Trong khi dòng cao cấp dần trở thành cuộc đua song mã giữa Samsung và Apple,ộcchiếnkhốcliệtởnhómdiđộngtriệutạiViệvdqg tnk phân khúc giá thấp ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Smartphone ngày càng phổ biến, giá thiết bị ngày càng rẻ hơn, theo đó cấu hình, thiết kế được các nhà sản xuất chú trọng.
Ở mức dưới 4 triệu, smartphone ngày càng phong phú, thay thế dần điện thoại cơ bản, những tên tuổi mới xuất hiện nhắm vào phân khúc này, đe dọa thế quân bình nhiều năm qua.
Báo cáo của IDC cho thấy, chỉ tính tới quý II/2015, 51% điện thoại bán ra tại Việt Nam là smartphone, tương đương khoảng 3,3 triệu chiếc với giá trị lên đến 607 triệu USD, và con số có dấu hiệu tăng so với thời điểm trước đó.
Thống kê từ FPT Shop, trong năm 2015, tỷ lệ bán ra giữa điện thoại cơ bản và smartphone tại chuỗi cửa hàng này là 4:6, trong đó các dòng smartphone bán chạy có 7/10 sản phẩm thuộc phân khúc từ 3-6 triệu đồng.
Oppo tăng trưởng mạnh từ khi vào Việt Nam. Ảnh: Duy Tín. |
Do đó, chỉ trong vòng khoảng 2 năm, hàng loạt tên tuổi tiến vào phân khúc này. Khoảng 1 năm trước, thị trường giá rẻ khoảng dưới 4 triệu là sân chơi chính của Samsung với các sản phẩm như Galaxy Grand Prime, Core Prime, Galaxy J1 cùng Microsoft với Lumia 430, 530.
Theo báo cáo của IDC, thời điểm năm 2014, Samsung và Microsoft chiếm lần lượt 30,2% và 26,4% thị phần phân khúc này. Phần còn lại được chia đều cho hàng chục tên tuổi, đáng kể nhất là Oppo, Asus vừa bước vào thị trường, HTC, Mobiistar, Sony đồng hạng, nhưng cũng chỉ được vài phần trăm.
Thế nhưng, báo cáo mới nhất từ GfK vào tháng 5/2016 cho thấy những thay đổi mạnh mẽ của phân khúc này. Samsung có bước tăng trưởng nhẹ lên 34,7%, đáng chú ý, Microsoft sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 4,7%.
Trong cơn ngã ngựa của các đại gia, chứng kiến cú vươn lên ngoạn mục của Oppo, từ 7% của năm 2014, thương hiệu này đã chiếm đến 21,8% thị phần dưới 4 triệu trong tháng 5/2016.
Trong buổi gặp gỡ báo chí tại TP HCM, đại diện Oppo cho biết, khoảng cuối 2014, họ đã may mắn giành được 25% thị phần nhóm 2-4 triệu đồng với phiên bản Neo. Thế hệ Neo 3 ra mắt một năm sau đó đạt 400.000 máy (gấp 4 lần bản đầu). Dòng di động này là “công thần" giúp họ tăng trưởng, nâng thị phần 2015 lên trên 15%, trong đó nhóm 2-4 triệu họ chiếm tới 41,9% toàn thị trường, 600.000 bản Neo 5 đã đến tay người dùng, theo GfK.
Nói với Zing.vn, anh Trần Nguyên Trực, ngành hàng điện thoại của Thế Giới Di Động cho biết, sân chơi chính trong nhóm này là cuộc đối đầu song mã: Oppo và Samsung. Không chỉ trong mức 4 triệu, hầu hết các model của hai tên tuổi này cũng chiếm giữ các vị trí bán chạy nhất toàn thị trường. Ngôi sao trong nhóm này là Oppo Neo 5, Neo 7, Galaxy J5, A5. Trong đó, các vị trí đầu bảng liên tục được thay phiên.
“Chính những tên tuổi mới thay đổi cuộc chơi, khiến thị trường chuyển biến mạnh hơn”, anh Ngô Duy Bá, quản lý một cửa hàng trên đường 3/2, quận 10, TP HCM cho biết. Các thiết kế từ Oppo, Asus, Xiaomi hay cuộc chạy đua về cấu hình đã khiến Samsung, Sony, LG phải cật lực thay đổi.
