Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời cử tri liên quan đến chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể theo phản ánh của cử tri, quy định nhà ở hiện nay còn có nhiều bất cập, vì không nhắm đến các đối tượng khó khăn về nhà ở, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, giáo viên… có thu nhập thấp.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức nếu đáp ứng các điều kiện sau sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Cụ thể như chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở nhưng diện tích sàn nhà ở trung bình của hộ gia đình nhỏ hơn 10m2/người; có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên.
Những đối tượng này được quyền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương (có giá thành thấp hơn nhà ở thương mại cùng khu vực 20-30% do được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước) và được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Cũng theo Bộ Xây dựng, đối tượng là cán bộ, công chức, giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa... thì thuộc diện được thuê nhà ở công vụ.
Để được hưởng chính sách này, đối tượng phải thuộc diện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu 10m2/người.
Bộ Xây dựng cho biết ghi nhận ý kiến của cử tri để sửa đổi, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã nhận được kiến nghị của cử tri đề nghị thống nhất quy định thời hạn cho vay vốn ưu đãi để thuê mua nhà ở xã hội trong từng thời kỳ. Theo đó, cử tri đề nghị quy định thời hạn 20 năm cho giai đoạn 2021-2025. Quy định hiện hành là 15 năm.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp đề xuất này trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Dự kiến sẽ trình Chính phủ vào Quý IV/2020.