Hôm qua (14-7),ậptrungcácgiảipháppháttriểnkinhtếti so fiorentina tại kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình các ý kiến đóng góp của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và một số giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2017.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giải trình các ý kiến đóng góp của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: XUÂN THI
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công
Giải trình về công tác chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết xác định đầu tư kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy cho sự phát triển của tỉnh. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong quản lý đầu tư, kết quả tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2011-2015 đều đạt xấp xỉ 100% kế hoạch, năm 2016 đạt 95% kế hoạch. Tuy nhiên, trong năm 2017 (đến ngày 30-6), tổng giá trị khối lượng thực hiện là 2.000 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch và giải ngân vốn là 1.625 tỷ đồng, đạt 22,7% kế hoạch. Nhìn chung, tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch năm.
Lý giải vấn đề này, ông Trần Thanh Liêm đã nhấn mạnh các nguyên nhân chính, như: Việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư, đấu thầu, xây dựng, đất đai mới thì trình tự, thủ tục trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư có nhiều bất cập và tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án chưa kịp thời... Về vấn đề này, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công. Tỉnh đã kịp thời ban hành Chỉ thị 07 với 9 giải pháp về đẩy nhanh tiến độ và triển khai một số nội dung trong công tác đầu tư công. Bên cạnh đó, trên phạm vi cả nước, tình hình giải ngân vốn đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vẫn thấp so với yêu cầu, đến ngày 30-6 cả nước đạt 25,6% kế hoạch; Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư, đấu thầu, nhanh chóng thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán để giải ngân vốn đầu tư.
Năm 2016, vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 72.829 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 5.748 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,83%. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 29.883 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ khoảng 7% so với tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Về mục tiêu đầu tư, vốn đầu tư công được ưu tiên bố trí cho các dự án, công trình bức xúc, trọng điểm thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách Nhà nước và các dự án, công trình không thể hoặc khó thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh các tồn tại, hạn chế nêu trên; kịp thời triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn về đầu tư công nhằm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2017 và giai đoạn 2016-2020.
Tăng cường giải quyết nợ đọng thuế, hỗ trợ nông nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết ước thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 23.000 tỷ đồng, đạt 50% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ. Song, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, theo báo cáo ước đến cuối tháng 5 tổng nợ đọng thuế là 2.551 tỷ đồng, bằng 7,4% dự toán thu. Tuy nhiên, thực tế đến 31-5-2017 bằng nhiều biện pháp đôn đốc thu, cưỡng chế nợ thuế, tổng nợ giảm xuống còn 2.494 tỷ đồng, bằng 7,2% dự toán, đã giảm 560 tỷ đồng so với tháng trước. Hiện nay, cả nước số nợ thuế là 75.500 tỷ đồng, chiếm 8,1% dự toán.
Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành thuế thực hiện đầy đủ quy trình quản lý nợ, xử lý nợ thuế theo quy định, xây dựng kế hoạch thu nợ, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện; phân loại và có giải pháp thu hồi nợ cụ thể theo từng trường hợp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển sản xuất và có nguồn thu ổn định thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Đối với vấn đề quy hoạch phát triển các loại cây trồng; áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào trồng trọt và dự báo tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là cây có múi, ông Trần Thanh Liêm cho biết những năm qua, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các chính sách do Trung ương ban hành, tỉnh cũng ban hành 7 chính sách khuyến khích trên lĩnh vực nông nghiệp; các chính sách đã mang lại hiệu quả, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị; duy trì tốc độ tăng trưởng và giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011-2016 tăng bình quân 4%/năm.
Quan tâm các lĩnh vực văn hóa - xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giải trình các vấn đề về lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đối với việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành y tế và bảo hiểm xã hội tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu từ các bệnh viện tuyến trên; nâng cao trách nhiệm, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế; có giải pháp về công nghệ, quy trình để tiết kiệm thời gian cho người khám chữa bệnh. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHYT và tự giác tham gia; mở rộng chính sách hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT cho các đối tượng; đồng thời nâng cao vai trò các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ BHYT, không để tồn tại các hạn chế xảy ra.
Về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay thời gian qua, tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm từng đơn vị hành chính các cấp có trường học phù hợp; giải quyết ổn định việc thu nhận và bố trí học sinh đáp ứng cơ bản được nhu cầu học tập cho con em trên địa bàn. Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhanh với tốc độ phát triển công nghiệp mạnh, nên hàng năm tỉnh đã thu hút một lượng lớn lao động ngoài tỉnh, kéo theo đó con em người lao động cũng gia tăng, tạo ra sức ép rất lớn về gia tăng số lượng học sinh (khoảng 28.000 học sinh/năm học), dẫn đến tình trạng còn nhiều trường tiểu học, THCS có số lớp tăng quá quy mô cho phép, nhất là ở khu vực TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một. Ngành giáo dục và các địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực để giải quyết đủ chỗ học cho con em qua từng năm học.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, trong năm 2016 tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục báo cáo chuyên đề. Qua đó, tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với các ngành, địa phương chủ động phân tích tình hình biến động dân số, dự báo quy mô học sinh từng năm học; lập danh mục trường học ưu tiên đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2020 gắn với lộ trình bố trí vốn mua sắm trang thiết bị hợp lý; đồng thời tích cực mời gọi xã hội hóa giáo dục góp phần giảm áp lực cho các địa phương có nhu cầu cao về trường lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh.
Tăng cường giải pháp phát triển bền vững
Trình bày các giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, UBND tỉnh xây dựng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2017, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2017 như trong báo cáo trình bày tại kỳ họp. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. UBND tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan đến việc triển khai dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng chung đến kế hoạch đầu tư công của tỉnh.
Cùng với đó là thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể là tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để đẩy mạnh thu hút vốn trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn theo đúng định hướng của tỉnh và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; xử lý theo pháp luật các trường hợp gây khó khăn, nhũng nhiễu. UBND tỉnh duy trì tổ chức các hội nghị, chương trình tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để lắng nghe kiến nghị, phản ánh của các nhà đầu tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành tài chính - ngân sách Nhà nước.
Ngoài các giải pháp chung trong báo cáo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu các giải pháp tập trung phát triển đô thị, nông thôn gắn với hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển đô thị, thu hút vốn phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đề án xây dựng đô thị thông minh; tập trung thực hiện công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật của tỉnh; thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát các dự án khu dân cư, nhà ở; kiên quyết không để tái diễn tình trạng phân lô bán nền trái quy định...
NHÓM P.V CHÍNH TRỊ