Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sáng nay (23-11) “nóng” với vấn đề Vinashin. Nhiều đại biểu Quốc hội “không hiểu nổi” vì sao Bộ Tài chính đã phát hiện sai phạm với 11 kiến nghị xử lý từ năm 2008,ụVinashinBộTàichínhđãlàmtròntráchnhiệkqbd belarus nhưng rốt cục, Vinashin vẫn có hồi kết như bây giờ.>>>Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính>>> Người dân quan tâm đến bình ổn giá
‘Vốn trong Vinashin vẫn còn’
Dù các cá nhân lãnh đạo Tập đoàn Vinashin có sai phạm đã phải đứng trước vòng lao lý nhưng câu hỏi “ai chịu trách nhiệm” về sự đổ vỡ của Vinashin vẫn còn bỏ ngỏ.
ĐB Đặng Như Lợi nói: “Tổng tài sản của Vinashin trên giấy tờ gần 105.000 tỷ đồng, nhưng với việc mua tàu, ca nô cũ như báo cáo thì giá trị thực tế của Vinasshin còn bao nhiêu?”.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tại phiên chất vấn sáng nay
Theo ông Lợi, xét về qui chế giám sát đánh giá hiệu quả của DNNN, thì tình hình tài chính của Vinasshin phải có trách nhiệm phần lớn của Bộ trưởng Tài chính.
ĐB Đồng Hữu Mạo (TT-Huế) liệt kê: “Vinashin có nhiều sai phạm trong cả mua sắm tài sản, việc đầu tư sử dụng vốn, kém hiệu quả. Ví dụ, mua tàu Bạch Đằng Giang không rõ lai lịch, mua tới 9 tàu có giá hơn 3.000 tỷ đồng mà không sử dụng được, quá hạn tuổi, đến nỗi không đăng ký được ở Việt Nam, phải treo cờ nước ngoài… ”.
“Vậy, vai trò của các Bộ Tài chính, GTVT, KHĐT quản lý đối với Vinashin là như thế nào? Các bộ không phát hiện ra sai phạm hay phát hiện mà không làm gì được?”.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay, trong món nợ 86.000 tỷ đồng, hiện đã hình thành các dự án, nhà máy. Trong đó, có nhà máy đã đi vào hoạt động, có dự án chưa hoàn thành, nên phải chờ sau thanh tra, kiểm toán xong thì mới biết Vinashin còn giá trị thực là bao nhiêu.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính cho hay: “Việc huy động vốn của Vinashin, mua tàu cũ, không dùng được… tôi không nói là không mất vốn chủ sở hữu nhà nước tại Tập đoàn này. Tôi nói là sẽ có mất, nhưng chắc chắn là không mất hết”.
Trước câu hỏi về trách nhiệm cụ thể của ông Mạo, Bộ trưởng Ninh dành thời gian lớn để diễn giải về “quá trình thanh kiểm tra, giám sát Vinashin” trong suốt năm 2007-2010, mà theo ông là đã làm “hết nhẽ” nhưng không “ăn thua”.
Ông Vũ Văn Ninh cho hay, 3 năm qua, Bộ Tài chính đã thực hiên 1 cuộc thanh tra và 4 cuộc kiểm tra định kỳ. Từ năm 2007-2008, các sai phạm của Vinashin đã được Bộ phát hiện, như sử dụng nguồn 750 triệu USD vốn trái phiếu quốc tế Chính phủ cho vay lại, đầu tư không đúng danh mục dự án và các cam kết ban đầu, đầu tư dàn trải… Việc vay vốn mua sắm tài sản không hiệu quả, mua phải tàu cũ, vay nợ quá nhiều. Chỉ trong 2 năm sau khi lên Tập đoàn (2006-2007), Vinashin đã phình to ra 45% công ty con cháu.
Bộ đã có tới 11 kiến nghị, xử lý chấn chỉnh, nhất là việc yêu cầu rà soát lại vốn vay và đầu tư. Tuy nhiên, có những yêu cầu chấn chỉnh mà Vinashin không nghiêm túc thực hiện hoặc không thực hiện.
