Một người máy đóng vai trò lễ tân tại một khách sạn ở Tokyo. Nguồn: japantimes. |
Trong cuốn AI chuyện chưa kể - cuốn sách dành cho những người không phải là chuyên gia về công nghệ AI đang có băn khoăn, lo lắng, nghi ngờ về lĩnh vực này - tác giả Tomoe Ishizumi đã đưa ra những quan điểm của mình về công việc của con người trong thời đại AI.
Tomoe Ishizumi hiện là Giám đốc điều hành kiêm nhà thiết kế của một công ty kinh doanh AI có trụ sở tại Thung lũng Silicon. Cô đã xây dựng và tư vấn cho hơn 50 công ty Nhật Bản về ứng dụng AI. Từ kinh nghiệm thực tế này, cô đã nhìn ra thách thức chung trong kinh doanh của các công ty Nhật Bản đó chính là sự thiếu nhận thức về AI.
Cô cho biết ở Nhật Bản, tin tức về AI được đưa lên thời sự hầu như mỗi ngày. Mặc dù vậy, có ít trường hợp có thể giải thích một cách hợp lý về tình hình thực tế công việc và cuộc sống của chúng ta thay đổi ra sao nếu sử dụng AI. Do đó, ở quốc gia này, vẫn còn tồn tại những lo lắng mơ hồ về AI như: “AI là thứ mà tôi không hiểu”, “AI là công nghệ có thể cướp mất công việc của con người”.
Theo Tomoe Ishizumi quan điểm “AI cướp mất công việc” của người Nhật là một trong những tác động tiêu cực của việc nhân cách hóa, thần thánh hóa chúng quá mức.
Nhiều người ở quốc gia này hay đánh đồng AI với một thứ robot gì đó. Đặc biệt, có nhiều trường hợp còn nhân hóa thiết bị đầu ra của AI để mọi người nhìn thấy được (thứ có khả năng nói chuyện hoặc thực hiện các động tác giống như người). Có lẽ người ta nghĩ cách làm này khiến hình ảnh của AI dễ dàng tiếp cận mọi người hơn.
Bên cạnh việc nhân hóa AI, có không ít người còn thần thánh hóa AI quá mức khi cho rằng AI là một tồn tại vạn năng có thể làm tất cả mọi việc. Chẳng hạn như coi AI có thể tầm soát được ung thư cổ tử cung…
Tuy nhiên, theo Tomoe Ishizumi, AI chỉ là một thuật ngữ dùng chung cho các lĩnh vực học thuật công nghệ tiêu biểu như máy học, và không phải tồn tại một hình dáng cụ thể. Lĩnh vực robot thường được xem là một phần của AI xét theo trường nghĩa rộng, tuy nhiên, dù trong trường hợp nào AI cũng không tương đương với robot.
Cũng theo Tomoe Ishizumi, AI cũng chỉ là một công cụ như lửa, điện hay Internet và nó sẽ thành cơ sở hạ tầng trong tương lai gần. Ở thung lũng Silicon, người ta cho rằng xem AI là công cụ tối ưu không hơn không kém. Người ta cho rằng thích nghi với môi trường mới, áp dụng AI thành thạo như sử dụng email hay điện thoại thông minh làm cho công việc trở nên thuận tiện hơn, mang lại nhiều hiệu quả và tiết kiệm sức lao động hơn.
SáchAI chuyện chưa kể.Ảnh: M.C. |
Tomoe Ishizumi cho biết khác với những suy nghĩ có phần tiêu cực của một số người ở Nhật Bản như “Con người sẽ bị AI lấy công việc", “Những người không còn vai trò sẽ thất nghiệp”…, ở nhiều quốc gia như Mỹ lại mang quan điểm khác như: “Con người không cần làm công việc mà có thể giao phó cho AI”, “Con người có thể thử thách những công việc sáng tạo hơn”…
Điều này cũng lý giải phần nào lĩnh vực kinh doanh AI của Nhật Bản còn một khoảng cách mới Mỹ. Và khoảng cách đó càng lớn thì quốc gia này càng mất đi sức cạnh tranh với các nước có nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực AI.
Theo Tomoe Ishizumi, có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Vậy ứng dụng AI sẽ đổi công việc của con người như thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, tác giả sách đã đưa một ví dụ thực tế tại một công ty Nhật đã đã tiến hành việc ứng dụng AI.
Yêu cầu của công ty này là tối ưu hóa lịch trình vận chuyển xe tải bằng AI. Trước đó, các nhân viên điều phối phải dành một vài giờ mỗi ngày để phân loại hàng hóa, lên lịch điều động xe tải đến địa điểm giao hàng.
Đơn vị xây dựng và tư vấn AI cho công này đã đào tạo AI điều phối xe thông qua cách làm của các nhân viên nói trên. Kết quả là một mô hình AI sử dụng điều phối xe được áp dụng. Nhưng khi quyết định áp dụng mô hình này, đơn vị xây dựng và tư vấn AI đã không quên những lời điều phối xe đã hỏi trước đó: “Công việc của tôi sau này thế nào đây”.
Và câu trả lời là công việc của người nhân viên điều phối xe không hề mất đi. Thay vì bị mất công việc, vị trí người nhân viên này là ổn định nhất khi hệ thống điều phối xe được áp dụng. Bởi từ bây giờ anh ta phải tích cực làm việc như một huấn luyện viên AI. Kiến thức của anh ta là rất quan trọng để triển khai mô hình AI trong công ty.
Ngoài việc cho biết AI sẽ không cướp đi việc làm của con người, tác giả Tomoe Ishizumi còn khẳng định AI sẽ tạo ra được nhiều công việc chưa từng có trước đây, và nghề nghiệp sẽ tăng lên trong thời đại AI.
Một trong số đó là công việc “huấn luyện AI” giống như người điều phối xe nói trên. Huấn luyện AI là công việc dạy cho hệ thống AI cách hành động như ngôn ngữ, hành vi của con người và sự tinh tế trong tương tác của con người.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều công việc mới sẽ xuất hiện trong quá trình xúc tiến dự án chuyển đổi AI. Thậm chí, ở cấp độ cao nhất của chế độ tự động hóa bằng Ai, cũng có nhiều việc do con người đảm nhận, chẳng hạn như giám sát, điều chỉnh và cải thiện AI trong các giai đoạn tiếp theo.
Từ những chia sẻ trên, tác giả cho rằng thời đại sắp tới đây không phải là thời đại con người bị AI cướp công việc, mà là thời đại của nhóm người sử dụng AI để làm việc tốt hơn và thăng tiến hơn trong sự nghiệp so với nhóm người không thể làm được như vậy.
Tác giả cũng cho rằng ngay từ bây giờ chúng ta hãy suy nghĩ đến những kỹ năng cần cải thiện và hình dung về các ngành nghề sẽ tăng dần lên trong thời đại AI. Đồng thời chúng ta cần biến những lo lắng thành động lực và thiết kế cho mình một lộ trình sự nghiệp của bản thân.