Hôm nay là ngày giỗ đầu của mẹ,ảmđộngchuyệncondâunămchămmẹchồngbệnhnặkqbd vdqg duc khách khứa đã về hết, em và con gái đang rửa chén dọn dẹp ở nhà dưới, mình anh trên này sửa soạn lại chiếc khăn bàn, cắm thêm cho mẹ cây nhang… Mùi hương trầm thoang thoảng, anh nhìn lên ảnh mẹ.
Mẹ cười hiền từ nhìn anh như muốn nói: “Mẹ cám ơn các con nhiều lắm”. Anh dành hết lời cám ơn này cho em, con dâu của mẹ, người mẹ của hai đứa con ngoan của anh.
Ngày trước, em là cô giáo, anh là lính biên phòng, quen nhau trong một lần em đưa học sinh ra chơi đảo. Biết em quen anh, ba mẹ em không hài lòng. Làm sao không lo lắng cho được khi em là con gái cưng duy nhất trong gia đình có bốn anh em trai, làm vợ lính biên phòng một năm chỉ có mười mấy ngày phép, vò võ một mình nuôi con là điều tất yếu. Vượt qua mọi trở ngại, em về làm dâu nhà anh năm hai mươi bốn tuổi. Cưới xong, ở bên nhau đúng một kỳ nghỉ phép anh trở về đơn vị. Một, hai chủ nhật đi công tác về thành phố mới có dịp tạt qua nhà, anh như người khách đến thăm gia đình người quen.
Vợ hiền dâu thảo |
Hai năm sau, đứa con trai đầu lòng ra đời cũng là lúc mẹ bệnh nặng, phải nằm một chỗ. Em loay hoay vừa việc trường vừa việc nhà. Được một thời gian ngắn, không ai chăm sóc bà, em phải nghỉ dạy, mở quán buôn bán lặt vặt trước nhà. Cuộc sống khó khăn hơn khi con gái ra đời. Một nách hai con, em vừa buôn bán, vừa trồng rau, vừa chăm mẹ ốm. Em bắt đầu một ngày từ bốn giờ sáng, ra vườn tưới rau, cắt rau, sắp vào giỏ cho người ta đến lấy. Sáu giờ, em quay vào nhà dọn dẹp, lau rửa cho bà rồi cho các con ăn sáng. Xong đâu đó, khi các con đến trường, em mở cửa quán.
Một ngày của em không có một phút ngơi tay, vừa bón cho bà miếng nước xong, là chạy vội ra quán bán cho khách cục xà bông, cái trứng, củ hành; lại quay vào đảo nồi cơm vừa chín hay bỏ rau vào nồi canh, rồi lại chăm sóc, tắm rửa cho bà … Tối xong công việc, em vừa ngồi bà bóp tay, bóp chân, xoay trở cho bà vừa chỉ bảo các con học. Mọi việc được em sắp xếp đâu ra đó, gọn gàng, hợp lý. Không đêm nào em ngủ được trọn giấc. Bà rên khẽ một tiếng là đã có em bên cạnh, bà mất ngủ em cũng mất ngủ theo. Nhờ có em chăm sóc chu đáo nên trông bà luôn hồng hào, tươi tắn và sạch sẽ.
Những ngày chủ nhật có dịp về nhà, anh cũng chỉ phụ được em việc tưới vườn rau hay đánh lại luống cho thẳng hàng. Hàng xóm láng giềng nếu không biết, nhìn vào cứ nghĩ em là con gái, anh là con rể. Bạn bè của mẹ đến nhà chơi đều khen mẹ có được con dâu còn hơn con gái. Những lúc ấy, mẹ nhìn em chan chứa yêu thương: “Con gái của tôi đó chớ!”.
Một năm, hai năm rồi mười năm lặng lẽ trôi qua lúc nào không hay. Bằng ấy công việc nhưng tần suất làm việc tăng thêm khi bệnh bà ngày một trở nặng. Bà khó tính hơn, kêu một tiếng, em chưa kịp đến là bà giận, khóc, trách em bỏ bà một mình. Các con càng lớn cần phải có tiền để ăn học, lương bộ đội của anh chỉ là phụ vào thuốc thang cho bà, tiền học cho con. Mười năm em không biết một cái áo đẹp. Tối mặt từ nhà ra ngõ, con đường em đi xa lắm là chỉ đến trường họp phụ huynh cho con hay đến nhà thầy cô giáo. Thế nhưng, chưa lúc nào thấy em nhăn nhó hay có một tiếng than van.
Ngày con trai nhận giấy báo vào đại học, bà nhắm mắt xuôi tay. Mười tám năm đã quen với nhịp điệu làm việc như vậy, giờ không còn bà, em lại thấy hẫng. Những lần điện thọai ra đảo cho anh em đều nói: “Bà đi rồi, con trai đi học xa, nhà vắng quá. Nhiều đêm không ngủ được, em có cảm giác như vẫn có tiếng bà gọi khẽ: Má thằng Tâm ơi, cho bà miếng nước”. Anh nghe mà nghẹn ngào thương em.
Hai mươi mốt năm làm vợ, mười tám năm tối mặt lo cho mẹ chồng, giờ em mới được thảnh thơi đôi chút. Thế nhưng, những lúc rảnh rỗi, ngồi buồn em lại nói: “Hồi còn bà có người tâm sự tỉ tê, hay nói chuyện, bà mất đi nhà sao vắng quá!”.
Ôi, em đúng là con gái của mẹ tôi.
Theo PNO