“Cha tôi là người rất yêu con. Ông cứ thấy con là nở nụ cười. Nụ cười hiền lành của cha mỗi khi gặp các con mãi là niềm hạnh phúc của bốn chị em chúng tôi” – TS Nguyễn Văn Hùng tâm sự về người cha là Anh hùng lao động, GS.TSKH Nguyễn Văn Trương.
Cả 4 người con của GS.TSKH Nguyễn Văn Trương đều thành đạt. Trưởng nữ của ông là TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm - người đã bào chế thành công thuốc điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung từ cây trinh nữ hoàng cung. Con trai Nguyễn Văn Hùng nguyên là hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng…
GS.TSKH Nguyễn Văn Trương tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại trụ sở Ban biên soạn Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam năm 1998 |
GS. TSKH Nguyễn Văn Trương (1922 – 2007) nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái, Tổng biên tập Từ điển bách khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ông được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 83 tuổi. |
TS Nguyễn Văn Hùng còn nhớ, cha mình được các đồng nghiệp, giới chuyên môn rất nể trọng vì trí tuệ uyên bác, tư cách đạo đức, ứng xử rất đúng mực. Còn ở nhà, là người miền Trung (quê Nam Đàn, Nghệ An), nhưng ông không hề gia trưởng mà là một người con rể có hiếu, người chồng rất thương vợ và người cha gần gũi, giản dị của các con.
Có một câu nói của cha mà ông Hùng luôn nhớ: “Sự từ thiện làm được nhiều việc”.
“Con nhớ mãi nụ cười hiền lành ấy”
“Ông rất gắn bó với vợ con. Cứ thấy con là ông nở nụ cười, rất hay tâm sự với các con. Vì vậy, từ khi còn nhỏ, chúng tôi thấy bố về là chạy ra đón chứ không trốn tránh như nhiều trẻ khác khi thấy bố mình...
Gia đình khó khăn, nhưng ông chiều chúng tôi đến mức tới mức có lần đã bán đồng hồ để mua đàn ghita cho con...” – ông Hùng nhớ lại.
Nhưng cũng có những thứ ông không chiều như vậy. Ví dụ như khi mấy cậu con trai đá bóng, đòi mua quả bóng da, ông nói “Nếu giỏi thì phải đá được bóng nhỏ…”. Con chơi bóng bàn đòi ông mua vợt mút, ông cũng “kích” “Nếu giỏi thì đánh được bằng vợt gỗ”.
Con đòi mua súng hơi, ông nói “Vô phúc có con hay lội, có tội có con biết trèo. Bây giờ có súng, con bắn vào đầu người ta thì sao?”… Ông có những cách từ chối đòi hỏi của con rất khéo léo, chứ không bao giờ chỉ buông một câu như “Ba không có tiền”.
Thời điểm tôi học lớp 4, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ. Có lần thấy tôi chơi bi, chơi đánh đáo ngoài đường, cha tôi mới bảo “Con ơi, lúc người ta vươn lên trời cao thì con lại cắm đầu xuống đất, con nghĩ như thế nào?”… Chỉ bằng câu hỏi đấy, ông đã kéo được tôi khỏi mấy trò chơi vô bổ”.
Dù công việc bộn bề, nhưng ông luôn nhận việc đi họp phụ huynh, ông còn làm trong ban đại diện phụ huynh để theo dõi được sát sao việc học của con. Có đợt bận công tác, về tới nhà thì buổi họp phụ huynh đã qua, ông tới gặp trực tiếp cô giáo để hỏi tình hình.
Thế nhưng ông không bao giờ ép con học quá đà hay học hè. Ông muốn các con có thời gian để chơi, tập thể thao.
“Cha tôi thường nói: “Muốn đi xa phải biết giữ con ngựa của mình. Do đó, trước khi học giỏi thì con phải biết cân bằng cuộc sống và phải khỏe mạnh đã”” – ông Hùng dẫn lại lời cha dặn.
“Những việc mà ông tranh thủ làm để giúp vợ chăm con để lại ấn tượng sâu sắc đối với chúng tôi” – ông Hùng tiếp tục nhớ về những kỷ niệm của cha. "Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông dậy từ 4, 5 giờ sáng, tranh thủ giặt giũ cho cả nhà rồi ngồi vào bàn viết luận án tiến sĩ".
“Cha tôi có tư tưởng rất hiện đại, không phân biệt đằng nội - đằng ngoại, con trai - con gái, hay coi chợ búa, bếp núc là việc tầm thường của người phụ nữ. Ông cũng hay mua quần áo cho vợ, biết rõ bà thích màu gì…
Khi chúng tôi còn nhỏ, cha thường bế và hát ru con. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những câu hát ru của cha, cũng chính là bài học cha dạy về đạo lý làm người “Con này con lắng tai/ Nghe lời mẹ dặn con một, hai/ Dặn cùng con chớ ham chơi bời/ Nhớ phận làm trai trung hiếu hai vai”...
Thời kháng chiến, vì sức khỏe của mẹ và ông ngoại tôi không tốt, nên dù có nguyện vọng dạy học ở Việt Bắc nhưng ông lại nhận dạy học ở gần nhà. Cha tôi tận dụng những khoảng đất hoang quanh nhà để tăng gia sản xuất, phụ vào khoản sinh hoạt phí eo hẹp. Với những kiến thức về thực vật mà cây nào ông trồng cũng rất tươi tốt, rau xanh tới mướp, bí ngô. Cha tôi còn có tài muối dưa vàng xuộm và làm tương rất ngon”.
Có năm lụt lội, nước sông Lam tràn bờ, ông bơi ra giữa sông để vớt củi, cố gắng lấy được thật nhiều để đun cả năm.
Cha tôi không bao giờ đánh, mắng con mà chọn cách phân tích thiệt hơn. Cả cha và mẹ tôi đều không bao giờ buông một lời nói tục hay chửi bậy, nên anh chị em chúng tôi đã giữ được nề nếp này.
Ông hay kể cho các con nghe về tấm gương của các nhà khoa học như Newton, Kovalevskaya…, các nhạc sĩ như Beethoven, Tchaikovski, Mozart…, các nhà thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm…, và các nhà văn như Victor Hugo, La Fontaine... Ông hay đọc cho chúng tôi nghe các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới, để qua đó giúp chúng tôi nhận ra những bài học quý giá về lối sống đẹp, nghị lực vượt khó, truyền cho con lòng ham hiểu biết”…
GS Trương cũng hay đưa các con đi theo tới các cuộc tọa đàm, hội thảo để con mở rộng sự hiểu biết. Ông cũng nói những câu chuyện thời sự với con ngay từ khi con mới chỉ 9, 10 tuổi.
Đi công tác, ông luôn mang những món quà nhỏ về cho con. Nhưng món quà lớn nhất mà chúng tôi nhận được sau mỗi chuyến công tác của ông là những câu chuyện kể từ chính những chuyến đi đó.
GS Nguyễn Văn Trương (người ngồi bên trái, mặc áo cộc tay, bó gối) gặp bà con người Dao ở hợp tác xã Hợp Nhất dưới chân núi Ba Vì. |
Năm 1956, vở kịch Tấm bưu thiếp của GS Trương được trao giải văn học đấu tranh cho giải phóng nước nhà. Nhà chỉ có chiếc xe đạp cà tàng cũ, GS Trương vẫn đèo các con tới lễ nhận giải vì ông luôn muốn chia sẻ niềm vui, hạnh phúc của mình với các con...
Không chỉ truyền sự gắn bó với gia đình tới các con, ông còn muốn chuyển tải ý nghĩa của sự gắn bó này tới cả lớp sinh viên trẻ. Ông có thời gian làm trưởng phòng giáo vụ đầu tiên của Trường ĐH Nông lâm. Ngày đó, trường ĐH này có quy định không cho sinh viên về thăm nhà vào cuối tuần. Nhưng GS Trương đã làm khác đi – ông cho phép sinh viên được về nhà.
Nối tiếp gen cha
GS Nguyễn Văn Trương có sức ảnh hưởng rất lớn tới các con của mình. 4 người con của ông đều tốt nghiệp đại học, được nhận học bổng của Nhà nước đi học ở Nga, Bulgaria… có 2 người con của GS là PGS, TS.
TS Nguyễn Văn Hùng kể, cha mình chính là tấm gương cho con về thái độ học nghiêm túc và nỗ lực không ngừng.
“Cha tôi có nguyện vọng làm tiến sĩ khoa học, nhưng theo quy định, ông phải bảo vệ tiến sĩ trước. Những người trong hội đồng bảo vệ tiến sĩ ấy lại chính là học trò của ông. Khi đó, tôi đã nghĩ rằng ngỡ cha mình sẽ ngại ngần nhưng ông nói, đã học là phải quyết tâm và không việc gì phải xấu hổ”.
