Dạy học online đã làm phát sinh nhiều tình huống và đặt ra nhiều vấn đề mới. Nhiều bức ảnh và bài báo mô tả cảnh khi giáo viên dạy học qua mạng thì không chỉ có học sinh ngồi trước máy tính học bài mà có khi cả gia đình học sinh đều “tham gia giờ học”.
Tại sao cả nhà lại ngồi xem giáo viên dạy học?ừcảnhàxemconhọconlinenghĩvềmởcửatrườnghọkèo nhà kai Có phải là vì thuần túy mọi người có thời gian rảnh rỗi nên tò mò?
Cảnh một học sinh học trực tuyến, cả nhà ngồi xem. Ảnh: NVCC |
Nếu hỏi phụ huynh và những người “ngồi xem” chắc chắn sẽ có nhiều lý do được đưa ra. Tuy nhiên, với tôi, khi xem các bức ảnh và đọc các bài báo mô tả cảnh tượng này, tôi liên tưởng đến “Jugyo sankan” (tham quang giờ học) và “Kokai jugyo” (giờ học công khai) của Nhật Bản cũng như những vấn đề đặt ra đối với giáo dục trường học ở Việt Nam.
“Tham quan giờ học” và “giờ học công khai”
Khi mới đến Nhật Bản du học để nghiên cứu về giáo dục ở đây, tôi rất ngạc nhiên trước “tham quan giờ học” và “giờ học công khai”, thứ mà tôi chưa từng chứng kiến hay trải nghiệm trước đó ở Việt Nam.
“Tham quan giờ học” là việc các trường học mở cửa cho phép các phụ huynh có thể vào trường, đến tận từng lớp học quan sát các giờ học mà giáo viên đang tiến hành. Đôi khi, nó không chỉ đơn thuần là quan sát các giờ học trên lớp mà phụ huynh còn có thể xem xét tình hình sinh hoạt, học tập của con em mình ở trường thông qua chứng kiến, quan sát việc học sinh sử dụng thư viện, nhà vệ sinh, ăn trưa, dọn vệ sinh trường lớp…
Rất nhiều trường học ở Nhật Bản tiến hành công việc này, coi nó như là một sự kiện của trường học và tiến hành nhiều lần trong năm (phổ biến nhất là hai lần). Tham quan giờ học thông thường được tiến hành ở tất cả các cấp học từ mầm non cho tới trung học phổ thông. Gần đây, một số trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề cũng tiến hành tương tự. Có những trường phổ thông sẽ dành hẳn một tuần trong năm cho công việc này để tạo điều kiện cho phụ huynh có thể quan sát nhiều giờ học khác nhau.
Những giờ học mà phụ huynh có thể quan sát đó gọi là “giờ học công khai”. Vì tính chất công khai của nó cho nên không chỉ phụ huynh có con học ở trường đó, lớp đó mới có thể tham gia mà bất cứ ai là người dân địa phương hay các nhà nghiên cứu nếu có nhu cầu chỉ cần đăng kí với nhà trường đều có thể tham gia. Việc đăng kí là để nhà trường có thông tin hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho học sinh và phân phát tài liệu.
Bản thân tôi khi học ở Nhật Bản đã rất nhiều lần xuống các trường tiểu học và trung học cơ sở quan sát, nghiên cứu các giờ học này. Khác với các giờ dạy kiểu “dự giờ” hay “thao giảng” ở Việt Nam, các giờ học này diễn ra hết sức tự nhiên. Giáo viên và học sinh tiến hành công việc bình thường như thường lệ, người đến xem không được phép ngồi hay có hoạt động gì cản trở giờ học nhưng có thể đứng ở bên ngoài lớp quan sát qua cửa sổ hoặc một số trường hợp có thể đứng trong lớp để quan sát. Không có đánh giá nào liên quan đến giờ học ở đây, ngoại trừ các nhóm nghiên cứu sau đó có thể tổ chức các seminar trao đổi (có hoặc không có sự tham gia của giáo viên dạy tùy từng trường hợp).
Đây là hoạt động đã trở thành “truyền thống” của giáo dục trường học Nhật Bản và quen thuộc với phụ huynh vì thế các trường hầu như đều có lịch về “giờ học công khai” từ rất sớm thậm chí là ngay từ đầu năm.
Suy nghĩ về trường học Việt Nam
Như vậy, từ “tham quan giờ học” và “giờ học công khai” của Nhật Bản ta có thể thấy ở Việt Nam về cơ bản chưa có các sự kiện tương tự.
Ở Việt Nam thông thường chỉ có các tiết học cho phép các giáo viên, đại diện các cơ quan hành chính giáo dục tham gia để đánh giá chất lượng dạy học, để chấm thi giáo viên giỏi hay thực hiện một chuyên đề, đề tài nào đó mà thôi. Trong các sự kiện trường học khác như thi đấu thể thao, văn nghệ thì về cơ bản cũng chỉ có đại diện của hội phụ huynh tham gia. Cơ hội gần như duy nhất để đông đảo phụ huynh tham gia vào sinh hoạt trường học là “họp phụ huynh” nhưng trong trường hợp đó lại hầu như không có sự có mặt của học sinh và giáo viên chủ yếu trao đổi thông tin với phụ huynh hoặc đơn thuần là thông báo các khoản đóng góp, kết quả học tập của học sinh chứ không có thao tác quan sát thực tế giáo dục.
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q1, TP.HCM) là một trong số ít trường học, từ vài năm gần đây, có những giờ học "mở cửa" cho phụ huynh tới quan sát |
Đấy là một hạn chế lớn của giáo dục trường học Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Trong bối cảnh xã hội đang biến đổi không ngừng và thông tin hóa mạnh mẽ, trường học không còn là không gian đóng kín và giáo viên không còn là người cung cấp thông tin độc quyền nữa. Trường học hiện đại sẽ phải chuyển mình từ tình trạng “kín cổng cao tường” sang tính chất khai phóng, rộng mở. Ở đó không chỉ có giáo viên tiến hành các hoạt động giáo dục mà còn phải có sự tham gia của các chuyên gia bên ngoài (dạy chuyên đề, tổ chức hội thảo, seminar cho phụ huynh, giáo viên, đào tạo giáo viên, trực tiếp huấn luyện học sinh các kĩ năng đặc biệt), của phụ huynh học sinh (dã ngoại, văn nghệ, thể thao, hội thảo, phối hợp giáo dục thường xuyên).
Từ trước đến nay, như một truyền thống và có lẽ cũng là do sự lạc hậu của lý luận, cơ hội cho phụ huynh Việt Nam được trực tiếp trải nghiệm, quan sát giờ học của con ở trường và các hoạt động giáo dục khác là hiếm hoi.
Hiện tượng “cả nhà ngồi xem giáo viên dạy” khi học sinh học online nói trên vì thế có tính biểu tượng rất cao. Nó gợi ra cho những người làm giáo dục ở Việt Nam nhiều thứ đáng suy ngẫm. Khi xã hội biến chuyển nhanh và khái niệm trường học mở rộng biên độ, cơ hội học tập của cá nhân đặc biệt là người lớn trở nên phong phú (học qua mạng, qua đài phát thanh, truyền hình, học trong thực tế, du học…), trường học và giáo viên rất dễ bị tụt hậu so với xã hội.
“Mở cửa trường học” là tất yếu và cần thiết để trường học thoát ra khỏi tình trạng ấy. Ngoài ra, bằng cách “mở cửa” trường học còn có cơ hội lớn để gắn kết với xã hội địa phương, tận dụng nguồn lực của xã hội địa phương cho sự phát triển của mình đồng thời đóng góp vào sự phát triển của địa phương trong vai trò là trung tâm thông tin, giáo dục và văn hóa.
Nguyễn Quốc Vương
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường THCS, THPT và đại học đã tổ chức dạy học trực tuyến. Cũng chính từ đây, những màn pha trò hay sự cố hy hữu của cả giáo viên và học sinh vô tình được ghi lại.