Steve Jobs và Steve Wozniak thường được nhắc đến như bộ đôi sáng lập Apple. Thực tế,ĐồngsánglậpApplebỏlỡkhốitàisảntỷkq cup uc khi công ty thành lập còn một nhà đồng sáng lập thứ ba, nhưng ông đã bán 10% cổ phần của Apple chỉ sau chưa đầy 2 tuần. Ngày 1/4/1976, Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne, người đồng nghiệp của họ tại Atari, đã cùng nhau thành lập Apple. Họ ký hợp đồng hợp tác với nhau, trong đó dành 90% cổ phần của hãng chia đều cho Jobs và Wozniak. Người kết nối Jobs và Wozniak Ronald Wayne giữ 10% cổ phần còn lại và đóng vai trò là người đứng giữa, giải quyết xung đột giữa Jobs và Wozniak. Ông còn là người thiết kế logo đầu tiên của Apple, nhưng nó đã bị thay thế sang biểu tượng hình quả táo cắn dở chỉ trong vòng 1 năm sau.
Theo lời kể của Wayne, Wozniak là một thiên tài về chế tạo, nhưng không hề có chút khái niệm nào về kinh doanh. Mọi thứ ông làm chỉ như để thỏa mãn sở thích. Steve Jobs, chuyên gia bán hàng nhận thấy tiềm năng và muốn thương mại hóa sản phẩm của Wozniak, nhưng không biết cách thuyết phục người bạn của mình. "Jobs nghĩ rằng tôi có khả năng ngoại giao tốt hơn cậu ấy", Wayne kể lại. Chỉ sau một cuộc họp 3 người kéo dài 45 phút, Wayne đã thuyết phục được Wozniak. "Đó là lúc Steve Jobs nói: 'Được rồi, chúng ta sẽ thành lập công ty. Nó sẽ có tên Apple Computer'", đồng sáng lập Apple kể lại với BBC. Wayne là người soạn ra bản thảo hợp đồng giữa 3 người. Wozniak khi đó cảm thấy kinh ngạc khi vị đồng nghiệp lớn tuổi có thể soạn văn bản pháp lý hoàn toàn từ trí nhớ của mình mà không cần tra cứu gì. Không hối tiếc Tuy nhiên, chỉ 12 ngày ngắn ngủi sau khi thành lập Apple, ông quyết định rời khỏi công ty. Mặc dù cho rằng Apple "sẽ đạt được nhiều thành công rực rỡ”, như chia sẻ trong bài phỏng vấn với BBC, Wayne cũng nhận thức rõ thách thức của một doanh nghiệp non trẻ. Ông lo ngại về cái giá mình phải trả khi công ty gặp thất bại, đặc biệt là sau vụ thua lỗ của doanh nghiệp máy đánh bạc (slot machine) khiến ông rơi vào cảnh nghèo túng suốt 2 năm ròng. Lúc bấy giờ, Jobs và Wozniak chỉ mới 20 tuổi và hoàn toàn trắng tay nhưng Wayne đã bước sang tuổi 40. Ông có nhà, có xe, có tiền và phải chăm lo cho gia đình. Steve Jobs đã đi vay 15.000 USD để mua vật tư cần thiết cho hợp đồng bán máy tính đầu tiên với The Byte Shop. Tuy nhiên, theo Wayne, công ty này vốn đã có tiếng xấu trong việc quỵt nợ. Do đó, ông lo ngại mình sẽ trở thành người phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu số tiền 15.000 USD không cánh mà bay. “Tôi đã lớn tuổi còn 2 người bọn họ như những cơn lốc. Tôi như bước vào tình thế khó khăn, không thể theo kịp bọn họ”, ông tâm sự. Sau đó, Wayne rút khỏi công ty và bán số cổ phiếu của mình với giá 1.500 USD.
Theo INC, sau những đợt pha loãng vốn và IPO, lượng 10% cổ phần ban đầu của Wayne sẽ tương đương 2,5% ở thời điểm hiện tại. Với giá trị vốn hóa thị trường Apple đạt gần 3.000 tỷ USD, Wayne đã có thể sở hữu tới 75 tỷ USD. Dù vậy, Wayne thường cho biết ông không hối hận về quyết định của mình. “Là một kỹ sư phát triển phần mềm, tôi không thể tưởng tượng viễn cảnh phải làm nhân viên văn phòng suốt ngày vật lộn với đống giấy tờ trong 20 năm tới”, ông chia sẻ với NextShark. Theo Wayne, máy tính cũng không phải là lĩnh vực yêu thích của ông. Trong căn nhà của Wayne còn chẳng có sản phẩm Apple nào. Khi đó, ông có niềm đam mê với máy đánh bạc. Chia sẻ với Motherboard, ông cũng cho rằng mình sẽ không bao giờ theo đuổi được sở thích của mình nếu làm việc ở Apple. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Đó đã là quyết định tốt nhất tôi có thể đưa ra lúc ấy. Tôi không có nhiều đóng góp nhiều cho công ty nên đôi khi còn cảm thấy như mình đang bị lừa”, ông bộc bạch trong cuốn sách Apple Confidential: The Real Story of Apple Computer, Inc. Ở độ tuổi 80, Wayne hiện đã nghỉ hưu và sống bằng trợ cấp an sinh xã hội. Nếu có điều gì hối tiếc, Wayne cho biết đó là quyết định bán đi bản gốc thỏa thuận giữa 3 nhà đồng sáng lập Apple với giá 500 USD. Năm 2011, văn bản đó được trả giá tới 1,6 triệu USD trong một cuộc đấu giá. (Theo Zing) |