự do thưởng thức hơn 30 món ngon gồm: Mực tẩm xốt ngũ vị, thịt bò ba chỉ, phở, cơm chiên Dương Châu… với giá chỉ 1.000 đồng.
Những người già yếu, khuyết tật, không thể tự phục vụ được nhân viên của quán tận tình hỗ trợ. Các thực khách đặc biệt này ăn uống trong niềm hứng khởi, được quán phục vụ tận tình, chu đáo.
Sau khi thưởng thức các món ngon, thực khách còn được quán tặng những phần quà gồm: 10kg gạo, mì gói, quần áo mới. Một số người còn được quán gói thức ăn đem về nhà.
Ngồi bên đĩa thịt bò ba chỉ, bà Hoa nói đây là lần thứ hai bà đến ăn buffet với giá 1.000 đồng. Tuy vậy, cảm xúc của bà vẫn không thay đổi so với lần đầu tiên.
Sau khi bị tai nạn, bà Hoa không làm được việc nặng nên sáng đi bán vé số, chiều nhặt ve chai. Vết thương từ vụ té ngã vẫn khiến bà đau và cần uống thuốc mỗi ngày.
Tiền bán vé số, nhặt ve chai chỉ đủ cho bà đóng tiền trọ, mua ít thuốc uống. Do đó, bà thường đến các điểm phát cơm từ thiện để xin cơm ăn. Khi biết tại đường Nguyễn Xí có quán buffet giá 1.000 đồng, bà cố gắng đến trải nghiệm.
Bà nói: “Lần nào đến ăn tôi cũng rất xúc động. Tôi chưa bao giờ được ăn ngon như thế. Bữa ăn này rất ý nghĩa với tôi. Nó giúp tôi tiết kiệm được một số tiền để có thể mua thuốc uống hàng ngày”.
Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Thu (62 tuổi) đến quán buffet với hy vọng sẽ được ăn ngon và tiết kiệm một bữa ăn trong ngày. Khi còn trẻ, bà Thu đi gánh nước thuê mưu sinh.
Sau này, khi sức khỏe không còn cho phép, bà chuyển sang bán vé số để nuôi thân và gửi tiền về quê giúp con nuôi cháu nội ăn học. Những ngày gần đây, bà cố gắng bán nhiều vé số, tiết kiệm hơn để nhanh đủ tiền về quê làm đám giỗ mẹ.
“Với tôi bây giờ bớt được đồng nào hay đồng đó. Quán có nhiều thức ăn ngon. Có nhiều món tôi chưa thấy, chưa từng được ăn bao giờ nhưng giá lại rất rẻ. Tôi rất vui và hạnh phúc vì xã hội có nhiều người tốt”, bà Thu chia sẻ.
Quán ăn được mệnh danh là quán buffet rẻ nhất Việt Nam này do anh Đặng Đức Vinh (28 tuổi) làm chủ. Vinh tổ chức chương trình buffet 1.000 đồng như một cách trả ơn cuộc đời.
Trước đó, nam thanh niên quê Sóc Trăng từng kinh doanh trong ngành thực phẩm, nước giải khát nhưng không thành công. Đỉnh điểm, Vinh gần như phá sản và phải đóng cửa quán lẩu sau 3 tháng kinh doanh vì không có khách.
Lần thất bại này giúp Vinh rút ra nhiều kinh nghiệm. Sau đó, nam thanh niên thay đổi mô hình kinh doanh, hướng đến việc phục vụ đối tượng khách hàng là sinh viên, giới trẻ.
Duy trì đến khi còn có thể
Phục vụ đúng đối tượng, giá cả phải chăng, quán ăn của Vinh thu hút lượng khách đông đảo. Chỉ sau 1 tháng mở cửa, quán đã phục vụ từ 300-400 khách/ngày.
Vinh nói: “Tôi thấy mình may mắn khi mới mở quán đã có khách hàng. Khi kinh doanh ổn định, tôi nghĩ phải chia sẻ với những người khó khăn xung quanh mình.
Hơn thế, tôi luôn nghĩ cho đi thì chắc chắn sẽ nhận lại nên quyết định thực hiện chương trình buffet 1.000 đồng cho người nghèo. Chương trình này lấy cảm hứng từ hoạt động Bữa cơm bác ái của một nhà thờ tại quận Bình Thạnh”.
Mỗi cuối tháng, Vinh trích một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh và tiền phí gửi xe của khách để tổ chức bán buffet giá 1.000 đồng cho người khuyết tật, vô gia cư, lao động nghèo tại thành phố.
Để tránh việc lòng tốt của mình bị người xấu lợi dụng, trước khi tổ chức hoạt động trên, Vinh liên hệ, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ. Bằng cách này, mỗi sáng cuối tháng, quán ăn của Vinh phục vụ khoảng 300 thực khách là lao động nghèo, người khuyết tật... với giá chỉ 1.000 đồng.
Vinh nói: “Tôi không phục vụ miễn phí mà bán các món ăn với giá 1.000 đồng vì tôn trọng người đến ăn. Với tôi, ai đến quán ăn cũng đều là khách hàng.
Tôi không muốn những cô chú hay các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến ăn có cảm giác mình đang được cho. Ngược lại, tôi muốn cô chú có cảm nhận mình cũng là khách hàng và bỏ tiền ra để được phục vụ”.
Dù phục vụ buffet với giá chỉ 1.000 đồng nhưng Vinh vẫn giữ đúng thực đơn hàng ngày của quán. Anh chỉ thay đổi thời điểm phục vụ.
Thay vì phục vụ khách vào buổi chiều như thường lệ, buffet 1.000 đồng được tổ chức vào buổi sáng. Mục đích là để người khuyết tật, bán vé số dạo, nhặt ve chai… đến ăn xong vẫn có thể đi làm.
Sau ít tháng hoạt động, hoạt động trên của Vinh có sức lan tỏa lớn. Ngày càng nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo đến quán thưởng thức các món ăn ngon với mức giá rẻ.
Hoạt động này cũng nhận được sự đồng cảm, ủng hộ của nhiều mạnh thường quân. Tuy nhiên, Vinh không nhận sự giúp đỡ bằng tiền.
Nam chủ quán chỉ nhận sự hỗ trợ bằng hiện vật như: gạo, thực phẩm, quần áo… Số quà này sẽ được Vinh chia nhỏ, tặng cho người nghèo khi họ đến quán ăn.
Ngày cuối mỗi tháng, quán ăn của Vinh đón, phục vụ rất đông người khuyết tật, lao động nghèo. Những lúc như vậy, nam thanh niên và các nhân viên của mình luôn phục vụ hết mình thậm chí không kịp ăn sáng.
Thế nhưng, Vinh và mọi người đều không có cảm giác mệt mỏi. Vinh chia sẻ: "Chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi vì luôn làm công việc này trong tâm thế tận hưởng. Khi làm việc gì đó trong tâm thế tận hưởng, chúng ta sẽ không cảm thấy mệt mỏi, chán nản nữa.
Mỗi lần quán tổ chức buffet 1.000 đồng, chúng tôi luôn nhận về niềm vui của người đến ăn. Thấy họ vui, chúng tôi cũng hạnh phúc. Chúng tôi tận hưởng niềm vui từ những hạnh phúc như thế. Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục tổ chức chương trình và sẽ duy trì nó đến khi nào mình còn có thể”.
Quán buffet chay trả tiền tùy tâm hút cả ngàn khách mỗi ngàyHình thức trả tiền tùy tâm tại quán buffet chay Mãn Tự Vegan (Quận 1- Tp.HCM) đã giúp hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn có được những bửa ăn no mỗi ngày.