Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Tại TPHCM, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với 2 dự án: Tòa nhà văn phòng, thương mại và nhà ở tại số 244 Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và Khu nhà ở thấp tầng tại số 5 đường 22, Khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Thanh tra Chính phủ khẳng định việc Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM ký văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ chuyển mục đích sử dụng 2 khu đất trên đã vi phạm Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004 của Chính phủ và không đúng thẩm quyền.
Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ là đơn vị quản lý, sử dụng cả 2 khu đất trên từ năm 1977. Diện tích khu đất tại số 244 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức là 1.090m2 còn khu đất tại số 5 đường 22, Khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh là 6.849,9m2.
Theo kết luận thanh tra, năm 2017, UBND TPHCM đã chấp thuận để Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ chuyển nhượng dự án 244 Kha Vạn Cân cho Công ty TNHH Tuyết Nga. Đến thời điểm thanh tra, dự án vẫn chưa triển khai thực hiện theo tiến độ phê duyệt tại quyết định chấp thuận đầu tư dự án, lãng phí nguồn lực đất đai.
Còn dự án Khu nhà ở thấp tầng tại số 5 đường 22, Thủ Đức được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới. Công ty này đã khởi công dự án ngày 25/9/2017 khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, chưa được UBND TPHCM chấp thuận đầu tư dự án.
Chân dung Matexim - đơn vị chuyển nhượng 2 dự án
Theo giới thiệu của doanh nghiệp trên website, Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim) được thành lập năm 1969, là thành viên của Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM); thành viên sáng lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), thành viên sáng lập Công ty Liên doanh Cơ khí Việt - Nhật (VJE).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024, tại ngày 30/6, VAEM sở hữu 51,99% vốn Matexim.
Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư, máy móc sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản, khai thác chế biến khoáng sản; bán và bảo hành các sản phẩm của VAEM để phục vụ cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp; có hệ thống cửa hàng bán và bảo hành xe máy do Công ty Hoda ủy nhiệm (Head)…
Doanh nghiệp cũng có hoạt động sản xuất và dịch vụ như khai thác, chế biến khoáng sản; gia công chế biến các sản phẩm tiêu dùng và bao bì bằng nhựa, bao bì bằng giấy...
Năm 2023, Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ đạt doanh thu 249 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế 1,5 tỷ đồng, tương đương năm trước. Biên lợi nhuận gộp ở mức 12%.
Tại ngày 31/12/2023, doanh nghiệp vay nợ tài chính ngắn hạn gần 381 tỷ đồng, không có nợ dài hạn. Tuy nhiên, số này đã vượt vốn điều lệ công ty (gần 274 tỷ đồng).
Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng giám đốc Matexim đưa ra đề nghị công ty không đảm bảo việc thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác đến hạn nên không đủ điều kiện để chia cổ tức. Do đó, Hội đồng quản trị trình cổ đông thông qua việc giữ lại lợi nhuận năm 2023 để tạo nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Tại ngày 31/12/2023, công ty còn 14,3 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
"Mắc cạn" ở dự án nhà máy luyện kim phi cốc
Theo báo cáo của ban điều hành trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, tài sản của Matexim tồn đọng và khó thanh khoản chủ yếu ở khu vực dự án nhà máy luyện kim phi cốc (tỉnh Bắc Kạn), công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm vẫn dừng hoạt động từ cuối năm 2015 đến nay. Dự án này không hoạt động khiến tình hình tài chính của Matexim phải đối mặt với rủi ro và không có lối thoát.
Cũng theo báo cáo, do tạm dừng hoạt động lâu nên máy móc, thiết bị nhà máy cũng hư hỏng nhiều. Chi phí phát sinh hàng năm liên quan đến nhà máy bao gồm: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay, lãi quá hạn ngân hàng... vẫn đang hạch toán vào tài khoản chi phí trả trước mà chưa phân bổ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tháng 5/2022, Matexim có văn bản đề xuất kèm phương án tái cơ cấu dự án nhà máy luyện kim phi cốc trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi Matexim đang gặp khó khăn về tài chính, không thể tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng do tồn tại nợ quá hạn thì việc thực hiện phương án tái cơ cấu nêu trên là rất khó khăn bởi không tìm được nguồn vốn tài trợ cho việc khôi phục sản xuất.
Năm nay, Matexim không xây dựng kế hoạch đầu tư dù năm trước cũng không có hạng mục đầu tư nào. Ngoài lý do khách quan về tình hình kinh tế chung khó khăn, lý do chủ quan là Matexim phát sinh nợ quá hạn nhiều năm tại các tổ chức tín dụng khiến cho hệ thống CIC phân loại nợ nhóm 5 nên không thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư. Các nguồn huy động khác cũng bị hạn chế bởi công ty không còn tài sản đảm bảo, lãi suất vay hiện tại và thời gian tới sẽ rất cao.
(责任编辑:World Cup)