LTS:Trong cuộc chiến chống Covid-19,ậtkýbácsĩchốngdịchMệnhlệnhtừtráthứ hạng của las palmas đội ngũ y bác sĩ trên cả nước ở nhiều vị trí, chuyên môn khác nhau được Bộ Y tế điều động tăng cường cho các bệnh viện tuyến đầu chống dịch. Ths - bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E là 1 trong số những cán bộ như vậy.
Từ ngày 11/7, bác sĩ Phong cùng các đồng nghiệp chuyển đến làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi đang trực tiếp điều trị các ca nhiễm Covid-19.
Những dòng nhật ký gửi Mẹ được anh chia sẻ trên trang cá nhân đã góp thêm một góc nhìn chân thực về nỗi vất vả, cực nhọc của các y bác sĩ những ngày này.
Mẹ ơi!... Nhanh thật!
Mới đó đã tròn 3 tuần con "sống trong lũ", cùng tham gia trực tiếp điều trị các bệnh nhân Covid- 19 nặng và nguy kịch (phải thở máy xâm nhập, lọc máu nhân tạo, thậm chí chạy ECMO...). Ba tuần trôi qua thật nhiều kỉ niệm, thật nhiều bài học sâu sắc!
Ngày nhận quyết định lên đường đi tham gia chống dịch, con hoang mang quá! Mười mấy năm làm hồi sức, điều trị và chứng kiến muôn vàn bệnh tật (cả những bệnh tật nguy cơ lây nhiễm cao) nhưng có lẽ chưa bao giờ con thấy nhiều lo lắng như lần này!
Lo lắng việc nhà còn chưa trọn vẹn (bố mới mất vài tuần, bao việc phải lo, mấy đứa trẻ còn nhỏ cần chăm sóc của cả bố và mẹ, giờ chỉ còn mẹ sát bên..).
Bệnh dịch lây lan mà con chưa từng kinh nghiệm, chưa từng học qua sách vở. Chỉ nghe dễ lây, nguy hiểm, tử vong nhiều...
Cả thế giới hoang tàn, kiệt sức vì Covid-19. Ấn Độ, Brazil, Indonesia nhiều người chết, hàng trăm y bác sĩ kiệt sức tử vong vì bệnh tật... Những con số thống kê ảm đạm!
Khi được biết mình sẽ tham gia trực tiếp hỗ trợ trong công tác điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 nguy kịch tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, con lại càng lo lắng hơn.
Các y bác sĩ ở Bệnh viện E đi hỗ trợ tăng cường cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (ảnh: tác giả cung cấp) |
Dù biết rằng, đã dấn thân nghề bác sĩ thì sẽ luôn sẵn sàng điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân, bất kể là bệnh nhân mắc bệnh nhẹ hay nặng. Đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim của con, trái tim của người thầy thuốc.
Nhưng khi đi vào tâm dịch, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thở máy mắc Covid-19 nặng, con vẫn không tránh cảm giác lo lắng ấy và gia đình mình cũng vậy.
Lo lắng vì mình chưa từng có kinh nghiệm điều trị Covid-19, kinh nghiệm trên thế giới chưa nhiều, mọi người vẫn đang vừa làm vừa dò dẫm. Ra chiến trận mà chưa hiểu hết kẻ thù!
Mình trong nghề còn hoang mang vậy, huống chi người thân và gia đình!
Dòng chia sẻ đầy yêu thương của chị Vũ Bích Ngọc, vợ bác sĩ Đỗ Quốc Phong trước chuyến công tác đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (ảnh: tác giả cung cấp) |
Ngày trước khi lên đường, con xuống tóc (cạo trọc theo đúng nghĩa đen). Khi về nhà, Voi (con trai út - PV) bé bỏng sững sờ không nhận ra bố, vợ con giật mình sao như vậy? Con cười, đi chống dịch mà!
Con cố tỏ ra bình thản! Nhưng con hiểu và trân quý trong ánh mắt vợ con là sự sững sờ, sự hoang mang tột độ, trong mắt con trẻ là lo sợ, e ngại. Cái nhìn vừa gần nhưng thật xa.
Ngẫm lại sao lúc đó con cũng thật đủ bản lĩnh để bình tĩnh, để làm công tác tư tưởng cho gia đình, vợ con. Trước khi lên đường, GS-TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E đã bắt tay con, dặn dò con, ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của con và các cán bộ y tế tham gia đoàn công tác lần này.
