Nhà trong ngõ ở Hà Nội được hét giá ngang nhà mặt phố
Dương Tâm(Dân trí) - Gần đây, một số căn nhà trong ngõ tại Hà Nội được rao bán với mức giá vài trăm triệu đồng mỗi m2, ngang nhà phố khiến người mua ngã ngửa.
Giá nhà trong ngõ ngang nhà phố
Anh Lê Quang (quê Nam Định) chia sẻ, cách đây hơn một tuần, anh được môi giới dẫn đi xem căn nhà 50m2, 5 tầng trên một con ngõ tại đường Nguyên Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội). Tuy nhiên, anh Quang "ngã ngửa" khi môi giới cho biết giá của căn nhà lên tới 19 tỷ đồng, tương đương 380 triệu đồng/m2.
"Tôi khá bất ngờ với mức giá môi giới đưa ra cho một căn nhà nằm trong ngõ. Không thể phủ nhận khu vực này rất trung tâm nhưng mức giá chưa thể cao như vậy. Họ nói có thể thương lượng giảm 100-200 triệu đồng, sâu hơn chủ sẽ không bán", anh Quang nói.
Anh cho rằng mức giá gần 380 triệu đồng/m2 đã ngang ngửa với nhiều nhà mặt phố tại Hà Nội. Anh cũng tham khảo một số căn nhà có vị trí tương tự trong khu vực và biết được mức giá khoảng 270-300 triệu đồng/m2.
Một căn nhà trong ngõ ô tô tránh khác tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) có diện tích 46m2 đang được rao bán với giá hơn 21 tỷ đồng, tương đương gần 460 triệu đồng/m2. Căn nhà được giới thiệu nằm ở khu vực trung tâm và đầy đủ thông tin pháp lý có thể giao dịch ngay. Người mua có thể thương lượng nhẹ về giá.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Dân trí,một số căn nhà khác cũng nằm trong ngõ ô tô tránh tại Hoàng Cầu đang được rao bán từ 280 triệu đồng đến 320 triệu đồng/m2. Như vậy, có thể thấy căn nhà trên có mức chênh lệch khá cao so với những căn nhà tương tự trong khu vực.
Thực tế, mức giá 380 triệu đồng/m2 hay 460 triệu đồng/m2 đã ngang giá rao bán một số căn nhà tại đường Hồ Tùng Mậu, Hoàng Cầu, Xuân Thủy...
Hiện nay, nhiều căn nhà trong ngõ tại Hà Nội liên tục được chủ nhà tăng giá bán dù chưa tìm được người mua. Đơn cử, một căn nhà trong ngõ đã xây dựng 5 tầng tại Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có diện tích 35m2. Cách đây 2 tuần, môi giới rao bán với giá 5,7 tỷ đồng, tương đương 162 triệu đồng/m2 thì nay giá rao bán đã tăng lên 6,5 tỷ đồng, khoảng 186 triệu đồng/m2.
Theo anh Vũ Thanh Tùng - chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, không thể phủ nhận từ đầu năm tới nay, giá nhà trong ngõ đã tăng mạnh so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, việc nhà trong ngõ cao bằng hoặc hơn, thậm chí giá tăng cả tỷ đồng chỉ trong 1-2 tuần là điều phi lý.
Anh cho rằng, thời gian qua nhiều người tìm mua nhà trong ngõ với nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, một số môi giới hoặc chủ nhà đã nắm bắt được tình hình nên lợi dụng để đẩy giá, kích thị trường nóng lên.
"Người bán họ cũng đang kỳ vọng sẽ bán được giá rất cao. Tuy nhiên, mức giá nhà trong ngõ hiện nay người ở thực đã khó mua nên giao dịch tương đối chậm. Một số chủ nhà họ chưa cần tiền nên có tâm lý rao giá thật cao nếu bán được sẽ trúng đậm, còn không cũng không ảnh hưởng gì", anh Tùng nói.
Bên cạnh đó, anh tiết lộ, hiện xuất hiện tình trạng một số môi giới thậm chí còn bán chênh so với giá chủ nhà đưa ra nhằm trục lợi. Do đó, khiến giá nhà đã cao nay còn cao hơn.
Chuyên gia: Người mua cần khảo sát kỹ mức giá trước khi "xuống tiền"
Trao đổi với phóng viên Dân trí,ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định, trong khi thị trường đang diễn biến nóng xuất hiện một số trường hợp môi giới thông đồng với chủ nhà nhằm đẩy giá cao hơn.
Để mua đúng giá trị thực của ngôi nhà, ông Đính cho rằng, người mua cần tham khảo giá tại các đơn vị môi giới uy tín. Đồng thời, hiện nay giá nhà Hà Nội đã đạt đỉnh, nếu muốn mua thời điểm này cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông khuyên, người mua không nên sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn trong bối cảnh hiện nay. Bởi thị trường có thể hạ nhiệt khi có sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền.
Để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân đồng thời giảm áp lực giá nhà tăng, Nhà nước cần có giải pháp về chính sách, cơ chế can thiệp đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội trong đô thị. Nâng cao công tác định hướng phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội - chia sẻ để mua nhà không bị hớ thì nên chủ động khảo sát và so sánh giá nhà với các căn hộ tương tự ở cùng dự án, cùng khu vực, cùng phân khúc. Nếu thấy mức giá chênh quá cao so với giá môi giới đưa ra thì cần cân nhắc trả giá hoặc tìm đến chủ nhà để biết giá thật của căn nhà.
Dù vậy, liên quan tới thực trạng môi giới ăn chênh lệch quá nhiều, ông cho rằng, hiện nay không hiếm môi giới dùng chiêu trò "lướt sóng" để ăn lợi nhuận bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà, chủ đất sau đó rao bán lại, khi có khách mua thì họ sang tay ngay để ăn chênh lệch. Do đó người mua nhà cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới.
Bộ Xây dựng xác định, trong giai đoạn sốt nóng của thị trường, nhiều môi giới còn sử dụng cách đặt cọc để mua nhà ở, đất ở của người bán, sau đó tăng giá 10-15% và giao bán cho người khác.
"Qua tổng hợp cho thấy, chính các hoạt động này của một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân môi giới bất động sản cũng là một phần nguyên nhân làm tăng giá bất động sản nhà ở, đất ở trong thời gian qua", Bộ này nêu.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng, cần nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, môi giới có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.