- Suốt 6 năm ròng, mỗi lần đi ra ngoài, chị Lan phải lấy giẻ nhét vào ngực, làm gì cũng gượng gạo, không dám cử động mạnh. Ở tuổi 43, chị Nguyễn Thị Lan, Hà Nội già hơn tuổi thật rất nhiều. Suốt 6 năm qua, chị luôn sống trong mặc cảm, tâm lý ảnh hưởng nặng nề do bên ngực phải đã bị cắt vĩnh viễn sau điều trị ung thư vú. Kể từ khi diện mạo không còn hoàn chỉnh, dù bác sĩ ung thư nói chị có thể an tâm, giai đoạn này không lo bệnh tái phátnhưng chị vẫn thường thở dài mỗi khi tự ngắm mình trong gương. Dần dần, chị ngại giao tiếp, ngại đến chốn đông người, chỉ muốn quẩn quanh ở nhà, không còn tha thiết với bất cứ thứ gì. Thậm chí ngay cả chuyện quan hệ với chồng cũng trở nên khó khăn vì chị không vượt qua được mặc cảm khiếm khuyết của bản thân. | Hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật tái tạo vú cho bệnh nhân Lan |
Chị Lan kể, khủng khiếp nhất là mỗi khi phải ra ngoài. Chị mất hàng giờ để chỉnh trang, phải tìm giẻ nhét vào ngực phải, phải mặc áo lót thật chặt để “ngực giả” không bị xộc xệch hay rớt trước chốn đông người.
“Khổ nhất là khi trời nóng bức, thử tưởng tượng trên ngực mình có một đống giẻ được nịt chặt sẽ khó chịu, bức bối thế nào. Chưa kể cứ lúc lúc phải lo kéo lại áo xống, đi lại gượng gạo và lúc nào cũng căng thẳng sợ bị mọi người phát hiện”, chị Lan chia sẻ. Mới đây, nhờ người quen giới thiệu, chị Lan tìm đến khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Xanh Pôn để tư vấn, mong có thể tạo hình lại vòng 1 giúp chị tự tin hơn. TS Phạm Thị Việt Dung, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết, trường hợp của chị Lan là một trong những ca tạo hình vòng 1 phức tạp nhất do toàn bộ tuyến vú đã bị cắt bỏ, da vú còn lại mỏng, có sẹo lớn giữa ngực lại xơ cứng do xạ trị, không có khả năng áp dụng các kỹ thuật tái tạo vú đơn giản. Trong khi đó vú còn lại cũng teo nhẽo, nhăn nhúm. Sau hội chẩn, GS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ quyết định phẫu thuật tạo hình lại ngực phải bằng vạt da mỡ lấy từ thành bụng và đặt túi độn cho ngực trái để 2 bên đều nhau. Cuộc sống mới cho những bệnh nhân ung thư vú Tái tạo vú bằng vạt da và mỡ lấy từ bụng dưới là kĩ thuật hiện đại được chỉ định cho những trường hợp da tại chỗ không còn đủ điều kiện để áp dụng các kĩ thuật tái tạo vú thông thường. Với kĩ thuật này, phẫu thuật viên sẽ lấy toàn bộ da và mỡ vùng bụng dưới rốn chuyển đến vị trí vú bị khuyết. Phần vạt da mỡ này sau đó sẽ được cắt bớt, xoay, chuyển, gập lại... để tạo thành bầu vú sao cho giống bên lành nhất. Mạch máu của vạt da mỡ cũng được phẫu tích, nối với mạch máu ở thành ngực để nuôi sống vú mới. Thành bụng nơi lấy vạt da mỡ bụng được tái tạo lại giống như phẫu thuật thẩm mỹ lấy mỡ bụng. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, kĩ thuật xử lý các vạt da, kỹ năng phẫu tích và nối mạch rất nhỏ dưới kính hiển vi… Do đó đến nay mới chỉ có vài trung tâm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ lớn trên cả nước làm được. Sau mổ 1 tuần, chị Lan vô cùng hạnh phúc khi được xuất viện với diện mạo mới. Bác sĩ hẹn chị 3-6 tháng tới quay lại để tạo hình quầng núm vú. TS Dung chia sẻ, những bệnh nhân bị cắt vú sau điều trị ung thư thường bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề, mỗi khi nhìn vào vết sẹo sẽ gợi lại rằng mình đang mắc bệnh khiến chất lượng cuộc sống ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên có rất ít người biết đến phẫu thuật tạo hình để thay đổi cuộc sống. Theo TS Dung, ngày nay các bác sĩ phẫu thuật tạo hình có thể thực hiện nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo hình vú sau cắt bỏ vú do ung thư như lấy vạt da cơ vùng lưng, đặt túi độn ngực, giãn da sau đó đặt túi độn ngực, ghép mỡ tự thân...tùy vào mức độ tổn thương của da, tuyến và cơ nơi cắt bỏ vú. Chi phí cho mỗi ca phẫu thuật tái tạo vú khoảng 50-70 triệu đồng. *Tên bệnh nhân đã được thay đổi. Thúy Hạnh Người phụ nữ lệch người vì ngực dài quá rốn, nặng kỷ lục 9kgBầu ngực phải quá lớn khiến bà Tuyết đi lệch hẳn một bên, thậm chí đêm không thể nằm ngủ vì khó thở. |