Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34,Đềnghịgiữnguyêntiêuchíphânloạidựánquantrọngquốtu le keo chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Không điều chỉnh mức vốn
Tại phiên họp, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10 dự thảo Luật).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và tại Hội nghị đại biểu chuyên trách cho rằng, Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại Điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định.
Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện (cho đến nay chỉ có 2 dự án trình Quốc hội). Do đó, đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia như Luật hiện hành.
Tuy nhiên, Chính phủ và một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ được áp dụng phù hợp trong dài hạn, cần điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng).
Đối với tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì cho rằng không có vướng mắc trong thực hiện.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng để đảm bảo phù hợp với trình độ quản lý, quy mô ngân sách địa phương,… đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án nhóm A, B, C tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành.
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho tiếp thu theo đa số và xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 về nội dung này theo 2 phương án.
Phương án 1: Giữ nguyên tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C.
Phương án 2: Điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng) và điều chỉnh tăng tương ứng đối với dự án nhóm A, B, C.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, thực tế hiện nay, các dự án chưa gặp vướng mắc gì nhiều ở tiêu chí mà vướng ở trình tự, thủ tục, quy trình tổ chức thực hiện.
Nhấn mạnh cả nhiệm kỳ này, Quốc hội có hai dự án quan trọng quốc gia là Sân bay Long Thành và Cao tốc Bắc-Nam phía Đông không vướng gì về quy mô mà do triển khai chậm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật vướng ở đâu sẽ sửa ở đó. Đến giờ, tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia không gặp phải vướng mắc gì. Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay.
Về thời điểm thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, thực tiễn quản lý còn đặt ra nhiều vấn đề lớn, phức tạp. Nhiều nội dung quy định trong dự thảo Luật chưa đủ bao quát, rõ ràng. Dự án Luật có liên quan đến các bộ, ngành, địa phương và còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Do vậy, đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội cho phép áp dụng quy định thông qua tại 3 kỳ họp để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích, Luật này phải giải quyết các vấn đề thực tế. Mấy kỳ họp vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá đầu tư công chậm trễ, trì trệ. Nguyên nhân của tình trạng này là do có một số vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công nhưng quan trọng hơn là khâu tổ chức thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu dự án Luật thông qua tại 3 kỳ họp sẽ không giải quyết vấn đề thực tiễn và các vấn đề tồn đọng từ trước đến nay. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ban soạn thảo nên cố gắng hoàn thiện dự án Luật để thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và không sửa toàn diện mà chỉ sửa những quy định không hợp lý, đang gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Dự kiến, Kỳ họp thứ 7 diễn ra trong 20 ngày
Tại phiên họp chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày, khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 14/6/2019.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nội dung Kỳ họp bổ sung Báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về tình hình và kết quả xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, hai nội dung trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể để bảo đảm lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được giữ nguyên, không lùi sang Kỳ họp thứ 8.
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp, đồng thời đề nghị giữ lượng thời gian như đã dự kiến về một số nội dung: 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn; 0,5 ngày ở hội trường/1 dự án, dự thảo.
Bên cạnh đó, không bố trí thảo luận riêng mà kết hợp thảo luận cùng các vấn đề liên quan đến kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đánh giá về công tác chuẩn bị, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, nhìn chung, các cơ quan đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị các nội dung kỳ họp và sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, phần lớn các tài liệu kỳ họp vẫn chưa được gửi đến đại biểu Quốc hội (chỉ có 5 dự án luật trình Quốc hội thông qua được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội).
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung và gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội để bảo đảm thời gian nghiên cứu trước khi về dự kỳ họp.
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và các kiến nghị của Tổng Thư ký Quốc hội.
Phản ánh về các vấn đề nóng nổi lên trong xã hội thời gian qua như tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng do dùng ma túy, rượu bia; các vụ trọng án về buôn bán ma túy; các vụ giết người nghiêm trọng do sử dụng ma túy đá; tình trạng xâm hại trẻ em.., nhiều đại biểu đề xuất, cần thiết đưa những nội dung này vào chương trình thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 để có hướng giải quyết kịp thời, bởi nếu chờ sửa luật sẽ rất chậm. Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị tăng thời gian phát biểu cho các đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những vấn đề nóng sẽ được đưa vào nội dung gợi ý thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Đối với những vấn đề cấp bách chưa kịp sửa luật, trước mắt sẽ xử lý bằng các Nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan để chuẩn bị tốt cho Kỳ họp sắp tới./.
Theo TTXVN