Sáng nay (28/11), Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025.
Tại hội nghị, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TTTT, cho biết, nhìn lại một năm qua, lĩnh vực thông tin điện tử đã có những đóng góp tích cực cho ngành thông tin và truyền thông nói riêng và cho đời sống xã hội nói chung.
Tín hiệu tích cực là mạng xã hội trong nước đang dần thu hút được đông người sử dụng Việt Nam.
Mạng xã hội Zalo có đông người dùng hơn Facebook, TikTok, Google
Theo báo cáo của Bộ TTTT, tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước là khoảng 110 triệu tài khoản. Trong đó, số người dùng mạng xã hội Zalo hàng tháng tính đến 30/6 là 76,5 triệu, vượt qua Facebook (72 triệu), YouTube (63 triệu) hay TikTok (67 triệu).
Điều này cho thấy tín hiệu tích cực khi mạng xã hội trong nước ngày càng được đón nhận, và vượt qua cả 3 nền tảng xuyên biên giới phổ biến nhất.
Dẫu vậy, theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, thực tế sức ảnh hưởng, tác động của thông tin trên Zalo so với các nền tảng xuyên biên giới vẫn còn hạn chế.
Thứ trưởng đánh giá các nền tảng xuyên biên giới trong năm qua đã có bước tiến tích cực trong việc hợp tác với cơ quan quản lý để xử lý các nội dung vi phạm và đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân nhận biết và cảnh giác với tin giả, tin lừa đảo.
Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc của Bộ TTTT cũng đã kết nối với các Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc tại địa phương để hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia, gồm 20 tỉnh, thành phố. Nhờ vậy, các địa phương đã chủ động xác minh và xử lý ngay được vi phạm tại địa bàn.
Dẫu vậy, tình trạng này vẫn còn khá phổ biến, do sự điều chỉnh chậm chạp, thiếu hiệu quả của các mạng xã hội.
Mạnh tay với nội dung sai sự thật, định danh người dùng trên mạng xã hội
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT), cho biết, tính đến hết tháng 9, Bộ TTTT tiếp nhận và xử lý 1.130 phản ánh liên quan đến tin xấu độc, lừa đảo, sai sự thật.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra, chấn chỉnh 168 tổ chức, cá nhân, trong đó xử phạt 55 trường hợp, phạt số tiền 555.939.000 đồng.
Đại diện Cục PTTH TTĐT nhấn mạnh rằng, nhận thức của người dùng Internet về việc đăng tải tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội đang dần được người dân giác ngộ, và có dấu hiệu cho thấy các quy định đã đi vào đời sống.
Dẫu vậy, khi đánh giá về các nền tảng xuyên biên giới, ông Lê Quang Tự Do cho biết tình hình vẫn còn khá phức tạp, khi các nền tảng chưa kiểm soát nội dung quảng cáo theo quy định pháp luật Việt Nam, liên tục thay đổi thuật toán, hình thức phân phối dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện vi phạm.
Cùng với đó, các nhóm vi phạm thường xuyên lợi dụng công nghệ để lẩn trốn, dùng tài khoản ẩn danh, che giấu thông tin.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, đại diện Bộ TTTT cho biết Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành ngày 9/11 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực.
Trong đó, bao gồm cả thói quen người dùng mạng xã hội trong nước, khi giờ đây, người dùng phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại theo quy định của Nghị định 147.
(责任编辑:Ngoại Hạng Anh)