Thầy chúc con và các bạn cùng chuyến đi “chân cứng, đá mềm”, công tác tốt; phải luôn giữ vững hình ảnh tốt đẹp của Bệnh viện E, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của cán bộ viên chức, người lao động Bệnh viện E không chỉ với đồng nghiệp mà còn đối với người bệnh, nhất là người bệnh nặng như ở khoa khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Được thầy động viên như vậy, con thấy lòng thanh thản hơn. Con cũng rất quyết tâm, đã hứa với thầy rằng chúng em không ngại khó, ngại khổ, sẽ hết lòng cứu chữa người bệnh nhằm chia sẻ bớt khó khăn, vất vả cho các đồng nghiệp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Nay trước gia đình, trước vợ và các con của con, thật khó nói ra được thành lời. Vợ hình như hiểu những suy tư của con. Cô ấy bảo con chơi với bọn trẻ nhiều hơn, một mình lặng lẽ ngồi sắp xếp từng bộ quần áo, chiếc bàn chải đánh răng, dao cạo râu... vào vali.
Cô ấy thật giỏi nhẫn nhịn, thật giỏi giấu cảm xúc (chắc muốn để con yên tâm công tác). Mẹ thì giục giã đi ngủ sớm để ngày mai lên đường. Vậy mà mới sớm đã thấy mẹ bày biện soạn đồ thắp hương, khấn vái tổ tiên phù hộ bình an!
Thấy con thức dậy, mẹ giục đi đánh răng rửa mặt rồi ra ăn sáng, cơm mẹ đã chuẩn bị rồi đấy! Ngồi ăn cơm, mẹ hỏi: Con đã chuẩn bị đủ hết chưa? Còn thiếu gì nữa không? Có mang đủ đồ dùng chưa?... Bao câu hỏi ẩn chứa tình mẫu tử bao la mà con không nhớ hết!
Nghĩ lại khóe mắt lại trực trào lệ. Đúng là bà mẹ nào cũng luôn luôn lo lắng hết lòng vì con cái! Yêu và kính mẹ thật nhiều, mẹ của con! Con sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ để được sớm về đoàn tụ với gia đình!
Mẹ ơi, sáng nay con lên đường chống dịch, trời thật trong và xanh quá! Những tia nắng chói chang giữa hè Thủ đô rạng ngời như tâm con đang hướng về nhiệm vụ sắp tới! Hà Nội cũng nắng thật nhiều, thật dữ dội như những con số thống kê tình hình dịch bệnh ở miền Nam.
Trời Thủ đô trong xanh không gợn mây như tâm hồn những người trẻ đi chống dịch! Chúng con rất vui, tràn đầy nhiệt huyết mẹ nhé! Mẹ cùng gia đình mình ở nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé! Con tạm không chăm sóc được mọi người. Chúng con sẽ chóng thắng dịch bệnh để về nhà!
Ngày thứ nhất: Vợ ngủ ngoan, anh sẽ sớm thắng dịch trở về
Vậy là chúng con đã đến nơi!
Xe ô tô đã đưa chúng con đến cổng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi đang tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid của miền Bắc. Bệnh viện thật đẹp và hoành tráng! Nhưng sao nơi này vắng lặng và cô tịch quá?
Covid-19 thật ghê gớm! Sau khi trình báo giấy tờ và kiểm tra thân nhiệt, chúng con được vào bên trong Bệnh viện. Tiếp đón chúng con là Giám đốc Bệnh viện, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Điều dưỡng trưởng kiêm Phó Chủ tịch Công đoàn (tất nhiên không có bắt tay, không có chụp hình lưu niệm..). Giám đốc hoan nghênh đoàn y bác sĩ Bệnh viện E đến tăng cường, nhanh chóng thông báo tình hình bệnh tật, sơ lược nhiệm vụ và phân công công việc của chúng con. Chúng con đã được làm xét nghiệm Covid-19.
May quá, cả đoàn đều âm tính!
Ba anh em chúng con được bố trí ở chung một phòng tại tầng 9 nơi trước kia là văn phòng Đoàn Đảng, nay dịch bệnh được sử dụng làm phòng ở cho nhân viên chống dịch.
Nhìn chung phòng khá sạch sẽ và thoáng mát. Trong phòng kê sẵn 3 giường tầng nhưng chỉ để phản ở tầng dưới đủ cho 3 người ở. Bệnh viện cũng bố trí đủ cho chúng con 3 bộ chăn chiếu và gối, ngoài ra còn có mì tôm để khi đói có thể ăn thêm, xà phòng rửa tay, kem và bàn chải đánh răng, xà phòng giặt và giấy vệ sinh nữa. Các anh chị bên này thật tâm lí và chu đáo!
