Ông Nguyễn Huy Bằng,ốcgiaĐừngquêncôngnghệthấlochj c1 Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết đã lưu ý như vậy khi tập huấn thanh tra cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi này. Trao đổi với báo chí ngày 14/5, ông Bằng cho biết, tinh thần thanh tra là không để xảy ra sai sót ở bất kỳ khâu nào.
Trước đó, Bộ đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác thanh tra thi cho tất cả các Sở. Sau khi lắng nghe ý kiến thực tế, Bộ mới ban hành văn bản hướng dẫn này.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thúy Nga
Thưa ông, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT quốc gia năm 201 có điểm gì mới so với công tác thanh tra của những năm trước?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Trước hết, Bộ hướng dẫn công tác thanh tra cụ thể hơn, bên cạnh hướng dẫn nội dung, còn có cả hướng dẫn phương pháp cụ thể như thu thập cái gì, thực hiện biên bản thế nào…
Thứ hai, người đi làm công tác thanh tra thi phải không đang trong giai đoạn chấp hành kỷ luật hay trong quá trình điều tra xem xét những yếu tố có liên quan đến tiêu cực thi cử.
Thứ ba, đội ngũ thanh tra được tổ chức linh hoạt hơn. Năm ngoái, việc thanh tra thi được thực hiện ở tất cả các khâu - từ chuẩn bị thi, coi thi và chấm thi.
Còn năm nay, riêng việc thanh tra chuẩn bị thi sẽ rất linh hoạt để cập nhật và điều chỉnh ngay. Vì vậy, Bộ đã hướng dẫn các Sở có thể thanh tra hoặc kiểm tra.
Sở dĩ có sự điều chỉnh này bởi thanh tra cần có quy trình, phải xây dựng kết luận, xin ý kiến đối tượng nên rất chậm. Đối với kiểm tra, nếu thấy đối tượng cần phải chấn chỉnh sẽ sửa được ngay, tùy Sở tổ chức nên rất linh hoạt.
Bên cạnh đó, về số lượng thanh tra tại các điểm thi năm nay cũng được quy định linh hoạt. Nếu như năm ngoái quy định mỗi điểm thi gồm 2 cán bộ thanh tra, trong đó có một người thuộc trường đại học thì năm nay, Bộ yêu cầu tối thiểu 2 cán bộ thanh tra với mỗi điểm thi, tránh sự máy móc. Do đó, các điểm thi tùy số lượng phòng sẽ tăng số lượng thanh tra.
Ngoài ra, hướng dẫn cũng nêu trách nhiệm của cán bộ thanh tra, làm công tác thanh tra ở khu vực nào sẽ chịu trách nhiệm liên đới khi xảy ra sự cố.
Năm ngoái, việc sai sót chủ yếu thuộc về khâu chấm thi. Vậy năm nay, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi gì nhằm khắc phục và ngăn chặn điều này?
- Nếu như năm ngoái, mỗi hội đồng chấm chỉ bố trí 2 cán bộ thanh tra của một trường đại học về bất kể số lượng phòng ở điểm đó nhiều hay ít, thì năm nay, Bộ sẽ tổ chức cụ thể hơn.
Ví dụ như Hà Nội là địa phương có số lượng bài thi rất lớn, không thể vẫn chỉ 2 cán bộ thanh tra như năm 2018, nên năm nay con số này có thể tăng lên 6, 7 người. Những điều chỉnh đưa ra nhằm phù hợp hơn với thực tiễn.
Tóm lại, ở những nơi nhiều phòng thi sẽ phải bố trí nhiều cán bộ thanh tra hơn để bảo đảm cán bộ thanh tra có thể tham gia trực tiếp từ làm phách đến chấm thi trắc nghiệm, tự luận. Bên cạnh các trường đại học còn điều động thêm lực lượng thanh tra của các Sở GD-ĐT.
Nhưng điểm đặc biệt của năm nay là sẽ tổ chức thanh tra chéo. Ví dụ, khi thành lập đoàn thanh tra chấm thi tại Hà Tĩnh, tôi sẽ lấy 2 cán bộ đến từ trường đại học không trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cộng với thanh tra của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa chẳng hạn. Những người này phải là những người có nghiệp vụ tốt.
Năm nay chấm thi trắc nghiệm do địa phương làm nên các Sở chỉ thanh tra phần tự luận. Còn Bộ GD-ĐT sẽ thanh tra toàn bộ cả chấm thi tự luận và trắc nghiệm.
Ông đã có những chia sẻ gì cụ thể với các cán bộ làm công tác thành tra trong quá trình tập huấn mới đây?
- Việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra năm nay sẽ phải làm rất kỹ. Bên cạnh tập huấn về quy chế và kỹ năng, khi tập huấn, cán bộ thanh tra chấm trắc nghiệm sẽ được xem “tác nghiệp” toàn bộ quy trình từ quét đến in ra… để đảm bảo nhận biết có đang làm đúng hay không.
Năm ngoái nhiệm vụ này là của các trường tự giám sát. Năm nay các trường vẫn thực hiện nhưng người làm thanh tra sẽ giám sát “trùm” lên.
Có một số điều tôi đã nhắc nhở anh em trong quá trình tập huấn. Chúng ta nói rất nhiều về công nghệ cao, nhưng cũng không được bỏ quên… "công nghệ thấp". Năm ngoái, những sai sót chủ yếu rơi vào khâu "công nghệ thấp" này.
Bên cạnh đó, năm ngoái chúng ta sai nhiều ở khâu chấm thi, năm nay sẽ chú trọng hơn. Nhưng cũng không vì quá chú trọng đến khâu chấm thi mà quên đi chuyện coi thi.
Tuy nhiên, dù các biện pháp có được “bày binh bố trận” đến đâu, yếu tố quyết định vẫn là con người. Con người phải có ý thức trách nhiệm cao với “nhiệm vụ quốc gia”, phải tập trung liên tục và có kỹ năng.
Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng tới những “điểm nóng” thi cử ra sao?
- Hiện nay, Bộ không phân biệt nơi nào là “điểm nóng” trong công tác thanh tra. Tuy nhiên trong thực tế, năm nay tôi được Ban chỉ đạo phân công cùng Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ sẽ đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng.
Năm nay, hướng dẫn có yêu cầu giám sát công việc của thanh tra. Điều này nhằm mục đích gì, thưa ông?
- Năm ngoái có 2.143 điểm thi với hơn 4.000 cán bộ thanh tra. Năm nay số lượng tối thiểu sẽ bằng năm ngoái.
Bên cạnh số “cắm chốt” ở điểm thi, thanh tra các Sở đều phải có một tổ trực thanh tra và trực đường dây nóng để điều phối, nắm tình hình và có một lực lượng khi cần hỗ trợ các điểm nóng.
Như vậy, các Sở sẽ có nhóm thanh tra trực tiếp cắm chốt tại điểm thi, đồng thời có những nhóm lưu động. Bộ có quy định về việc giám sát công việc của thanh tra xem có đúng quy định hay không. Tuy nhiên, hướng dẫn này không bắt buộc mà chỉ khuyến khích thực hiện.
Xin cảm ơn ông.
Thúy Nga (Ghi)
- Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) thành lập và công khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2019 từ ngày 3/6 đến hết ngày 4/8.