Bạn thử nghĩ xem vì sao nhiều người lại không thích quá trình đi tìm việc?ýdokhiếnbạnthấysănviệcnhưtìmngườithươti so psg Bởi lẽ sau rất nhiều các bước như nộp đơn, đi phỏng vấn, chờ kết quả, cuối cùng câu trả lời có thể khiến bạn thất vọng.
"Cảm ơn, anh/chị rất tuyệt nhưng rất tiếc... Một lần nữa, xin cảm ơn anh/chị đã dành sự quan tâm" - một câu từ chối lịch sự từ nhà tuyển dụng nhưng có "sức sát thương" không kém gì với việc bạn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ công ty đã ứng tuyển. Cũng như khi bạn thầm thương trộm nhớ một ai, lấy hết sức can đảm để bày tỏ và theo đuổi nhưng rồi cũng chỉ nhận về câu trả lời "Ừ thì anh rất tốt nhưng em rất tiếc... !" Cảm giác tổn thương là điều không thể tránh khỏi nhưng bạn sẽ phải học cách chấp nhận thực tế cũng như nên biết nói lời cảm ơn khi bị từ chối bởi một cánh cửa đóng lại sẽ là cơ hội để mở ra nhiều cánh cửa khác.
Không thể vội vã
Bạn mất bao lâu để tìm ra một công việc? Có thể nhanh, có thể hơi chậm hơn những người khác một chút. Nhưng bạn mất bao lâu để tìm ra một công việc mơ ước? Điều này thật khó đoán định bởi nó còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố của bản thân bạn và cả những yếu tố khách quan khác. Cũng như việc hẹn hò, bạn có thể gặp gỡ nhiều người, hẹn hò với một số người trước khi gặp được một người bạn thật sự muốn gắn bó lâu dài. Do đó, săn việc cũng như tìm người thương, bạn không thể vội vã.
Tận dụng nhiều mối quan hệ khác nhau
Việc tìm hiểu một ai đó ngày nay đã có nhiều thay đổi bởi sự bùng nổ của các trang web và ứng dụng hẹn hò. Thế nhưng, nếu bạn bắt đầu muốn nghiêm túc, bạn sẽ cảm thấy mối quan hệ an toàn hơn khi giữa hai người có những liên kết chặt chẽ, ví dụ như những người bạn chung chẳng hạn. Bạn có thể biết thêm thông tin về đối phương, có những cơ sở để tham khảo và đánh giá thận trọng hơn.
Với lý do tương tự khi săn việc, đa phần các ứng viên cũng mong muốn tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp tốt thông qua các mối quan hệ của họ như bạn bè, đồng nghiệp cũ hoặc những người quen biết. Về phía nhà tuyển dụng, họ cũng cảm thấy tin tưởng và có phần thoải mái hơn nếu ứng viên được giới thiệu từ mạng lưới các mối quan hệ.
Ảnh: Internet
Cần phù hợp
Trong một mối quan hệ yêu đương, hai người cùng tốt vẫn chưa chắc có thể dẫn đến một kết quả tốt. Nếu bạn là một cử nhân tốt nghiệp MBA loại xuất sắc và có công việc trong văn phòng ổn định, trong khi đối phương là một người buôn bán ở chợ rất giỏi giang, hai bên sẽ khó có nhiều điểm chung để trò chuyện hoặc tìm hiểu nhau xa hơn dù rằng nghề nghiệp nào cũng đều đáng quý và trân trọng.
Tương tự khi đi săn việc, sự phù hợp là một yếu tố quan trọng. Bạn có thể có nhiều nhà tuyển dụng trong tầm ngắm bởi danh tiếng của họ nhưng chỉ nên tập trung vào những cơ hội vừa vặn với khả năng của mình, bất kể là công ty lớn hay nhỏ. Nếu không có sự phù hợp, công việc của bạn về lâu dài sẽ khó phát triển như mong muốn và vô tình khiến bạn chôn chân trong sự nghiệp của mình.
Và cần kiên nhẫn
Nếu bạn có cơ hội biết đến những người thành công và hạnh phúc với cuộc sống của mình, hẳn bạn sẽ thấy điểm chung trong những câu chuyện của họ đều nói về lòng kiên nhẫn và rất nhiều nghị lực. Giữa hai người yêu nhau, giữa vợ chồng hay thậm chí là cha mẹ và con cái, sự kiên nhẫn đóng một vai trò rất lớn trong việc giữ cho một mối quan hệ vui vẻ và hoà thuận bất chấp nhiều thử thách trong cuộc sống.
Với quá trình săn việc, bạn cũng có thể gặp nhiều khó khăn tương tự, ví dụ như để tuột khỏi tay công việc mơ ước ở phút 89 khiến bạn mất hết sự tự tin, thế nhưng sự kiên nhẫn sẽ là một phẩm chất tốt để giúp bạn vực dậy tinh thần trong bất kỳ hoàn cảnh nào, một cách mạnh mẽ nhất.
So sánh trên đây từ CareerBuilder.vn có thể được xem như một cách ví von vui để bạn có thể cân nhắc lại những lý do bạn từng thất bại trong các lần ứng tuyển cũng như xem xét cải thiện quá trình săn việc của mình. Bởi lẽ cũng như chuyện tìm một người để thương yêu và hẹn hò, săn việc đòi hỏi bạn sẽ cần nhiều thời gian để tìm hiểu, để trở nên phù hợp và để có được kết quả tốt đẹp sau cùng. Chúc bạn luôn vững tin vào khả năng của mình và săn được việc tốt lương cao!