Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hành ESG Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã công bố loạt cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, bao quát toàn bộ ba khía cạnh của ESG - Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Thông qua việc đưa ra các chính sách và quy định liên quan, Chính phủ Việt Nam hướng tới khuyến khích các doanh nghiệp đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc đạt được mục tiêu cam kết quốc gia với ESG. Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 do PwC Việt Nam và Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) phối hợp thực hiện, 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hành động hoặc đang lên kế hoạch thực hành ESG trong 2 đến 4 năm tới. Động lực để các doanh nghiệp làm điều này phần lớn xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, người lao động và tác động từ các nhà đầu tư. Cụ thể, các yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp triển khai ESG bao gồm: Cải thiện hình ảnh thương hiệu và uy tín (82%), duy trì cạnh tranh trên thị trường (68%), thu hút và giữ chân nhân tài (42%), áp lực từ nhà đầu tư và cổ đông/Chính phủ (37%-40%). Có thể thấy, mặc dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam, những tiêu chuẩn ESG được xem là chìa khóa để phát triển mạnh mẽ và bền vững trong mọi lĩnh vực. Hành trình hiện thực hóa các cam kết phát triển bền vững Cam kết là chưa đủ, việc hiểu rõ bản chất và quy trình triển khai ESG cũng như kế hoạch hành động cụ thể là yếu tố tiên quyết để hiện thực hóa những mục tiêu của ESG. Tiếp cận từ góc độ doanh nghiệp, quy trình xây dựng mô hình ESG sẽ theo thứ tự G-S-E, vai trò của lãnh đạo và hoạt động quản trị doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu. Tiên phong triển khai các hoạt động phát triển bền vững trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng tại Việt Nam từ năm 2013, mới đây, Ngân hàng ACB đã phát hành Báo cáo Phát triển bền vững 2022, trở thành ngân hàng tiên phong tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững (ESG). Hướng đến ESG, hay “Net-Zero” (phát thải ròng bằng 0), ACB đã bắt đầu những thay đổi nhỏ trong nội bộ. Cụ thể như thúc đẩy chuyển đổi số để giảm thiểu tối đa việc sử dụng giấy, thay thế ly nhựa một lần bằng ly giấy hoặc loại bỏ chai nhựa khi tiếp khách, sử dụng thảm tái chế từ lưới đánh cá trong Chương trình Thảm trung hòa carbon (The Carbon Neutral Floors)... Nói về những nỗ lực thay đổi từ “con số 0” này, chủ tịch ACB Trần Hùng Huy chia sẻ: “Đó là cả một quá trình đầu tư và tôi cũng nhận những phản hồi không đồng thuận. Tôi thấy cần phân tích cho mọi người thấy những gì mình làm sẽ được hoàn trả như thế nào. Và đó là cả một quá trình”. Mục tiêu dài hạn và tầm nhìn của ACB Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy giá trị của việc triển khai chương trình ESG, đồng thời bắt đầu đẩy mạnh các chương trình hành động, tuy nhiên vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và kết quả thực tế. Lãnh đạo doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc định hướng và đảm bảo ưu tiên thực hiện các cam kết ESG. Khi được hỏi lý do vì sao ACB lại lựa chọn ESG, chủ tịch Trần Hùng Huy khẳng định: “Tôi tin tưởng ACB là một doanh nghiệp trường tồn. Không chỉ 5-10 năm mà là hàng trăm năm. Và để trường tồn thì môi trường là mấu chốt và tôi muốn làm đáp án chứ không phải là vấn đề”. Ngân hàng ACB đã cung cấp các khóa học về môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải để nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi của nhân viên đối với các vấn đề môi trường. Điều đặc biệt ở ngân hàng này là văn hóa bình đẳng giới khi số lượng lãnh đạo nữ ở ACB là 49%. Theo đại diện ACB, trước những cơ hội và thách thực mà ESG mang tới cho doanh nghiệp, cam kết cụ thể và hành động thực tế chính là nền tảng để doanh nghiệp tạo ra những thay đổi đột phá và góp phần kiến tạo những giá trị hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Bạch Hân và nhóm PV, BTV |