- Bộ GD-ĐT chỉ đạo trong năm học mới này các trường sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên,đổilớncáchđánhgiáhọcsinhtiểuhọbd luu 2 khích lệ học sinh. 1 năm sẽ có 2 bài kiểm tra định kỳ.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2014; thay thế Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT về việc ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.
Phụ huynh, học sinh cùng tham gia đánh giá
Theo đó, nguyên tắc đánh giá phải vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan;
Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học;
Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất;
Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Đánh giá gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ;
Các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân, nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện.
Đặc biệt, không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên.
1 năm 2 bài kiểm tra có chấm điểm
Ngoài đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, hiệu trưởng chỉ đạo việc đánh giá định kì kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì.
Đề bài kiểm tra định kì phù hợp chuẩn kiến thức, kĩ năng, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 3 mức độ nhận thức của học sinh từ giúp kiểm tra nhận biết hoặc nhớ đến mức kết nối, sắp xếp lại các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết tình huống, vấn đề mới, tương tự tình huống, vấn đề đã học và vận dụng các kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn hay đưa ra những phản hồi hợp lí trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.
Bài kiểm tra định kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm 0 (không) và điểm thập phân.
Vào cuối học kì I và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh về:
Quá trình học tập từng môn học, học sinh được xếp loại thuộc một trong hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành;
Mức độ hình thành và phát triển năng lực được xếp ở 2 mức là Đạt hoặc Chưa đạt;
Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất cũng xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt;
Giáo viên chủ nhiệm ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá vào học bạ. Học bạ là hồ sơ chứng nhận mức độ hoàn thành chương trình và xác định những nhiệm vụ, những điều cần khắc phục, giúp đỡ đối với từng học sinh khi bắt đầu vào học kì II hoặc năm học mới.
Văn Chung