Ngày xưa,ùngTếtthầyđãdầnxalạvớihọctròkết quả bóng đá honduras trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội phong kiến là “Quân - Sư - Phụ”, người thầy chỉ đứng sau vua, trên cả cha mẹ, được xã hội và nhân dân coi trọng và tôn vinh. Bởi thầy là người mẫu mực về nhân cách đạo đức, uyên thâm về trí tuệ, đã dạy cho nhiều học trò đỗ đạt hiển vinh để đem tài năng giúp dân giúp nước.
Người thầy còn có công lớn trong việc giáo dục để nâng cao nhận thức, trình độ dân trí và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Để thể hiện lòng kính trọng và biết ơn đối với người thầy, cha ông ta đã có nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như: “Không thầy đố mày làm nên”, "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”, “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”…
Vì thế, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, dân gian lại có câu nói quen thuộc: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Điều đó đã gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta.
Từ đạo lí tốt đẹp đó của dân tộc, “Mùng 3 Tết thầy” đã trở thành một phong tục của người Việt trong ngày Tết cổ truyền. Bởi dân tộc ta vốn có tinh thần hiếu học, “tôn sư trọng đạo”. Tết là những ngày quan trọng và thiêng liêng nhất trong một năm. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ và biết ơn người đã dạy dỗ mình.
Mùng 1, mùng 2 là hai ngày con cháu tề tựu đông đủ để đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng bên nội, bên ngoại. Riêng ngày mùng 3, chúng ta dành để đến thăm hỏi, chúc Tết thầy. Đạo thầy trò xưa rất được coi trọng. Dù làm quan to đến mấy, ngày Tết nhiều người vẫn cung kính lễ phép về thăm hỏi và chúc Tết thầy để bày tỏ tấm lòng tri ân đối với người đã có công dạy dỗ để mình đỗ đạt thành danh, thành tài như hôm nay. “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” không cho phép mình lãng quên.
“Ai mà phụ nghĩa quên công/Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”. Những người dù không đỗ đạt ông nọ bà kia thì vẫn đến thăm hỏi chúc thầy bằng tấm lòng chân thành. Quà Tết biếu thầy ngày ấy không nặng về vật chất mà chủ yếu “cây nhà lá vườn” như con gà, con cá, bơ gạo nếp, nải chuối, cái bánh chưng, cành đào… Tình nghĩa thầy trò ấm áp thân thương như tình ruột thịt.
Chữ “thầy” mở rộng ra không chỉ để tỏ lòng biết ơn người đã dạy chữ mà còn là dạy nghề, truyền nghề, rồi những ân nhân của mình. Người đó có thể là thầy thuốc đã chữa khỏi bệnh hay cứu sống mình lúc thập tử nhất sinh, người đã giúp đỡ lúc khó khăn hoạn nạn…
Do đó, “mùng 3 Tết thầy” là dịp để mỗi người thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đối với những người có công với mình. Đó cũng là đạo lí ngàn đời của dân tộc ta được trao truyền lại cho các thế hệ.
Cách ứng xử của học trò ngày nay về ngày “mùng 3 Tết thầy” cũng có nhiều điều khác xưa. Phần lớn cũng do những sự đổi thay của xã hội tạo nên. Trẻ bây giờ học hành thi cử vất vả áp lực, gần như không có thời gian để đi chơi, cứ về nhà là vùi đầu vào sách vở mới hoàn thành bài các môn. Có được ngày nghỉ là các em lăn ra ngủ. Đặc biệt, có một thứ mà vô cùng lôi cuốn hấp dẫn bất cứ đứa trẻ nào đó là mạng xã hội. Có những em “nghiện” nặng, cứ vớ được cái điện thoại thông minh hay máy tính, iPad là dán mắt vào, không dứt ra được.
Thời gian nghỉ Tết khoảng một tuần, các em thường được bố mẹ cho về quê hoặc gia đình nào khá giả có điều kiện thì cả nhà đi du lịch, hết Tết mới về. Nếu không đi đâu, nhiều em cũng bị cuốn vào các trò chơi điện tử, không mấy hào hứng trong việc đi chúc Tết, nhất là “mùng 3 Tết thầy”. Hầu như các em cũng không để tâm tới.
Phong tục này đang dần trở nên xa lạ với học trò, nhiều em còn không hề biết đến câu nói quen thuộc của dân gian “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Nhiều người bây giờ mắc bệnh thờ ơ vô cảm, không nặng tình nặng nghĩa như xưa. Việc giáo dục con cái lòng “Tôn sư trọng đạo” của không ít phụ huynh cũng chưa được coi trọng. Có đi chúc Tết thầy cô cũng chỉ Ban Phụ huynh đại diện.
Hơn nữa trong thời công nghệ 4.0 này, có nhiều phương tiện, cách thức để học sinh thể hiện tình cảm với thầy cô như nhắn tin, gọi điện, gửi thiệp… thay vì trực tiếp đến nhà chúc Tết như trước đây.
Mặc dù “Tết thầy” ngày nay đã đổi thay theo thời thế nhưng trong tâm thức của nhiều người, nhớ đến thầy trong những ngày đầu xuân vẫn là điều không phai nhạt. Bởi “Không thầy đó mày làm nên”, “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Thử hỏi có mấy ai học hành đỗ đạt nên người lại không có công lao, bóng dáng của người thầy? Cũng “Không có một vĩ nhân nào, một anh hùng nào trên đời này lại không qua bàn tay bế ẵm của người mẹ, cũng như trên trái đất này không có một vĩ nhân, một anh hùng nào lại không qua bàn tay dìu dắt và sự dạy dỗ của người thầy”.
Nếu cha mẹ có công sinh thành nuôi dưỡng, thầy là người đã dạy cho ta từ nét chữ đầu đời, dạy từng bài học giúp ta có kiến thức, văn hóa, nghề nghiệp để bước vào đời. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo - đạo làm người để ta biết sống nhân hậu, tử tế, có nghĩa có tình, có trước có sau, có trách nhiệm với công việc, biết giúp ích cho đời. Đó mới là điều đáng quý nhất. Con người ta hơn nhau không phải ở trình độ, địa vị hay giàu sang mà hơn nhau ở cách sống.
Công ơn truyền dạy tri thức và đạo lý làm người của thầy cũng sâu nặng như công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Vì thế cứ mùng 3 Tết Nguyên đán, các thế hệ học trò lại hẹn hò nhau cùng đến thăm và chúc Tết thầy cô đã dạy dỗ mình năm xưa. Đây vừa là dịp để thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò vui vẻ, ôn cố tri tân, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội được tụ tập, giao lưu và chúc tụng những điều tốt đẹp trong một năm mới.
Như vậy, “mùng 3 Tết thầy” xưa đã trở thành một phong tục đẹp để các thế hệ học trò bày tỏ tấm lòng tri ân thành kính đối với thầy cô của mình. Điều đó vừa thể hiện sự hiếu đạo của người học trò và vừa là lẽ sống nhân văn cao đẹp của người Việt Nam ta. Dù ở thời nào đi chăng nữa, dù xã hội có phát triển hay biến đổi đến đâu, đây cũng là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời này cần được giữ gìn và phát huy.
Phạm Thị Hường (Giáo viên Trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)