Triển lãm nhằm lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật Ikebana – nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản tới công chúng TP.HCM. Tới tham dự triển lãm có ông Shiraishi Hideyuki - Trưởng ban Văn hóa và Giáo dục- đại diện của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM cùng các đoàn hội khác.
Ikebana hay còn được gọi là Hoa đạo,ểnlãmkhámphávẻđẹpcủahoađạoIkebanaNhậtBảbxh ý 2 là nghệ thuật cắm hoa được hình thành từ thế kỷ XV bởi những nhà sư dòng họ Ikenobo. Trải qua gần 600 năm tồn tại và phát triển, nghệ thuật Ikebana vẫn luôn được yêu mến từ thế hệ này sang thế hệ khác và vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nghệ thuật Ikebana diễn đạt vẻ đẹp về sức sống tiềm ẩn của cỏ cây hoa lá trong các giai đoạn phát triển của đời sống thực vật. Qua việc thực hành cắm hoa, nghệ thuật này mang thiên nhiên tới gần hơn với đời sống thường ngày, giúp người thực hành hiểu và khám phá vẻ đẹp của chúng và có cái nhìn tĩnh tại hơn trong đời sống.
Triển lãm lần này trưng bày các gần 50 tác phẩm do giáo viên và các học viên của Hội sở Ikenobo Việt Nam thực hiện. Các tác phẩm được thực hiện theo các kiểu cắm đặc trưng của Ikebana Ikenobo như Rikka, Shoka và kiểu cắm tự do mang nhiều sắc thái khác nhau. Thông qua triển lãm, những tác phẩm Ikebana thể hiện vẻ đẹp phong phú, sự thấu hiểu và trân quý thiên nhiên.
Bên cạnh các tác phẩm Ikebana được trưng bày, triển lãm còn có sự xuất hiện của các tác phẩm tranh tạo nên sự ngạc nhiên thú vị về nét hòa hợp của hai loại hình nghệ thuật này. Ikebana luôn gắn liền với vẻ đẹp truyền thống tuy nhiên việc kết hợp với tranh trang trí cũng mang lại một vẻ đẹp mới mang đậm hơi thở đương đại. Các tác phẩm tranh dùng trong triển lãm được sự cho phép của các họa sĩ Lê Hào, Trần Quốc Giang, Hồ Đăng Lễ…
Cũng trong khuôn khổ triển lãm, buổi chia sẻ về vẻ đẹp của thơ Haiku và Ikebana - hai bộ môn nghệ thuật đặc trưng mang đậm tâm hồn Nhật Bản là điểm nhấn đặc biệt dành tặng những người yêu mến văn hóa truyền thống Nhật Bản. Buổi chia sẻ với sự góp mặt của Nhà nghiên cứu - dịch giả Nhật Chiêu - người có bề dày về dịch và nghiên cứu, phê bình thơ Haiku tại Việt Nam.
Buổi chia sẻ đã nêu lên tính biểu cảm đặc biệt của thơ Haiku và Ikebana thông qua ngôn từ và hoa lá, giúp người tham dự hiểu hơn về triết lý thẩm mỹ, ý nghĩa và vẻ đẹp của các môn nghệ thuật này nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung.