Triều đình luôn luôn có thông lệ,ệnTòbang xh duc ví dụ như loại cấp báo tám trăm dặm này thường phải mất rất nhiều công sức để truyền đi, chỉ khi có cấp báo nơi biên ải hay nạn cường đạo hoành hành thì mới được sử dụng. Sau khi y lên ngôi thì bổ sung thêm một mục nữa, thiên tai trải dài hơn ba quận cũng được phép cấp báo.
Trong tình huống lúc bấy giờ, y không cần xem nội dung cũng đã biết bên trong viết cái gì.
Sông Ly Giang lũ quét, dòng chảy thay đổi.
Ở Hoàn Liêm Tương đã mưa như thác đổ nhiều ngày, cộng thêm mùa lũ định kỳ năm nay đến sau mùa thu, hai chuyện liên tiếp khiến hạ du không tài nào chịu nổi. Mấy năm nay lượng nước sông đổ vào biển ngày một nhiều, từ sớm đã có hiện tượng sạt lở đất. Nơi này thuộc quản lý của Vân Thị, y đã sớm cảnh báo Vân An Bình cho dân chúng canh tác dọc theo lưu vực Nguyên Bắc lùi về sau thật xa để đảm bảo bình an cho con dân, còn về phần hắn có thực hiện hay không thì y cũng không biết.
Lũ lụt xong nhất định sẽ có bệnh dịch, có tai ương, có nạn đói.
Vân Thị cai quản, kẻ làm vua cũng nhìn không tới. Y chỉ có thể để cho Vân gia làm chủ, cẩn thận dặn dò. Còn về việc làm sao để giúp dân chúng vượt qua thiên tai, cứu trợ thế nào, đành phải để Vân Thị tự mình xử lý.
Xã tắc này lớn vô cùng, sống chung dưới một khoảng trời, làm sao chỉ có thể lo cho mỗi bản thân mình? Sau thiên tai, nếu như Vân Thị cũng bất lực, tất yếu sẽ có nạn di dân đi ngược dòng đến ba quận Hoàn Liêm Tương, chưa nói bây giờ không rõ ở đó có còn đủ lương thực cung cấp cho dân đói hay không, bệnh dịch xảy ra mới là chuyện lớn, dân chúng gặp nạn di dân đến Hoàn Liêm Tương sẽ gây ra tai ương khôn lường.
Ba quận Hoàn Liêm Tương không thu hoạch được lấy một hạt thóc nào. Hạ du sông Ly Giang cũng thay đổi dòng chảy, trăm ngàn mẫu ruộng đều biến thành đại dương mênh mông.
Chịu ảnh hưởng không chỉ trong một năm này. Trong ba đến năm năm tới, làm sao để nhân giống thóc, làm sao cứu tế nạn dân, xử lý thuế ngân giảm mạnh như thế nào, ngay cả tích trữ lương thực thiếu hụt cũng là cả một vấn đề lớn.
Trong tay y dù có tiền muôn bạc vạn thì cũng không thể nào tránh khỏi âu lo trăm mối. Biện pháp xử lý thì có cả vạn cách, nhưng làm sao để có thể giảm mức tổn thất đến nhỏ nhất, làm sao để vận chuyển lương thực thật ổn thỏa, lại chẳng ai có biết phải làm thế nào.
Người người ngửa mặt trông lên chờ thiên tử thánh minh. Đầu ngón tay út nhúc nhích, chỉ cần ban ra một ý chỉ sai lệch, đồng nghĩa với việc hàng triệu dân chúng tan cửa nát nhà.
Dung Dận nhận lấy cấp báo, tâm trạng nặng trĩu, trở về ngự thư phòng lập tức hạ chỉ cho quan tham chính lựa chọn người đến giúp đỡ dân chúng vượt qua thiên tai.
Quan khâm sai đều phải là quan tham chính nhị phẩm trở lên. Người tên Lục Đức Hải kia nếu như tinh ý thì nhất định phải biết tranh thủ cơ hội này với bề trên.
Chờ đến lúc danh sách được trình lên, Dung Dận quả nhiên nhìn thấy tên của Lục Đức Hải nằm trong ba cái tên đơn độc này.
Làm quan tham chính dưới triều Lưu đồng nghĩa với việc trở thành trọng thần dự bị của triều đình. Phàm là quan tam phẩm trở lên, có tài có đức, thì đều có tư cách để tuyển chọn. Bọn họ được Hoàng thượng ban cho áo mũ, vào làm việc trong ngự thư phòng, gọi là “Điểm mực”. Những người này không có thực quyền, công việc chủ yếu là phụ tá cho đế vương, xử lý chính vụ hàng ngày, ngoài ra còn được phái ra bên ngoài xử lý một số việc lớn nhỏ. Bọn họ tiếp xúc lâu ngày dần dần thành thạo quốc sự, đợi đến khi năng lực lẫn mánh khóe đủ đầy, đi ra ngoài làm việc hai năm, đến lúc quay lại sẽ trở thành rường cột của nước nhà. Lục Đức Hải gia cảnh bần hàn, có thể lên đến chức quan tham chính nhị phẩm đã là cực hạn. Trong triều hắn không có căn cơ, đấu tranh hai ba chục năm vẫn không có cơ hội ra ngoài cũng không phải là chuyện lạ. Năng lực của người này không tệ, điểm trọng yếu là ánh mắt rất tinh tường, đáng để bồi dưỡng.
Lần này phái ra ngoài cứu trợ thiên tai, thật ra cũng không cần Lục Đức Hải phải làm gì. Thuế ruộng đất được điều động, chuyện trị nước an dân cũng còn cần phải chờ triều đình thảo luận, sau này sẽ phái các hạ thần có năng lực thật sự đến tận nơi giám sát. Hiện tại lũ lụt bùng phát, hắn chỉ cần khai thông đường đi giữa các quận, mở kho lúa địa phương giúp đỡ dân chúng ở nông thôn. Thứ Dung Dận thật sự cần chính là đôi mắt của hắn, thay y quan sát tình hình thực tế ở ven bờ sông Ly Giang. Đồng thời, y cũng muốn xem thử tính cách và phẩm giá của Lục Đức Hải.
Thánh chỉ vừa ban, đến ngày hôm sau, Lục Đức Hải lập tức tới để tạ ơn.
Hắn mặc triều phục mới toanh, tóc tai bôi dầu láng bóng, mặt mày hồng hào, tinh thần phấn chấn. Lần này được ra ngoài làm khâm sai tựa như bệ phóng mới cho con đường làm quan, lại còn là về quê nhà của mình, có thể gọi là vinh quang trở về, phút chốc thấy vô cùng đắc ý. Hôm đó đánh bạo lên tiếng trong triều xem ra là hắn đã nắm đúng tâm tư của Hoàng thượng, hoặc ít nhất là không khiến cho Hoàng thượng thấy ác cảm. Trong lòng hắn tràn đầy vui sướng, ý chí trào dâng, vừa bước vào ngự thư phòng đã quỳ mọp xuống làm đại lễ, cao giọng thỉnh an. Lần này hắn đã mạnh dạn hơn rất nhiều, ánh mắt nhìn thẳng, trông thấy Thánh thượng một thân y phục màu xanh đen, ngươi rồng mắt phượng, có khí khái của người nhà trời.
Dung Dận đang nhìn địa đồ, nghe hắn thỉnh an, lãnh đạm “ừ” một tiếng nói: “Nghe nói ngươi xuất thân từ thôn Hoàn Nam?”
Lục Đức Hải vội vàng nói phải, chỉ nghe Thánh thượng nói tiếp: “Quan giám sát ở đó hôm nay trình lên cấp báo, Hoàn Nam lũ lụt, nguy hiểm vô cùng, dân chúng gặp nạn lưu lạc khắp chốn, lương thực ở đó lại không đủ để chi dùng. Trẫm thương xót quê hương của ngươi gặp khổ nạn, đặc phái ngươi đến đó cứu trợ thiên tai, đi đường không quá vội, đừng vì quá ưu thương mà vội vã.”
Tim Lục Đức Hải bỗng đập “thình thịch”, bất thình lình mất hồn mất vía.
Hắn quên mất!
Quê hương gặp nạn, dân chúng không có cơm ăn áo mặc, hắn lại đứng trước mặt Thánh thượng tỏ ra hớn hở, không có chút nào thương xót, nào có dáng vẻ bề tôi muốn phân ưu cùng Hoàng thượng?