Theo công ty nghiên cứu xu hướng trong ngành công nghệ mới TrendForce, vào đầu năm 2024, Trung Quốc đã sở hữu hơn 50 nhà máy sản xuất vi mạch đang hoạt động.
Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ sản xuất các mẫu chip kém hiện đại, ở tiêu chuẩn 28nm trở xuống, nhưng các nhà máy với công nghệ tiên tiến hơn đang được triển khai xây dựng nhanh chóng.
Các doanh nghiệp bán dẫnTrung Quốc như SMIC, HuaHong, Nexchip, CXMT và Silan đang lập kế hoạch xây dựng thêm 10 nhà máy mới, trong khi 23 nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong vài năm tới.
Theo TrendForce, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư tổng cộng khoảng 1.000 tỷ USD cho lĩnh vực công nghệ này, với tham vọng thiết lập lại thị trường bán dẫn toàn cầu.
Ngay trong thập kỷ này, Trung Quốc sẽ vượt qua tất cả các quốc gia còn lại về số lượng doanh nghiệp sản xuất bán dẫn. Đồng thời, thị trường sản xuất bán dẫn ở Trung Quốc không chỉ phát triển theo chiều rộng, mà còn theo cả chiều sâu.
Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, Trung Quốc đang tìm mọi cách để tiếp cận và chuyển đổi sang các tiêu chuẩn công nghệ sản xuất chip 3nm và 5nm hiện đại nhất hiện nay.
Trung Quốc có nhiều ưu thế vượt trội so với các quốc gia khác trong việc phát triển ngành sản xuất bán dẫn nội địa. Trước hết phải kể tới những lợi thế rõ ràng về công nghệ và tài chính, kể cả khả năng tự chủ hoàn toàn với nguồn cung nước ngoài.
Trung Quốc cũng đang sở hữu một nguồn nhân lực đông đảo, với trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản trong các hệ thống giáo dục chuyên ngành.
Ngoài ra, Trung Quốc có năng lực chi phối thị trường bán dẫn, đặc biệt là thông qua công cụ nguồn tài nguyên đất hiếm, như đã diễn ra gần đây.
Đáng chú ý, Trung Quốc hiện đang tập trung phát triển các quy trình sản xuất chip trưởng thành, tức là sản phẩm được sản xuất trên các quy trình công nghệ đã được phát triển và hoàn thiện trong nhiều năm.
Các loại chip như vậy mặc dù không phù hợp để sử dụng cho các thiết bị điện tử tinh vi, nhưng lại phổ biến trong ngành sản xuất ô tô và điện tử tiêu dùng.
Thậm chí, ngay cả điện thoại thông minh cũng có nhiều linh kiện không cần tới công nghệ bán dẫn cao cấp hơn 5nm. Đây là một thị trường khổng lồ, với quy mô và nhu cầu chưa thể định lượng hết.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2023 - 2027, khoảng 70% nhà máy mới ở Trung Quốc sẽ sử dụng quy trình sản xuất chip trưởng thành lạc hậu hơn tiêu chuẩn 16nm.
Việc đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn và chip trưởng thành đã giúp Trung Quốc đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này. Các loại chip trưởng thành phù hợp về mặt chi phí và hiệu suất, sẽ là lựa chọn hàng đầu của phần lớn các nhà sản xuất điện tử.
Tuy nhiên, các chuyên gia của TrendForce cảnh báo xu hướng này sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến ngành bán dẫn trên toàn cầu. Với các ưu thế mạnh mẽ, Trung Quốc có thể sẽ thiết lập lại thị trường bán dẫn toàn cầu, thậm chí sẵn sàng hủy hoại các đối thủ cạnh tranh bằng cách bán phá giá - phương thức phổ biến của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay.
Nhiều nhà sản xuất lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ khó khăn về tài chính và sau đó là nguy cơ phá sản. Ngay chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng khó khăn, buộc các công ty nhỏ phải bán mình cho những gã khổng lồ trong ngành vì không thể tồn tại trong cuộc chiến giá cả, tạo ra các doanh nghiệp thống trị khổng lồ với cơ chế độc quyền.
Tuy nhiên, các chuyên gia hiện chưa thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra một cuộc chiến giá cả như vậy. Trung Quốc hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu chip từ nước ngoài. Bởi vậy, viễn cảnh mà các chuyên gia TrendForce lo ngại có thể sẽ chỉ xuất hiện sau khi Trung Quốc đã làm chủ được quy trình sản xuất hàng loạt chip tiêu chuẩn 3nm trở lên.
(theo OL)