Các đại biểu HĐND trao đổi bên hành lang kỳ họp.
Giáo dục: Nhiều chính sách ưu đãi
Theo tờ trình thu hút người có học hàm, học vị về công tác tại trường Đại học Thủ Dầu Một, chính sách thu hút tập trung vào 2 chế độ, gồm hỗ trợ 1 lần và hỗ trợ thuê nhà ở, đi lại hàng tháng. Ngành nghề thu hút phù hợp với mã ngành dự kiến và đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường chưa có hoặc chưa đủ và phải cam kết công tác ở trường ít nhất là 5 năm. Theo đó, đối với người ngoài tỉnh, có học hàm, học vị được đào tạo trong nước, ứng với học hàm học vị mà có mức hỗ trợ khác nhau. Cụ thể giáo sư, giáo sư - tiến sĩ được hỗ trợ ban đầu 160 triệu đồng; phó giáo sư, phó giáo sư - tiến sĩ: 140 triệu đồng; tiến sĩ: 120 triệu đồng; thạc sĩ loại giỏi: 100 triệu đồng, thạc sĩ các loại còn lại: 80 triệu đồng. Đối với người ngoài tỉnh có học hàm, học vị được đào tạo ở nước ngoài thì mức hỗ trợ giáo sư, giáo sư - tiến sĩ: 200 triệu đồng; phó giáo sư, phó giáo sư - tiến sĩ: 175 triệu đồng; tiến sĩ: 150 triệu đồng; thạc sĩ loại giỏi: 125 triệu đồng, thạc sĩ các loại còn lại: 100 triệu đồng. Riêng đối với các ngành kiến trúc, xây dựng, công nghệ thông tin (phần mềm) các chức danh nêu trên còn được tăng thêm 15%.
Ngoài các chế độ nêu trên, người ngoài tỉnh về công tác tại tỉnh còn được hỗ trợ tiền nhà ở, tàu xe và các chế độ khác. Đối với các cán bộ đang công tác trong tỉnh có học vị tiến sĩ, thạc sĩ có nguyện vọng về công tác ở trường sẽ được hỗ trợ với các mức: Tiến sĩ 35 triệu đồng, thạc sĩ: 20 triệu đồng (được tỉnh cử đi đào tạo); tiến sĩ 45 triệu đồng, thạc sĩ: 25 triệu đồng (tự túc kinh phí) và các chính sách hỗ trợ khác. Khi được cử đi học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn, sau đại học sẽ được hỗ trợ tiền học phí, ăn ở, tàu xe... Riêng các ngành y tế, xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin (phần mềm) sẽ được hỗ trợ thêm tiền bảo vệ luận văn tốt nghiệp với các mức, như sau: Tiến sĩ: 50 triệu đồng, thạc sĩ: 40 triệu đồng, chuyên khoa cấp II: 30 triệu đồng, chuyên khoa cấp I: 22 triệu đồng, có bằng chuyên khoa cấp I học thạc sĩ: 28 triệu đồng. Các ngành còn lại: Tiến sĩ: 40 triệu đồng, thạc sĩ: 30 triệu đồng.
Đối với các trường hợp tự túc kinh phí đi học sau khi tốt nghiệp tiếp tục công tác tại cơ quan cũ sẽ được hưởng chế độ khuyến khích tự đào tạo ở các mức: Tiến sĩ: 20 triệu đồng, thạc sĩ: 15 triệu đồng, các cấp chuyên khoa còn lại và đại học: 4 đến 10 triệu đồng. Đối với các đối tượng được cử đi học tập nước ngoài sẽ được hỗ trợ các chi phí ăn ở, đi lại và học phí tương ứng với thời gian học.
Đất đai: Điều chỉnh giá tại 2 huyện, thị
Phương án xây dựng giá các loại đất năm 2010 trên địa bàn tỉnh theo tờ trình của UBND tỉnh thì cơ bản vẫn giữ nguyên cơ cấu và hình thức như bảng giá các loại đất năm 2009. Tại các huyện Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo sẽ giữ nguyên bảng giá các loại đất năm 2009. Chỉ xem xét điều chỉnh giá các loại đất trên địa bàn TX.TDM và huyện Bến Cát (tăng từ 1 - 22% so với bảng giá đất năm 2009) tùy theo khu vực, vị trí.
Theo đó, đất ở tại nông thôn đối với TX.TDM có mức giá thấp nhất là 450.000 đồng/m2, cao nhất là 1.880.000 đồng/m2, tăng 22% so với bảng giá các loại đất năm 2009. Tại Bến Cát, đất ở tại nông thôn có mức giá thấp nhất là 300.000 đồng/m2, cao nhất là 1.100.000 đồng/m2, tăng 10% so với bảng giá các loại đất năm 2009.
Về đất ở tại đô thị tại Thủ Dầu Một có mức giá thấp nhất là 550.000 đồng/m2, cao nhất là 19.500.000 đồng/m2, tăng 8% so với bảng giá các loại đất năm 2009. Còn đối với thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát (đô thị loại V), mức giá thấp nhất là 400.000 đồng/m2, cao nhất là 7.500.000 đồng/m2, tăng 15% so với bảng giá các loại đất năm 2009.
Đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thuộc TX.TDM và Bến Cát cũng có sự thay đổi tăng từ 8 - 22% so với bảng giá các loại đất năm 2009 tùy theo vị trí.
- Ông Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội: “Sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2010”
Những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 do tỉnh đề ra là hoàn toàn có cơ sở đạt được. Bởi Bình Dương có nhiều lợi thế hơn so với các tỉnh, thành khác trong khu vực, như: Sự lãnh đạo năng động của Tỉnh ủy và quản lý, điều hành tốt của UBND tỉnh trong thời gian qua. Hơn nữa, về vị trí địa lý, Bình Dương cũng thuận lợi hơn nhiều tỉnh, thành khác. Cụ thể là số doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Dương đều tăng nhanh theo thời gian. Do đó, tôi tin tưởng rằng, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2010.
- Bà Nguyễn Thị Hà, đại biểu HĐND tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: “Cần tăng cường mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính...”
Trong năm 2009, tôi đánh giá cao sự nỗ lực và nhạy bén của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ và kịp thời có những giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, năm 2010 này, UBND tỉnh cần tập trung mạnh vào các giải pháp, chính sách của Chính phủ để có chủ trương kịp thời trong tỉnh. Song song đó, UBND tỉnh cần tăng cường mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính. Bởi nếu không cải cách hành chính tốt thì đây sẽ là rào cản chung cho công tác quản lý điều hành của chúng ta.
- Ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại biểu HĐND tỉnh: “Cần có biện pháp rà soát, phân loại các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới theo các tiêu chí hợp lý...”
Tỷ lệ sử dụng đất hiện nay còn chênh lệch quá lớn giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong khi đó, hiệu quả về thu ngân sách từ những doanh nghiệp ngoài quốc doanh là khá lớn. Do đó, tôi nghĩ rằng, UBND tỉnh cần có biện pháp hợp lý hơn cho vấn đề này trong thời gian tới. Ngoài ra, hiện nay, nhiều khu dân cư triển khai quá chậm, gây ảnh hưởng đến cả người dân trong và ngoài khu quy hoạch. Do vậy, UBND tỉnh cần có biện pháp chỉ đạo việc rà soát, phân loại các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới theo các tiêu chí hợp lý để đưa ra các phương án xử lý phù hợp, đồng bộ.
NHÓM P.V T.S