Cô Nguyễn Thị Lan,ỉdịkết quả bóng đá tây ban nha giáo viên Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho hay trở lại lớp sau đợt nghỉ dài, các con quên nhiều kiến thức và ý thức học tập cũng giảm sút.
Hầu hết học sinh quên những kiến thức học trước đó. Trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19, phải học qua ứng dụng Zoom thì kiến thức các em nắm không chắc vì mạng yếu, hay bị thoát ra. Hơn nữa, các bài luyện tập bị cắt bớt nên kiến thức của học sinh không sâu, không chắc.
“Trong giai đoạn nghỉ ở nhà, trường chúng tôi có tổ chức học qua ứng dụng Zoom và thông báo lịch học qua truyền hình nhưng các em học không đều do mạng chập chờn nên không liền mạch bài. Các cô dạy phần mềm Zoom miễn phí nên cũng khoảng 40 phút là bị thoát ra, rồi phải vào lại. Mỗi giờ dạy, riêng chuyện ổn định lớp đã mất từ 10 đến 15 phút, nên chỉ còn học thực 25 phút. Một số em thì đợt nghỉ về quê với ông bà nên không học được. Nên bây giờ đi học lại em thì nắm được bài, em thì lơ mơ, có em thì như chưa học” - cô Lan "tổng kết".
Thậm chí, theo cô Lan, có học sinh giỏi trước đó đứng đầu lớp còn bị lộn khi nhân phân số, nhiều em nhân số tự nhiên có hai chữ số cũng nhầm. "Bây giờ, chúng tôi phải tăng tốc ôn tập lại và mở rộng bài mới nên thành ra có cảm giác như các em bị "nhồi nhét" kiến thức".
Khi học sinh đi học trở lại, thầy cô giáo phải dành thời gian để ôn tập lại kiến thức cũ cho các em (Ảnh: Thanh Hùng) |
Là giáo viên dạy Ngoại ngữ của Trường Tiểu học Trưng Trắc (Hà Nội), năm nay phụ trách khối lớp 2 và lớp 3, cô Đỗ Việt Nga cũng chia sẻ rằng thường có đến nửa lớp quên kiến thức môn học, không nhớ từ vựng. Có học sinh yếu quá còn quên luôn... cách viết chữ cái.
“Nhiều em quên cả mặt chữ. Có học sinh tôi dạy viết từ mới, trong từ có chữ s mà còn viết ngược lại thành hình như số 2. Kiến thức thì em quên sạch. Như vậy, có lẽ cả Tiếng Việt con cũng bị quên".
Theo cô Nga, nguyên nhân có thể do các em học trực tuyến chỉ buổi được buổi không. “Học ngoại ngữ khó hơn cả tiếng mẹ đẻ. Nhưng cả tuần học được 1 buổi, sau đó không học hành, ôn luyện gì, lại là học sinh quá bé thì tôi nghĩ quên cũng là chuyện đương nhiên” - cô Nga cho hay.
Nhưng điều cô Nga lo ngại nhất không phải chuyện quên kiến thức, bởi dù sao các em cũng ở lứa tuổi quá nhỏ và thời gian nghỉ lại quá dài, mà vấn đề nằm ở sức ì.
“Đến nay, đã một tuần đi học trở lại rồi nhưng các con vẫn chưa chịu học bài, làm bài, còn mải chơi. Sức ì là rất lớn, bài vở không làm đầy đủ, thậm chí còn quên sách vở. Chúng tôi đành chấp nhận, kiên trì tìm cách hâm nóng lại”.
Tình cảnh của lớp cô Lê Ngọc Diệp, giáo viên dạy khối 5 một trường tiểu học ở Bình Dương, cũng tương tự với nhiều học sinh quên bài cũ.
Tuy nhiên, theo cô Diệp, khá may mắn vì số quên chỉ rơi vào một số em không học qua ứng dụng trực tuyến vì phụ huynh không có điều kiện, hoặc được cho về quê nhưng nhà ông bà không có mạng hoặc điện thoại thông minh.
“Những học sinh bình thường chậm, hoặc lười học qua trực tuyến thì quên kiến thức nhiều, còn học sinh chăm học trực tuyến thì khá ổn. Các em chủ yếu quên các quy tắc hoặc công thức Toán. Nói chung là tạm thời quên, nhưng cô phải ôn lại hoặc thậm chí phải giảng lại bài. Có em quên hết cả kiến thức học từ trước Tết, nhưng đa số nhắc lại thì vẫn nhớ ra” - cô Diệp nói.
Theo cô Diệp, không chỉ mỗi lớp của cô mà tình cảnh này diễn ra ở hầu hết các lớp trong trường, đặc biệt với khối 1.
Trong đợt nghỉ dịch, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có dạy online cho cả lớp theo kiểu vừa dạy vừa ôn kiến thức cũ nên bây giờ đi học trở lại, kiến thức của các em cũng tạm ổn. Tuy nhiên, do học sinh lớp 5 đang học về hình học nên dễ quên công thức ở phần này. "Khoảng 30-40% học sinh trong lớp quên kiến thức vì một phần các bé nghỉ dài” - thầy Sơn cho biết.
Hầu hết các giáo viên đều cho rằng việc học sinh quên bài hay kiến thức cũ sau quãng thời gian dài xa trường lớp là điều dễ hiểu. Điều này khiến các thầy cô phải nỗ lực hơn, nhưng cũng cần sự chung tay hỗ trợ, phối hợp của phụ huynh khi ở nhà để các con sớm bắt nhịp với chương trình, tiến độ học tập.
Thanh Hùng
- Đó là một trong những điểm mới được đưa vào quyền của học sinh trong dự thảo thông tư Điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố để lấy ý kiến góp ý từ dư luận.