Năm 1976, GS Trương đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Hai năm sau, GS lại bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học về đề tài toán trong sinh học tại Trường ĐH kỹ thuật Tổng hợp Dresden (CHDC Đức). Không được dùng tiếng Anh hay Pháp, trong 3 tháng GS Trương đã cật lực học tiếng Đức và tự mình viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Đức.
“Ông có quan điểm con cái theo gen bố mẹ - “hổ phụ sinh hổ tử, cha nghịch tặc sinh con nghịch tặc”, và muốn chứng mình điều đó bằng chính các con mình: Con của ông theo ngành gì cũng sẽ giỏi. Vì vậy mà ông động viên các con cách thức suy nghĩ, phương pháp học và làm việc. Ông để cho con danh dự và trí tuệ, nhưng tuyệt nhiên không giúp đỡ gì. Thậm chí, ông còn không đồng ý cho con theo ngành của mình. Hỏi tại sao, ông bảo “Ba có thể hướng dẫn con rất nhanh, nhưng không muốn người ta nói con nhờ cha mà đạt kết quả””. Quan điểm của ông là muốn đào tạo con cái thành siêu trí thức trong nhiều lĩnh vực.
Gia đình GS Nguyễn Văn Trương |
Khi tôi tốt nghiệp đại học, được đề nghị chuyển tiếp sinh nhưng không có chỉ tiêu, ông có thể nhờ giúp việc này nhưng muốn con cái tự lực. Nhưng ông cũng tâm sự “Con ơi buồn quá, nếu có tiền ba sẽ cho con đi học tiếp”…
GS Trương đã sớm nhìn ra việc phát triển dược liệu từ cây cỏ tự nhiên sẽ trở thành xu hướng của y học thế giới từ những năm 1970, nên khi con gái Nguyễn Ngọc Trâm quyết định theo nghề dược, ông hết lòng ủng hộ và dặn con: “Việt Nam có nhiều cây thuốc mà vẫn phải nhập thuốc từ nước ngoài. Con phải cố gắng học và tìm ra được các cây dược liệu quý để làm thuốc chữa bệnh cho dân”.
Với lời dặn của cha, chưa bao giờ TS Trâm cho phép mình nản chí dù việc học có vất vả tới đâu. Trong suốt 15 năm, bà miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, tìm cách biến cây trinh nữ hoàng cung - với nhiều công năng chữa bệnh được truyền miệng trong dân - thành một sản phẩm thuốc được khoa học công nhận.
TS Trâm thậm chí đã bán ngôi nhà đang ở, đi thuê nhà để dồn tiền mua cây giống và ươm trồng, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng để biến cây trinh nữ hoàng cung vốn sống hoang dại trở thành một loại dược liệu sạch.
Và bà đã thành công với viên nang Crila được sản xuất từ các alcaloid có trong cây trinh nữ hoàng cung có tác dụng sinh học kích thích miễn dịch, ức chế sự phát triển của tế bào. Đây là viên thuốc đầu tiên trên thế giới điều trị u xơ tử cung từ dược liệu thiên nhiên. Chỉ đến lúc này, bà mới thở phào nhẹ nhõm vì đã thực hiện được một phần nào đó lời dặn của cha mình.
“4 anh chị em chúng tôi vẫn giữ nhiều kỷ vật về cha mình, trong đó có một cuốn sổ có 2 trang để trắng, chỉ ghi mấy chữ ở dòng đầu: “Con nhớ lời cha dặn…”. Ông Hùng xúc động “Tuy không biết cụ thể cha định dặn dò điều gì, nhưng chỉ cần vậy thôi là chúng tôi đủ hiểu tình cảm của ông dành cho các con luôn tràn đầy và rất tin tưởng ở các con. Và anh em chúng tôi vẫn luôn thương yêu nhau như khi ba mẹ đang còn sống”.
GS Nguyễn Văn Trương rất đa tài, am hiểu nhiều lĩnh vực. Ông là người đầu tiên viết sách toán phổ thông được in lito. Khoảng năm 1947, khi chưa tròn 30 tuổi, ông đã viết nhiều tác phẩm văn học được giải thưởng kháng chiến… Ông làm Tổng chủ biên cùng với hơn 1.200 nhà khoa học tham gia biên soạn trong nhiều năm bộ Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, gồm bốn tập dày hơn 4.000 trang khổ rộng, bao gồm 40.000 mục từ, thuộc 40 chuyên ngành văn hóa, khoa học, kỹ thuật của VN và thế giới. |
Chi Mai
Xem thêm:
Cách dạy con của một kiến trúc sư tài hoa顶: 21918踩: 26
评论专区