Chỉ trong vòng nửa đầu năm 2016, hàng loạt tên tuổi vừa quen vừa lạ tiếp tục gia nhập thị trường Việt Nam như Flash, Gionee, Intex, Coolpad… Tất cả khiến cho phân khúc này trở nên sôi động.
Không khó để thấy, nhóm điện thoại dưới 4 triệu chủ yếu được ưa chuộng bởi những người dùng mới, lần đầu biết đến smartphone, để phục vụ các nhu cầu giải trí.
Theo anh Trần Nguyên Trực, đặc điểm chung người dùng nhóm này là thu nhập ở mức trung bình, hầu hết là vừa chuyển đổi từ điện thoại phổ thông qua, tìm kiếm giá trị về cấu hình, tính năng và giá tốt. Họ là sinh viên, học sinh, công nhân, người dùng trẻ. Do đó, các nhu cầu được đáp ứng ở mức cơ bản nhất, chưa đi sâu nhiều về tính năng.
Trong khi đó, anh Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS cho rằng “đông người mua và dễ bán, các hãng không cần quá đầu tư về thiết kế hay tính năng, miễn có thông số cao là sẽ bán được, do khách hàng ở phân khúc này đòi hỏi ít”.
Cuộc chiến mạnh vì gạo, bạo vì tiền trong chi tiêu quảng cáo của Oppo và Samsung. Ảnh: Khương Nha. |
Tuy vậy, sức nóng của thị trường khiến các hãng đua chen nhau tăng độ hấp dẫn cho sản phẩm, nếu như 1-2 năm trước, điện thoại dưới 4 triệu được gắn với vỏ nhựa, thiết kế xấu, cấu hình vừa phải thì hiện tại, không khó tìm được những sản phẩm nguyên khối, kim loại, cấu hình cao và nhiều tính năng như vân tay, camera tốt vốn trước đây chỉ có trên dòng cao cấp.
Điều này dẫn đến việc người dùng “bội thực” các sản phẩm giá rẻ, dễ dẫn đến tình trạng “loay hoay” khi mua thiết bị, nhất là với nhóm người dùng đặc thù không rành rẽ về công nghệ.
Do đó, các nhà phân phối cho rằng chiến lược quảng cáo sẽ là chìa khóa để thu hút người dùng mới, hãng nào làm tốt điều này thì đại lý sẽ bán tốt, còn không chỉ có thể bán được sản phẩm trong thời gian ngắn.
Theo nhiều nhà bán lẻ, các chương trình quảng cáo đang tác động mạnh đến thị hiếu người dùng nhóm này. Nếu như trước đây, di động cao cấp được chú ý để quảng bá, thì hiện các video quảng cáo xuất hiện trên truyền hình, mạng xã hội lại tập trung mạnh vào nhóm thấp.
Tuy vậy, quảng cáo cũng chỉ là bước đầu để bán được hàng, đến cuối cùng, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt cho thành công của một thương hiệu, theo đại diện của FPT Shop, các hãng nên “cố gắng xây dựng chuỗi giá trị bền vững, đối tác chiến lược dài hạn hơn là chú trọng quá nhiều vào chi phí, sản phẩm đảm bảo, chính sách hậu mãi hợp lý và trách nhiệm”.
Theo các chuyên gia, thị trường di động Việt dự báo sẽ tăng thêm 20-35% so với 2015. Trong 5 tháng đầu 2016, 5,8 triệu điện thoại đã đến tay người dùng (1,2 triệu máy/tháng). Trong đó, phân khúc 2-4 triệu chiếm gần 40%, Oppo chiếm ⅔ thị phần. Các nhà bán lẻ dự đoán, phân khúc này tiếp tục là màn song đấu giữa Samsung, Oppo. Dù vậy, thị trường sẽ phức tạp hơn khi Asus, các tên tuổi mới gia nhập hay các nhà sản xuất lớn cũng đang dồn lực đánh chiếm.