18h30, điện thoại con báo tin nhắn ra nhận cơm ở cửa phòng. Bệnh viện chuẩn bị cơm hộp mang đến tận cửa phòng rồi nhắn tin ra lấy. Cũng thật đặc biệt mẹ ạ! Như đánh kẻng nhận cơm vậy. Kể ra cơm cũng khá ngon và đầy đủ. Được ăn suất cơm hộp khá trong giữa tâm dịch con nghĩ là cả sự vất vả và cố gắng của bệnh viện!
Vợ và các con yêu dấu!
Vừa gọi điện cho mọi người xong mà sao nhớ thế! Nghe điện thoại ông bà nội Rio căn dặn mà nước mắt cứ chực rơi! Anh trằn trọc bâng khuâng không ngủ được. Mọi khi vẫn đi trực đêm, đi công tác đâu thấy cảm giác như vậy nhỉ?
Có lẽ chuyến công tác này thật đặc biệt! Không ngủ được ra hành lang, nhìn cầu Thăng Long và Nhật Tân rực sáng đèn màu. Bên kia cầu là gia đình, là đồng nghiệp, là bao bạn bè... thật gần ngay trước mắt mà sao xa vời vợi!
Anh đi chống dịch chuyến này chắc còn chưa biết ngày về. Thời gian dự kiến 3 tháng, nhưng không biết chừng lâu hơn thế nữa. Bởi khắp nơi dịch đang bùng phát nhanh khủng khiếp. Thôi em và các con cứ yên tâm ngủ ngoan, anh và các đồng nghiệp sẽ sớm thắng dịch để về nhà!
Em cố gắng nhé! Dù anh biết rằng em ở hậu phương cũng rất vất vả đấy! Mình cùng cố gắng nhé vợ yêu!
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đêm đầu tiên không ngủ được! Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm!
Ngày thứ hai: Những thiên thần giữa đời thường
Sáng nay con xuống khoa làm việc. Đường đi đến khoa Hồi sức tích cực thật xa và dài. Qua mấy hành lang và hai lần thang máy vắng lặng như tờ. Kia rồi, khoa hồi sức cuối hàng lang tầng 3 ngay trước mắt.
Các y bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (ảnh: tác giả cung cấp) |
Trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài cô tịch xung quanh bệnh viện và các hành lang vắng lặng là một "công xưởng" đang nhộn nhịp hết mức. Mặc dù với con – một bác sĩ hồi sức đang làm việc ở Khoa Hồi sức một bệnh viện TW, công việc cũng rất vả, giờ sang hỗ trợ chống dịch ở đây mà vẫn giật mình trước những việc đang xảy ra trước mắt.
Gần 60 giường bệnh hồi sức với các bệnh nhân Covid-19 nằm kín, vậy mà có bệnh nhân nào tỉnh táo đâu!
Ngập tràn máy móc, ngập tràn phương tiện cấp cứu, ngập tràn bơm tiêm điện, ngập tràn dây truyền xung quanh mỗi bệnh nhân. Hàng chục y bác sĩ và nhân viên y tế đang hối hả trong công việc.
Dường như mọi người luôn tay, luôn chân không hề ngưng nghỉ! Cả khoa ngập tràn những bộ quàn áo phòng hộ kín mít từ đầu đến chân. Phải mang những bộ quần áo phòng hộ như này thật không chịu chút nào.
Sau này con mới biết, khi các bạn mặc bộ đồ phòng hộ vào là cũng nhịn luôn các nhu cầu cá nhân trong suốt ca làm, bởi quy trình mặc và cởi bỏ bộ phòng hộ này nhiều khâu phức tạp. Hơn nữa, mỗi bộ quần áo, khẩu trang như vậy cũng khá đắt tiền, trong khi các phương tiện phòng hộ như vậy cũng đang thiếu nhiều (cũng may là ở đây khẩu trang N95 cũng được cung cấp đủ – loại khẩu trang đặc biệt dành cho người chăm sóc trực tiếp các bệnh nhân Covid-19 để tránh lây nhiễm).
Vì vậy thường là khát nước, hay nhu cầu vệ sinh cá nhân, các bạn thường cố nhịn cho hết ca rồi ra ngoài xử lí một thể. Một sự cố gắng đặc biệt! Họ chính là những thiên thần giữa đời thường đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, đang hết mình chăm lo cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Những chàng trai, cô gái rất trẻ, luôn hăng say lao động trong môi trường nguy hiểm, luôn luôn rình rập nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh. Họ vẫn làm việc với tất cả tấm lòng yêu nghề, luôn thường trực là những nụ cười lạc quan. Dẫu rằng dịch bệnh đang hoành hành, họ vẫn ở đây, vẫn chiến đấu, vẫn yêu đời, yêu công việc của mình. Thật tự đáy lòng con cũng thấy khâm phục và mến yêu những đồng nghiệp này.
Ngày thứ 4: Những bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết
Vậy là hôm nay đã là ngày thứ 4 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Con đã dần làm quen với công việc và các quy trình làm việc nơi đây. Con cũng đang mặc trên mình bộ đồ phòng hộ, cùng làm việc với các bạn đồng nghiệp nơi đây.
Vào trực tiếp điều trị và chăm sóc các bệnh nhân con mới thấy nhiều điều mà khi ở ngoài trận chiến trực tiếp, con không hề cảm nhận được. Không phải những người già yếu, những người có nhiều bệnh lí nền mới nặng đâu mẹ à.
Ở đây có rất nhiều bệnh nhân Covid-19 mới 30 - 40 tuổi cũng đang rất nguy kịch. Họ vẫn đang chìm sâu trong thuốc an thần, giảm đau, đang phải hỗ trợ rất nhiều bằng thuốc men, máy móc hiện đại. Những tiếng tít tít đều đặn của Monitor, của bơm điện… đang thường trực cạnh họ.
Tính mạng họ vẫn đang luôn luôn bị đe dọa. Điều đó cho thấy Covid-19 đâu có chừa một ai. Vậy nên mẹ và mọi người ở nhà nhớ bảo trọng và thực hiện tốt 5K mẹ nhé! Mẹ hay đi chợ, tiếp xúc nhiều người thì nay nên cẩn thận, đeo khẩu trang đầy đủ nhé!
Hôm nay, con cũng được gặp nhiều giai thoại lắm mẹ à! Bác sĩ Quý, chàng trai 26 tuổi vừa mới cưới vợ được đúng 1 tuần. Đợt dịch bệnh ập đến, Quý lại tạm biệt những đêm tân hôn mặn nồng để giờ đang ở đây hết lòng cùng đồng nghiệp cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19.
Hỏi ra mới biết Quý đã chống dịch trong này được hơn 3 tháng. Ôi một bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, đầy đam mê. Dịch bệnh phức tạp mà anh chàng không nề gian khó, nguy hiểm, tạm gác hạnh phúc riêng tư vì nhiều bệnh nhân đang cần cậu ấy. Chắc vợ Quý cũng buồn nhiều!
Hạnh, một điều dưỡng trong khoa 30 tuổi (đúng bằng tuổi Ngọc mẹ à), cả hai vợ chồng cũng đều chống dịch trong này từ những ngày đầu. Mấy đứa nhỏ nhà vợ chồng Hạnh cũng đã 3 tháng rồi không được một cái ôm, một cái hôn, một thìa cơm bố mẹ bón cho. Lũ nhỏ gửi ông bà. Thật tội, chúng còn quá nhỏ để hiểu những thiệt thòi, những hi sinh cao cả của cha mẹ chúng.
Hiện tại, chúng luôn hỏi bao giờ bố mẹ về chơi với con, trong khi mẹ chúng vẫn cố nén nước mắt trả lời hết dịch mẹ về. Chúng chưa đủ lớn để cảm nhận những vất vả hàng ngày của cha mẹ chúng, chưa đủ cảm nhận được dịch bệnh đang phức tạp từng ngày. Chúng chỉ luôn mong được sớm gặp cha mẹ. Sau này khi lớn lên, chắc chúng sẽ tự hào biết bao về cha mẹ chúng! Nhiều, rất nhiều mẹ à!
Các bạn đồng nghiệp ở đây đều đã đang tạm phải xa gia đình, xa hạnh phúc riêng tư nhiều tháng rồi cho mục tiêu chung của cả đất nước, cả dân tộc chiến đấu chống dịch bệnh. Họ thật vĩ đại biết bao!
Mẹ ở nhà thường xuyên động viên Ngọc và các cháu giúp con nhé! Con và các bạn ở đây sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, làm thật tốt công việc để nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh, để về nhà.
Ngày thứ 10: Mỗi bệnh nhân một khác, bác sĩ phải rất sát sao
Vậy là con đã đi chống dịch được 10 ngày rồi. Cũng làm và cảm nhận được nhiều điều về điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng nguy kịch. Mọi thứ không phải chỉ như những gì sách báo, truyền hình đã nói.
