Cám dỗ,ọctiềndướighếsofavànỗioankhógiảicủanghềgiúpviệbong da thanh hoa thử thách
Chị Lê Mỹ Sang (35 tuổi, Vĩnh Long) có 2 năm kinh nghiệm trong nghề giúp việc theo giờ tại TP.HCM. Chị bén duyên với nghề khi chồng mất vì bạo bệnh, để lại 4 đứa con nheo nhóc.
Để có thêm thu nhập nuôi con ăn học, ngay sau khi kết thúc việc bán đồ ăn sáng, chị đi dọn nhà theo giờ cho người cần. Năm đầu tiên, chị được một khách quen thuê đến nhà dọn dẹp vào giờ trưa.
Đây cũng chính là người “đào tạo” chị Sang theo nghề giúp việc nhà theo giờ. “Tôi được chị ấy hướng dẫn cách dọn dẹp, chăm sóc cây cảnh, sử dụng các thiết bị gia dụng hiện đại như máy hút bụi, máy giặt, máy rửa chén…”, chị Sang kể.
Quen biết chủ nhà từ trước, chị Sang không gặp nhiều khó khăn trong công việc mới. Tuy nhiên, sau khi đến làm cho một chủ nhà khác, chị bắt đầu bỡ ngỡ và vỡ ra rằng dọn nhà theo giờ không hề đơn giản.
Chị bị chủ nhà khó chịu, thậm chí mắng vì giặt chung quần áo trắng với quần áo màu, không giặt tay các loại quần áo trắng. Nhiều khi, chị phải lau đi lau lại sàn nhà vì khách không đồng ý, cho rằng chị dọn dẹp chưa đạt yêu cầu…
Hơn thế, chị còn phải đối mặt với những cám dỗ, thử thách từ những chủ nhà khó tính. Chị kể: “Tôi làm tự do, không thông qua công ty môi giới nên khách hàng gọi tôi đến dọn nhà thường thử rất kỹ. Họ thường thử xem mình có phải là người trung thực, siêng năng hay không.
Họ thử bằng nhiều cách. Có người để mình làm việc một cách tự nhiên rồi lặng lẽ quan sát. Có người lại cố tình để tiền bạc, trang sức một cách hớ hênh, không che đậy hoặc giả vờ quên trong túi quần áo rồi đưa cho mình đem đi giặt…”.
Chị Sang bị nữ chủ nhà thử thách bằng cách giả vờ đánh rơi cọc tiền dưới gầm ghế sofa. Sau đó, chị cũng liên tiếp “nhặt” được những tờ tiền có mệnh giá lớn trong túi áo, túi quần của chủ nhà trong lúc giặt đồ.
Những tình huống khó ngờ
Chị nói: “Khi đi làm, tôi luôn nghĩ dọn dẹp nhà cho khách cũng như đang dọn dẹp ngôi nhà của mình. Do vậy, tôi không nghĩ gì khác ngoài việc làm thật chu đáo khiến chủ nhà hài lòng để lần sau họ còn gọi mình.
Có lần, tôi thấy chủ nhà để tiền, vàng hớ hênh trên kệ tivi. Tôi không lo lắng hay suy nghĩ và để im chúng ở đó. Khi nhặt được tiền, trang sức trong túi quần áo lúc giặt đồ, tôi thường gom lại rồi đem trả cho chủ. Nếu chủ không có ở nhà, tôi cất vào đâu đó rồi gọi điện báo cho họ sau”.
Sự trung thực của chị Sang giúp khách hàng yên tâm. Họ gọi chị nhiều lần và giới thiệu chị cho bạn bè của mình. Tuy vậy, càng có nhiều khách hàng, chị Sang càng nhận ra rằng, “với nghề này, chỉ trung thực thôi là chưa đủ”.
Chị nhận ra “triết lý” này sau lần vấp phải tình huống dở khóc dở cười. Lần ấy, chị nhận lời đến dọn nhà cho vợ chồng trung niên với mức phí 200.000 đồng/3 giờ đồng hồ vào buổi chiều tối.
Khi chị kết thúc công việc, chuẩn bị ra về thì người chồng của chủ nhà xuất hiện trong tình trạng say khướt. Sau đó, người này nôn ói làm bẩn quần áo, ghế sofa, sàn nhà. Không thể để chủ nhà nằm trên ghế trong tình trạng như vậy, chị cố gắng đưa anh ta về phòng.
Tuy nhiên, lòng tốt của chị bị nữ chủ nhà hiểu lầm. Không trả thêm tiền cho việc chị lau dọn sàn nhà, giặt lại sofa, nữ chủ nhà còn mắng, cho rằng chị Sang có tình ý với chồng của mình.
Chị kể: “Tôi uất ức đến phát khóc. Suy cho cùng, tôi quá thật thà. Thay vì gọi điện báo cho chị ấy, tôi lại lầm lũi làm một mình để rồi bị hiểu lầm. Sự việc khiến tôi lo sợ và từng không muốn đi làm nữa”.
“Sau đó, tôi tự rút ra kinh nghiệm là ngoài trung thực, siêng năng, làm nghề này mình phải biết tự bảo vệ bản thân. Sau này, khi gặp các trường hợp tương tự, tôi chủ động báo lại với vợ, chồng chủ nhà.
Tôi chỉ dọn dẹp lại khi chủ nhà đồng ý trả thêm chi phí phát sinh. Tuy nhiên, tôi thường sẽ đề nghị chủ nhà hoặc một thành viên nào đó trong gia đình đến chăm sóc người say xỉn thì mới tiếp tục làm việc”, chị chia sẻ thêm.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi