Trung trinh liệt nữ (tác giả kịch bản Trần Hồng Vân,èoHàNộibộithuhuychươngVàngtạiliênhoansânkhấuThủđôtlbd chuyển thể chèo Mai Văn Sinh, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai) tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Chuyện xảy ra vào tháng Giêng năm 1285, một lực lượng lớn quân Nguyên do tên tướng Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Trước thế giặc hung hãn, triều đình nhà Trần buộc phải tìm kế hoãn binh để có thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu.
Để cứu đất nước trong lúc an nguy, công chúa An Tư (là em của vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông) đã hy sinh bản thân mình làm “cống vật” nhằm kìm hãm chân quân giặc. Đặc biệt hơn, nàng đã hóa thành ngọn lửa sống dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan mà đến tấn công, khiến cho Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy tháo thân.
Vở diễn với một kịch bản chặt chẽ, chuyển thể chèo mượt mà và cũng đầy dũng khí cùng sự dàn dựng vô cùng “chắc tay” và đầy sự tinh tế của NSND Hoàng Quỳnh Mai như là bệ phóng để các nghệ sĩ trẻ thăng hoa trên sân khấu trong các vai diễn của mình. Thêm một lần nữa, Nhà hát chèo Hà Nội “khoe” được dàn diễn viên trẻ vô cùng tài năng, nổi trội cả thanh và sắc, mà trong đó không thể không nhắc tới tài năng trẻ Quốc Phòng (vai Trần Thông) và nữ nghệ sĩ tuổi đôi mươi Thanh Huyền (vai An Tư công chúa).
Cặp “tiên đồng, ngọc nữ” làng chèo đã khiến cho khán phòng lúc thì xúc động sụt sùi, khi lại ào lên những tràng vỗ tay bởi giọng hát quá ngọt ngào, sâu lắng của Quốc Phòng và Thanh Huyền. Đây cũng là hai nghệ sĩ đã xuất sắc nhận được Huy chương vàng cá nhân.
Bên cạnh cặp đôi “vàng” của Nhà hát, các nghệ sỹ khác cũng nhận được thành quả xứng đáng, đó là NSƯT Hồng Nam (vai Vua Trần Nhân Tông) đoạt Huy chương vàng, 02 Huy chương Bạc được trao cho nghệ sĩ trẻ Hồng Thắng (vai Thoát Hoan) và nghệ sỹ Xuân Huynh (vai Trần Kiếm). Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã trao giải Chỉ huy xuất sắc cho nhạc sĩ Tất Trọng và giải Biên đạo múa xuất sắccho nữ biên đạo tài năng Hoài Anh.
Có thể nói, vở diễn về một nàng công chúa (An Tư) do nữ nghệ sĩ trẻ (Thanh Huyền) thủ vai, được dàn dựng bởi một nữ đạo diễn tài năng (NSND Hoàng Quỳnh Mai), và do nghệ sĩ thành danh (NSƯT Thu Huyền) chỉ đạo nghệ thuật, vì thế, “tính nữ” được thể hiện cực kỳ rõ nét trên sân khấu từ màu sắc (tím và vàng làm chủ đạo), đến thiết kế mỹ thuật và sự chuyển cảnh cũng vô cùng mềm mại, uyển chuyển, tinh tế nhưng lại rất sắc sảo, quyết đoán.
NSƯT Thu Huyền - Phó giám đốc phụ trách Nhà hát chèo Hà Nội chia sẻ: “Vở chèo Trung trinh liệt nữ được Nhà hát chúng tôi dàn dựng từ đầu năm 2020. NSND Quốc Anh – nguyên GĐ Nhà hát và tôi đã bàn bạc và thống nhất giao vai chính cho một cô đào rất trẻ – nghệ sĩ Thanh Huyền. Đây là cớ hội để các nghệ sĩ trẻ tài năng có điều kiện tỏa sáng trên sân khấu bên cạnh những nghệ sĩ đã có tên tuổi của nhà hát như: NSƯT Hồng Nam, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Phương Mây, nghệ sĩ Quốc Phòng,..
Chúng tôi đã chọn Trung trinh liệt nữtham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022 vì đây là vở diễn ca ngợi sự hy sinh vì đất nước của những người con Thăng Long - Đại Việt, và cũng muốn "khoe" với bạn nghề và khán giả thế hệ nghệ sĩ trẻ, tài năng tiếp nối thế hệ đi trước của Nhà hát chúng tôi”.
Được biết, các nghệ sĩ của Nhà hát chèo Hà Nội đã cùng ekip tập luyện miệt mài một tháng ròng rã để chỉnh sửa, nâng cao vở diễn. Đêm khai mạc Liên hoan, các nghệ sĩ Nhà hát chèo Hà Nội đã đem đến cho khán giả một đêm diễn cực kỳ thành công, được Ban giám khảo, bạn nghề và khán giả đánh giá rất cao. Đây là thành quả xứng đáng cho công sức của toàn bộ ekip nghệ sĩ, nhạc công, cán bộ, công nhân viên của Nhà hát chèo Hà Nội.
“Liên hoan sân khấu Thủ đô do Sở VHTT Hà Nội và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, đây là Liên hoan có chất lượng nghệ thuật cao, chúng tôi tham gia không chỉ để khoe tài mà còn giao lưu, học hỏi và giới thiệu về văn hoá Thăng Long - Hà Nội” – NSƯT Thu Huyền cho biết thêm.