Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình tổng kết,ếptụchoànthiệnhànhlangpháplývềxửlýnợxấmeo cuoc keo đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 24/5, Quốc hội đã tiến hành xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng, có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, xóa đói giảm nghèo. Đảng và Nhà nước rất quan tâm, bố trí nguồn lực để triển khai dự án.
Giai đoạn từ năm 2000-2011, dự án triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 nên nhiều dự án phải dừng, giãn tiến độ, trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh.
Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015, mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư.
Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66/2013/QH13.
Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 đến năm 2025 tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; đối với đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến chỉ chuẩn bị đầu tư, tận dụng quốc lộ 32, quốc lộ 21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe. Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh.
Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng số liệu, đảm bảo thống nhất, tính chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội.
Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án; thứ bậc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến; việc tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội...
Cũng trong sáng 24/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Đến hết ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ không được áp dụng, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Việc này làm kéo dài quá trình xử lý nợ xấu; không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
"Nghị quyết số 42 là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Do đó, việc duy trì cơ chế, chính sách tại Nghị quyết và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là rất cần thiết," Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.
Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả đã đạt được.
Cuối phiên làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Cho rằng thành phần ban soạn thảo phải mở rộng hơn, chú trọng đến các nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng quy định của pháp luật tác động đến các trường hợp này thì phải để họ lên tiếng. Không thể để cho những người nắm giữ công cụ được quyền sửa đổi các công cụ, còn đối tượng tác động của những công cụ đó lại không được lên tiếng.
Đặc biệt, phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi. Đối với những đạo luật tác động đến đời sống nhân dân thì cần phải trưng cầu dân ý chứ không phải hình thức, nhỏ hẹp như vừa qua.
Cần tăng cường giám sát việc phát hành các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra lại các quy định mà Quốc hội thông qua và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các đạo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án Luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật.
Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6).
Trong phiên làm việc chiều 24/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Báo cáo thẩm tra nội dung này.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết vì địa phương này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực này.
Dự thảo Nghị quyết gồm 11 chính sách, trong đó đáng chú ý có các chính sách đặc thù khuyến khích thu hút đầu tư vào khu Kinh tế Vân Phong.
Thể hiện sự đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện thí điểm, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của bên liên quan.
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 16.
Thời gian còn lại của buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.
Quốc hội đã quyết định mục tiêu thông tuyến từ Bắc tới Nam giai đoạn đầu với quy mô 2 làn xe. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến.
Cụ thể, 3 đoạn tuyến chưa hoàn thành gồm đoạn Chợ Chu-Ngã Ba Trung Sơn; đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tập trung bố trí vốn để hoàn thành những đoạn đường còn lại này.
Đây là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện, đồng thời cần tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để rút kinh nghiệm, đề xuất đầu tư giai đoạn sau. Bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng những đoạn đường xuống cấp để đảm bảo thông suốt tuyến đường.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua thông báo kết luận, Chính phủ đã rà soát trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn 5 năm phân bổ cho ngành Giao thông Vận tải để bố trí cho các đoạn tuyến Chợ Chu-Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận.
Các đoạn tuyến này sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân ở các vùng tuyến đường đi qua./.
Theo TTXVN