Cái nhìn cơ giới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chắc cũng rất trăn trở với điều này và một trong những ý tưởng đề nghị là xóa bỏ chế độ viên chức hay còn gọi là ‘biên chế giáo viên” – một đề xuất mang tính cá nhân và đã có nhiều ý kiến trái chiều. Dưới đây tôi trao đổi thêm về vấn đề hỗ trợ giáo viên để tăng thêm động lực đổi mới từ góc độ của cơ chế quản lý.
Trước hết, chất lượng giáo viên không hoàn toàn do chất lượng đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm quyết định.
Các nhà nghiên cứu giáo dục đã chỉ ra rằng hiệu quả của việc đào tạo ban đầu trong các trường sư phạm đối với phương pháp giảng dạy của giáo viên là rất hạn chế vì sau khi ra trường giáo viên thường dạy theo cách bản thân họ được dạy trong suốt cuộc đời đi học.
Một giờ học của học sinh tiểu học Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Vì vậy, các nghiên cứu khuyến cáo giáo viên cần đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động tự học, tự bồi dưỡng - hay còn gọi là phát triển chuyên môn thường xuyên.
Hoạt động phát triển chuyên môn của giáo viên lại mang tính tự giác và chịu tác động của các yếu tố xã hội.
Do vậy, muốn nâng cao chất lượng giáo viên, trước tiên phải có một cơ chế quản lý giáo dục phù hợp: Đó phải là cơ chế “lấy giáo viên làm trung tâm”.
Những nghiên cứu về giáo viên trên thế giới đều có chung một kết quả là giáo viên luôn có ‘sức ỳ tâm lý’, ngại vượt ra bên ngoài ‘khu vực an tâm’ (comfort zone), tức là ngại thay đổi cách dạy quen thuộc.
Phần lớn những nghiên cứu này được thực hiện ở các quốc gia thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chế độ hợp đồng. Như vậy, biên chế hay không biên chế không phải là động lực đổi mới của giáo viên.
Quan niệm bỏ biên chế đối để nâng cao chất lượng giáo viên, từ đó chất lượng giáo dục sẽ đương nhiên được nâng lên là cái nhìn của cơ giới luận, không phù hợp với quan điểm hiện nay của khoa học giáo dục, đặc biệt là khoa học về giáo dục giáo viên.
Đừng áp đặt giáo viên
Để giúp giáo viên vượt qua trở ngại đổi mới cách dạy vì những rào cản tâm lý, cơ chế quản lý phải luôn yêu cầu cao đối nhưng luôn có sự hỗ trợ tương ứng.
Trước hết, cần tạo ra môi trường dân chủ để giáo viên được tham gia vào những quyết định lớn của giáo dục vì họ là những người hiểu thực tế nhà trường và các điều kiện xã hội bên ngoài nhà trường tác động đến hoạt động dạy và học, hiểu học sinh hơn ai hết.
Mặc dù quyết định cuối cùng về những vấn đề lớn là do các nhà quản lý đưa ra nhưng các nhà quản lý cần lắng nghe và phân tích ý kiến của giáo viên một cách chân thành.
Một môi trường giáo dục dân chủ thực sự sẽ giúp giáo viên có đủ tự tin để tìm tòi và thử nghiệm những cách dạy mới sáng tạo hơn để mang lại kết quả học tập cao hơn.
Đáng tiếc là ở nước ta, hầu hết những thay đổi lớn trong giáo dục phần nhiều mang tính áp đặt, thiếu sự trao đổi giữa cán bộ quản lý với giáo viên.
Mọi vấn đề từ một việc nhỏ như đánh giá giờ dạy của giáo viên cũng mang tính áp đặt, chủ quan.
Tính gian dối, bệnh thành tích, bệnh hình thức trong các cơ sở giáo dục cũng góp phần làm giảm tâm huyết của giáo viên.
Tất cả những yếu tố mang tính xã hội đó đã và đang và sẽ còn tiếp tục làm giảm nhiệt huyết và tính chủ động của giáo viên trong thực hiện đổi mới giáo dục. Họ trở nên thụ động, thậm chí thờ ơ vì chẳng ai hỏi ý kiến họ và nếu có nói thì cũng chẳng ai nghe.
Hoạt động phản tỉnh
Có thể nói nền giáo dục nước ta rất may mắn có một đội ngũ giáo viên đa số rất tận tâm với nghề nghiệp.
Đương nhiên có một tỷ lệ nhất định giáo viên an phận, không chịu học hỏi, phấn đấu vươn lên. Điều đáng quan tâm là đội ngũ giáo viên có rất ít cơ hội để tham gia các hoạt động phát triển chuyên môn dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là cơ hội trao đổi, học hỏi với các đồng nghiệp trong và ngoài trường, với các chuyên gia từ các trường đại học, kể cả trao đổi với người học.
Kết quả nghiên cứu về hoạt động học của giáo viên cho thấy con đường giúp giáo viên nâng cao kỹ năng sư phạm tốt nhất là qua hoạt động phản tỉnh (reflection), tức là tự đánh giá lại giờ dạy của mình để đề ra những thay đổi cần thiết, và qua trao đổi cởi mở với đồng nghiệp.
Hiệu quả của các hoạt động phát triển chuyên môn của giáo viên chỉ có thể đạt được trong một môi trường xã hội thuận lợi cho lòng say mê học suốt đời, tinh thần hợp tác, tính năng động và sáng tạo cá nhân của giáo viên được phát huy đến mức cao nhất.
Sự hỗ trợ đối với giáo viên tất nhiên phải đi kèm với yêu cầu cao. Những yêu cầu cao đó phải được thể hiện bằng những đổi mới trong cách đánh giá giáo viên. Đánh giá giáo viên phải trên cơ sở những sản phẩm cụ thể của kết quả của quá trình tự học, tự đổi mới bằng phương pháp định lượng.
Không thể đánh giá giáo viên qua một vài giờ giảng hay bằng những tiêu chí định tính nặng về cảm tính như hiện nay.
Chẳng hạn, mỗi giáo viên phải tự xây dựng kế hoạch tự học, tự đổi mới cho chính mình và kế hoạch đó sẽ được đánh giá định kỳ 2 - 3 một lần một cách công minh. Nếu qua vài lần đánh giá không đạt yêu cầu thì cần đưa ra khỏi ngành – như vậy giáo viên vẫn ‘tâm phục, khẩu phục’ mà không cần thiết phải thay đổi chính sách khác.
Tóm lại, nếu giáo dục theo phương châm ‘lấy người học làm trung tâm’ thì phương châm cho cơ chế quản lý giáo dục mới phải là ‘lấy giáo viên làm trung tâm’. Trong bối cảnh Đảng và Chính phủ đang quyết tâm ‘xây dựng một nhà nước kiến tạo’, không có lý do gì để ngành giáo dục và đào tạo cứ giữ mãi cơ chế quản lý lấy cán bộ quản lý làm trung tâm.