Mỗi bệnh nhân là một cá thể khác nhau, đáp ứng điều trị khác nhau nên bác sĩ phải rất sát sao (ảnh: tác giả cung cấp) |
Ở đây nhiều điều mà nếu không trực tiếp làm sẽ không thể cảm nhận được. Không phải là mớ lí thuyết suông như trong sách vở. Tuy rằng việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 đã có quy trình hướng dẫn, phác đồ điều trị cụ thể của Bộ Y tế, của thế giới… Nhưng trong thực tế áp dụng thì không đơn giản.
Những hướng dẫn, quy trình đó thực chỉ là cái khung chung thôi, còn cụ thể tùy trường hợp mà khác nhau nhiều lắm! Mỗi bệnh nhân là mỗi một cá thể khác nhau, đáp ứng các biện pháp điều trị khác nhau. Vì thế nên bác sĩ phải là người theo dõi sát sao, thường xuyên thì bệnh nhân mới nhanh khỏi được, mới có nhiều cơ hội sống hơn. Đúng là từ lí thuyết đến thực hành thật khác xa mẹ ạ!
Hôm nay con cũng thật vui. Vì là những cán bộ đầu tiên của Bệnh viện E trực tiếp biết thế nào là Covid-19, trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 nên con cũng đã tranh thủ có 2 bài báo cáo để chia sẻ về việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 cho anh chị em nhân viên ở nhà ạ.
Dịch bệnh trong miền Nam đang hết sức phức tạp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế và sự thiếu thốn nhân lực điều trị chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở miền Nam, Bệnh viện E cũng đã thành lập kế hoạch hỗ trợ nhân lực.
Nhưng mẹ biết đấy, nhân viên Bệnh viện E đã ai điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đâu. Tất cả mới chỉ là tham khảo kinh nghiệm chia sẻ từ nơi khác, từ sách báo, truyền thông… Chiến đấu với dịch bệnh chưa từng gặp thì thật đáng ngại quá!
Tuy chủ yếu chỉ là chia sẻ với mọi người những điều mắt thấy tai nghe ở đây, những công việc hàng ngày của chúng con ở nơi đây, nhưng con nghĩ những chia sẻ đó cũng thật quý báu. Mọi người sẽ có cái nhìn thực tế hơn khi chiến đấu với Covid-19.
Ngày thứ 21: 100 ngày của Bố
Thời gian thật nhanh. Vậy là mai là 100 ngày của Bố rồi! Mẹ và mọi người đã chuẩn bị đến đâu rồi? Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố trong cả nước đang thực hiện dãn cách xã hội nên nhà mình cũng không nên làm gì to tát cả.
Mọi người không đi được đâu! Bố mất giữa dịch bệnh cũng thật thiệt thòi! Mẹ cố gắng nhé! Mẹ làm mâm cơm cúng cho Bố nhé! Mẹ cũng thứ lỗi cho con vì con không về được nhé! Con cũng muốn về để cùng vợ và Mẹ lo cho 100 ngày của Bố được chu toàn.
Nhưng Mẹ thấy đấy, mấy tuần nay bệnh nhân cứ tăng từng ngày, công việc chúng con cũng nhiều hơn. Chúng con làm liên tục không có khái niệm ngày nghỉ đâu nhé!
Mà hình như sang đây, con cũng quên khái niệm thứ mấy. Cứ làm việc liên tục và đều đặn thôi. Hơn nữa, giờ đây con đang là F1 (vì đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 mà), cũng đâu ra ngoài được. Mẹ khất trước vong linh Bố cho con mẹ nhé!
Khi nào hết dịch trở về con sẽ thắp hương Bố sau! Mẹ nghỉ ngơi cho việc ngày mai mẹ nhé! Viết đến đây con cũng không biết nên viết thêm gì nữa, bởi trong lòng cảm xúc đang nghẹn rồi. Mẹ và mọi người và mọi người ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!...
Thạc sĩ- Bác sĩ Đỗ Quốc Phong(Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E)
Những dòng nhật ký được tác giả chia sẻ trên trang cá nhân và thể hiện góc nhìn riêng. Mọi bài viết trao đổi xin gửi về email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Mối bận tâm rất lớn của cả đàn ông và đàn bà ở phố là chuyện tóc tai. Đàn ông bồn chồn ngứa ngáy vì tóc cứ dài ra hàng ngày. Đàn bà chỉ hơi khó chịu chút thôi vì mái tóc cầu kì chẳng có ai ngắm.