Chị Nguyễn Thị N,ảnhgiácvớitinnhắncuộcgọilừađảotừsốđiệnthoạilạc1 châu ở phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) cho biết, cách đây một tháng, chị nhận được cuộc điện thoại từ người lạ thông báo thuê bao của chị may mắn trúng thưởng 1 chiếc điện thoại SamSung, trị giá hơn 20 triệu đồng.
Theo chị N, sau khi giới thiệu về công dụng của chiếc điện thoại thế hệ mới nhất, người gọi yêu cầu chị gửi trước một khoản tiền chi phí nhận thưởng và hứa sẽ mang điện thoại đến tận tay.
"Không hiểu vì sao đối tượng biết rõ các thông tin cá nhân của tôi như: họ tên, số điện thoại. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ mình may mắn trúng thưởng thật nhưng khi nghe tới đoạn chuyển tiền trước, nhận hàng sau là tôi nghi ngay thủ đoạn lừa đảo.”, chị N bức xúc.
Cũng như chị N, anh Đặng Thành T, ở phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh phản ánh viêc gần đây, anh bất ngờ nhận được cuộc điện thoại lạ tự xưng là Tổng đài của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), thông báo anh vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại Hà Nội và có một biên lai nộp phạt chưa nộp.
Theo anh T, phía bên kia yêu cầu anh làm các thao tác theo hướng dẫn để biết số biên lai. Anh T làm theo thì có một giọng nam tiếp tục thông báo đây là số của Tổng đài của Cục Cảnh sát giao thông. Sau đó, người này hỏi họ tên, số căn cước công dân để giúp tra số biên lai nộp phạt.
Anh T biết ngay đây là trò lừa đảo, bởi vì vài năm nay anh không đi Hà Nội bằng phương tiện cá nhân. Khi anh T hỏi anh ta công tác ở bộ phận nào thì đối tượng tắt máy. Anh T gọi lại vào số Tổng đài thì thông báo: “Số máy quý khách vừa gọi không có”.
Ngoài các “chiêu lừa” trên đây, các đối tượng còn sử dụng một số thủ đoạn lừa đảo khác, đánh vào tâm lý người nghe rồi khai thác thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản như: Giả mạo Cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; Giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ; Gửi email/tin nhắn có chứa đường link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền.
Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng; Sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng; Giả danh cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…; Giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản của người khác.
Do những đặc tính của không gian mạng như xuyên quốc gia, ẩn danh, số điện thoại ảo, tên người dùng ảo, hơn nữa thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao, thường xuyên thay đổi, đã gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, truy tìm.
Để bảo vệ quyền lợi và tránh những thiệt hại không đáng có, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có khuyến cáo: Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số máy lạ, nhất là những cuộc gọi quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn từ quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu và 2 số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam là +84…).
Đối với các cuộc gọi nháy máy từ số quốc tế, không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.
Đối với các cuộc gọi giả danh Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng hoặc thông báo có quà từ Bưu điện, bưu phẩm, công ty bảo hiểm,… dùng giọng nói đã được ghi âm sẵn, người nghe tuyệt đối không thực hiện bất cứ thao tác nào theo hướng dẫn hoặc yêu cầu nào từ người gọi. Không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, cần trình báo ngay với cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu lừa đảo để được hỗ trợ xử lý.