Thậm chí, ngay từ tháng 6-2008, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Vinashin tiếp thu các kiến nghị xử lý của Bộ Tài chính, song Tập đoàn vẫn không có chuyển biến tích cực. Đến tháng 4-2009, Bộ tiếp tục báo cáo thường trực Chính phủ tình hình rệu rã của Vinashin.
Cho rằng Bộ Tài chính đã "làm đầy đủ chức trách", tuy nhiên, ông Ninh thừa nhận: “Đây là một bài học để Bộ phải triển khai xử lý triệt để, mạnh mẽ hơn khi phát hiện ra những vi phạm ở các DNNN”.
“Bộ đã làm đúng chức năng”
Câu trả lời về trách nhiệm chưa làm hài lòng các đại biểu. Cuối phiên chất vất, 3 đại biểu liên tiếp chất vấn Bộ trưởng về điều này.
ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên) lập luận: “Sau 4 năm thành lập, Vinashin nợ nần như vậy mà Bộ Tài chính bảo là đã làm đúng chức trách, thế tức là Bộ vô can?”.
“Bộ Tài chính không liên quan gì thì Bộ nào phải chịu trách nhiệm về Vinashin? Tại sao Chính phủ không sớm chỉ đạo vụ việc này khi đây là Tập đoàn cốt yếu của chiến lược kinh tế biển Việt Nam?”.
Bà Nga hỏi: “Vậy trách nhiệm của Bộ như thế nào khi đưa ra tới 11 kiến nghị, giải pháp mà lại không kịp thời ngăn chặn để xảy ra kết cục như hôm nay, hàng nghìn công nhận bị nợ lương?”.
Bà Nga cũng đề nghị Bộ trưởng nói rõ quan điểm riêng với tư cách là ủy viên Trung ương Đảng.
Chia sẻ tâm tư của bà Nga, ĐB Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ: “Nghe Bộ trưởng trả lời, tôi vẫn chưa thấy rõ trách nhiệm của Bộ về quản lý theo chức năng của mình đối với Vinashin. Chức năng quản lý vốn nhà nước của Bộ Tài chính ở đâu khi để Vinashin mua toàn tàu cũ, nhà máy điện cũ nát?”.
ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cũng băn khoăn: “750 triệu USD phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ, cho Vinashin vay lại nhưng Vinashin đầu tư không đúng. Vậy việc cho vay lại vốn như vậy có đúng qui định của pháp luật? Hàng nghìn tỷ đồng vốn cấp cho Vinashin mà không kèm theo dự án cụ thể, vậy, trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao?”.
Ông Vũ Văn Ninh nói: “Bộ Tài chính không phải là cơ quan phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh và đầu tư của Vinashin nên việc quyết định các dự án đầu tư cụ thể, Bộ không có quyền”.
Bộ trưởng cũng phân trần: “Trong chính sách cơ chế chung, nếu tôi ban hành sai, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành sai chính sách thì đúng là tôi chịu trách nhiệm. Nhưng ở đây, chúng tôi đã làm đủ, làm đúng chức năng, phát hiện ra nhưng Vinashin chỉ thực hiện một phần, một phần không thực hiện”.
Nhắc lại tình cảnh “lực bất tòng tâm” của Bộ Tài chính khi “quản” Vinashin, ông Ninh bày tỏ: “Tôi cũng thấy một điều là chúng tôi đã làm đúng Luật Thanh tra, nhưng một bất cập là khi thanh tra phát hiện ra sai phạm, lại chưa chế tài cưỡng chế, bắt buộc DN thực hiện các kiến nghị. Tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị việc này”.
ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) đặt vấn đề: Nếu vậy, hiệu lực quản lý của nhà nước ở vụ việc Vinashin như thế nào? Phải chăng là chúng ta bất lực?
Vấn đề Vinashin vẫn chưa được “khép lại” trong buổi sáng như chương trình. Phiên chất vấn buổi chiều với Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng hứa hẹn sẽ tiếp tục giải đáp những vấn đề liên quan đến tập đoàn Vinashin.
Theo VNN