Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin với người tiêu dùng và trở thành tiêu chí cần phải có trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, góp phần mang lại những lợi ích thiết thực đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với cơ quan quản lý, hoạt động truy xuất nguồn gốc hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; theo dõi, giám sát thị trường tiêu thụ và hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến an toàn thực phẩm.
Đối với doanh nghiệp, công khai, minh bạch quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm, kiểm soát được thị trường và chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và uy tín doanh nghiệp…
Đối với người tiêu dùng, kiểm tra được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm; giúp người tiêu dùng nhận biết rõ ràng về sản phẩm thông qua truy xuất bằng mã trên mỗi sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình.
Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp) những năm trước đây, sản phẩm được tiêu thụ chưa nhiều ở thị trường ngoài tỉnh, giá cả không cao. Để mở rộng khách hàng trong nước, Hợp tác xã đã đầu tư hạ tầng và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ sản phẩm tinh bột nghệ đầu tiên, đến nay Hợp tác xã đã sản xuất ra 15 sản phẩm khác nhau, trong đó có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.
Năm 2022, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị đã sử dụng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản NBC-Trace của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia. Thông qua mã QR gắn trên sản phẩm, tất cả các công đoạn từ ươm giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực hiện.
Bà Trịnh Thị Hòa, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết: So với trước đây, Hợp tác xã mới có tem truy xuất thông tin, việc được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã khẳng định được uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại; chất lượng, giá cả sản phẩm được nâng tầm, tiếp cận và chinh phục nhiều khách hàng tin tưởng sản phẩm.
Nhiều đại lý, công ty trong và ngoài tỉnh đặt hàng làm nhà phân phối và sử dụng sản phẩm HTX làm quà tặng. Hiện nay, riêng lượng tiêu thụ sản phẩm tinh bột nghệ của Hợp tác xã năm sau tăng lên nhiều lần so với năm trước (trước đây 1 năm bán được khoảng 2 tấn tinh bột nghệ, hiện bán gấp 2 lần năm trước).
Trong tiến trình chuyển đổi số, các giao dịch trên thị trường, sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đang được phổ biến rộng rãi. Việc quét mã QR truy xuất nguồn gốc đang trở thành xu hướng tiêu dùng thông minh của người dân trong tỉnh.
Thao tác quét mã QR khá đơn giản, dễ sử dụng thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét mã QR trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể tra cứu chi tiết về sản phẩm, quá trình sản xuất của sản phẩm.
Để đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu cho Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh ban hành các văn bản như: Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 25/01/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 15/01/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu cho Sở ban hành Kế hoạch số 256/KH-SKHCN ngày 01/4/2022 về triển khai thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chi cục đã tham mưu cho Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai 2 nhiệm vụ về truy xuất nguồn gốc thực hiện Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh: "Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm thảo dược của tỉnh Ninh Bình" và "Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm Cơm cháy của tỉnh Ninh Bình", các nhiệm vụ trên do Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia-Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2023.
Kết quả, thông qua 2 nhiệm vụ trên đã hỗ trợ cho 6 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; đào tạo, hướng dẫn việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy và thảo dược theo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam; hỗ trợ 60.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 2 nhóm sản phẩm nêu trên, với tổng kinh phí của 2 nhiệm vụ là 1.185.000.000 đồng.
Đồng chí Trịnh Đình Thể, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cho biết: Hiện tại, Chi cục đã thực hiện khảo sát các sản phẩm hàng hóa để hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tổng hợp và báo cáo với Sở Khoa học và Công nghệ để trình UBND tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như sản phẩm rượu, sản phẩm mật ong sú vẹt, sản phẩm mật ong vùng đồi, một số các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND.
Thực hiện tổng kết Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND. và tiếp tục đề xuất với HĐND tỉnh để ban hành Nghị quyết mới nhằm tiếp tục thực hiện hỗ trợ các sản phẩm trí tuệ cũng như hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Theo Tiến Minh (Báo Ninh Bình)
(责任编辑:Cúp C2)